ADB cho Việt Nam vay gần 3,9 tỷ USD
Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo công bố Chiến lược Đối tác Quốc gia của ADB đối với Việt Nam giai đoạn 2012 - 2015 được tổ chức vào chiều qua (31/10).
Trọng tâm của chiến lược đối tác quốc gia đối với Việt Nam giai đoạn 2012-2015 là, ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam về mục tiêu tiến tới quốc gia có thu nhập trung bình ở mức cao qua 3 trụ cột chính: tăng trưởng toàn diện, nâng cao hiệu quả kinh tế và bền vững môi trường. Việc hỗ trợ sẽ tuân theo các nguyên tắc là bám sát các ưu tiên của Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ Việt Nam.
Trong đó, trụ cột tăng trưởng toàn diện sẽ giúp Việt Nam giảm số người nghèo thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn, tiếp cận với các nguồn lực kinh tế và hỗ trợ các cơ hội giáo dục đào tạo; đồng thời hỗ trợ cải cách thể chế, chính sách và quản lý trong cung cấp dịch vụ xã hội.
Trụ cột nâng cao hiệu suất kinh tế với mục tiêu hỗ trợ cải cách cơ cấu và chính sách, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tăng cường công tác lập kế hoạch đầu tư công, phát triển khu vực tài chính theo chiều sâu để huy động vốn tư nhân. Đây là trụ cột chiến lược quan trọng nhất, đáp ứng trực tiếp nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, giúp Chiến lược Quốc gia ADB (2012 - 2015) kết hợp hài hòa với Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội (2011 - 2015) và Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội (2011 - 2020) của Việt Nam.
Môi trường bền vững sẽ giúp Việt Nam đối phó với những thách thức môi trường, biến đổi khí hậu ở cấp Trung ương và địa phương thông qua quản lý tài nguyên thiên nhiên, áp dụng công nghệ sạch trong lĩnh vực hạ tầng.
ADB sẽ cung cấp nguồn vốn vay thông thường là 943 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn 2013-2014 và 760 triệu USD cho năm 2015. Ngoài ra, nguồn vốn từ Quỹ Phát triển châu Á (ADF) sẽ cung cấp cho Việt Nam 385 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn 2013-2014 và 395 triệu USD cho năm 2015. 6 ngành, lĩnh vực được ADB tập trung đầu tư là: Nông nghiệp và tài nguyên môi trường, giáo dục, năng lượng, tài chính, giao thông, nước sạch và đô thị.
Theo ông Tomoyuki Kimura, đây là số vốn và các dự án mà ADB đề xuất dự kiến cho Việt Nam vay. Các khoản vay chính thức sẽ phải chờ sự phản hồi từ phía Chính phủ cũng như kết quả thực hiện của Việt Nam với các khoản vay trong giai đoạn trước.
Ông cũng đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, Việt Nam cần quản lý nguồn vốn ODA hiệu quả hơn trong bối cảnh nguồn vốn ODA dành cho các nước đang phát triển ngày càng thấp
So với chiến lược 2007 - 2010, chiến lược 2012 - 2015 có một số khác biệt: Trụ cột chiến lược đề ra nhằm giải quyết những thách thức của một nước có thu nhập trung bình chứ không còn là nước thu nhập thấp; tập trung hơn nữa vào công tác tái cơ cấu nền kinh tế; có giải pháp nâng cao công tác lập kế hoạch và thực hiện dự án...
Đoàn Huế
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Đẩy mạnh dịch vụ logistics hàng không để phát triển du lịch Việt Nam
2 ngày tung một sản phẩm mới, Vinamilk tiên phong đưa chuẩn thế giới về Việt Nam