ADB: Châu Á càng tăng trưởng, càng bất công
"Không chỉ bánh mỳ"
Trong Báo cáo triển vọng tăng trưởng châu Á năm 2012 mới công bố, ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng của châu Á xuống từ 7,5% xuống còn 6,9% trong năm 2012. Tỉ lệ lạm phát năm 2012 cũng được kỳ vọng sẽ giảm, sau khi đã tăng đến mức 5,9% trong năm 2011 do giá thực phẩm và nhiên liệu tăng.
ADB cho biết, mức độ bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng tại châu Á. Trong khi mức độ này ở châu Mỹ Latin và châu Phi thấp hơn mức trung bình, thì các con số thể hiện sự bất bình đẳng trong xã hội châu Á như hệ số Gini ngày lại có dấu hiệu tăng cao. Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia là những quốc gia điển hình về sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng.
Trả lời phỏng vấn BBC, nhà kinh tế trưởng ADB, Changyong Rhee giải thích, châu Á có thể sẽ phải chờ đợi rất lâu để khoảng cách giàu - nghèo được kiểm soát và thu hẹp.
Trong suốt những thập niên 60-70, châu Á đã đảm bảo tốt việc tăng trưởng không làm ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân trong khu vực, và thực sự đã làm giảm đáng kể khoảng cách giàu - nghèo trong khu vực.
Tuy nhiên, trong một thập kỷ qua, mức tăng trưởng đột ngột và sự giàu lên ngày càng nhanh chóng của một bộ phận người dân đã cho thấy khoảng cách giàu - nghèo lại gia tăng trở lại. ADB ước tính, hiện tại, ở các quốc gia châu Á, những người giàu nhất (vốn chỉ chiếm 5% dân số) đã chiếm đến 20% tổng lượng tiêu dùng của cả khu vực.
Đồng thời, với hàng trăm triệu người dân, việc tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế và nhà ở đang trở nên khó khăn và tốn kém hơn bao giờ hết.
"Với công nghệ và truyền thông, mọi người có thể biết rất rõ những người khác trên thế giới đang sống thế nào, và khát khao sống bình đẳng vì thế càng tăng", ông Rhee lý giải.
Người dân ngày càng yêu cầu cao hơn. Họ không chỉ đòi bánh mỳ, mà còn đòi hỏi sự công bằng trong chia bánh mỳ, ông Rhee nói thêm.
Vòng luẩn quẩn
Sử dụng hệ số Gini để đánh giá khoảng cách bất bình đẳng, ADB cho biết, hệ số Gini càng tăng cao, vấn đề càng trở nên trầm trọng. Trong báo cáo của mình, ADB nêu rõ, hệ số Gini ở Trung Quốc đã tăng lên con số 43 trong năm 2010, so với mức 32 của những năm 90. Cùng thời điểm đó, tại Ấn Độ, hệ số Gini cũng tăng từ 33 lên 37, còn ở Indonesia, hệ số Gini hiện tại là 39, tăng 10 bậc so với những năm 90.
"Bất bình đẳng dẫn tới một vòng luẩn quẩn. Bất bình đẳng về cơ hội tạo ra bất bình đẳng trong thu nhập, do đó dẫn tới sự khác biệt lớn trong cơ hội phát triển tương lai của các gia đình", ông Rhee giải thích. Những căng thẳng trong xã hội có thể làm suy yếu bộ máy lãnh đạo và nền chính trị.
Tuy nhiên, châu Á cũng đón nhận nhiều tin lạc quan. Tốc độ tăng trưởng của khu vực vẫn được kỳ vọng ở mức bèn vững, từ 6,9% trong năm 2012 tăng lên 7,3% trong năm 2013. ADB cũng phát hiện ra rằng, số lượng người sống dưới mức nghèo đói (1,25 UDS/ngày) đã giảm từ 430 triệu người trong giai đoạn 2005-2010.
Châu Á là khu vực c | nhiều người nghèo nhất và có số lượng nhà ổ chuột lớn nhất thế giới.
"Khoảng 240 triệu người khác có thể đã thoát nghèo trong vòng 20 năm qua nếu sự bất bình đẳng chỉ cần giữ nguyên - chứ không tăng lên như những năm 90", ông Rhee khẳng định.
ADB cho rằng, các nước châu Á nên đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và y tế, tạo bình đẳng về cơ hội việc làm, đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng để giảm sự mất thăng bằng giữa nông thôn - thành thị, trung tâm và vùng sâu vùng sa, để có thể ngăn chặn các tệ nạn và bất ổn xã hội.
Cũng trong báo cáo lần này, ADB cho biết, tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể sẽ chậm lại ở mức 8,5% trong năm nay và 8,7% trong năm tới, sau khi đạt tốc độ 9,2% trong năm 2011.
Mức tăng trưởng đáng thất vọng của Mỹ, Nhật, và khu vực châu Âu, vốn là các thị trường chính cho những nền kinh tế châu Á lấy xuất khẩu làm trọng tâm, cũng sẽ tiếp tục là vấn đề đau đầu đe dọa kinh tế châu Á. Tại Nhật, tình hình phục hồi kinh tế sau thảm họa sóng thần và hạt nhân năm 2011 cũng không mấy sáng sủa, trong khi Mỹ đang đối mặt với tỉ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng và tình trạng nợ của các hộ gia đình ngày càng cao.
Theo VEF
End of content
Không có tin nào tiếp theo