Thị trường

ADB: Khả năng hồi phục kinh tế vĩ mô Việt Nam còn hạn chế

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á - Việt Nam 2014 của Ngân hàng Thế giới (ADB) nhận định mặc dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng khả năng khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như những năm trước đây vẫn còn hạn chế, do rất nhiều nguyên nhân, trong đó tiến trình cải cách ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra thận trọng.

Một số dấu hiệu tích cực

Việt Nam đang bước vào năm thứ ba ổn định kinh tế vĩ mô, với tỷ lệ lạm phát thấp hơn, các dòng vốn và xuất nhập khẩu mạnh hơn, và tỷ giá hối đoái ổn định hơn. Tăng trưởng GDP đã cải thiện trong năm 2013 và được kỳ vọng là tiếp tục hồi phục tốt hơn trong vòng 2 năm tới.

Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục kiềm chế tương đối ổn định. Tuy nhiên, khả năng khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như những năm trước đây vẫn còn hạn chế, do tiến trình cải cách ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra thận trọng.

Báo cáo ADB ghi nhận những tiến bộ đạt được trong cải cách khu vực tài chính ngân hàng, bao gồm những nỗ lực không ngừng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc giám sát hoạt động cho vay, sáp nhập và tái cơ cấu của một số ngân hàng yếu kém, nới lỏng các quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng trong nước. Báo cáo cũng ghi nhận việc thực hiện các quy định mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng nhằm thu hẹp khoảng cách với chuẩn mực quốc tế sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6/2014.

Tuy nhiên, các chuẩn mực mới ban hành lại không yêu cầu cao như dự định ban đầu, và sự chậm trễ tiếp theo ảnh hưởng đến một số biện pháp quan trọng như yêu cầu điều chỉnh phân loại nợ dựa trên các dữ liệu từ trung tâm thông tin tín dụng. Ngoài ra, các ngân hàng sẽ tiếp tục được linh hoạt trong tái cấu trúc các khoản nợ quá hạn và có quyền quyết định không tuyên bố chúng là nợ xấu. Để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, có thể cần đặt ra các chỉ tiêu cụ thể và thời hạn để thu hẹp khoảng cách giữa quy định của quốc gia với các chuẩn mực quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế sẽ đi theo chiều hướng tích cực nhờ vào một số biện pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm giảm nhẹ rủi ro trong khu vực ngân hàng, bao gồm việc: mua một số lượng đáng kể nợ xấu thông qua VAMC; tăng cường giám sát hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại; sáp nhập và tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém; nới lỏng những quy định hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng trong nước, và áp dụng các quy định mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng: “Đẩy nhanh tiến độ giải quyết nợ xấu sẽ đòi hỏi phải đặt ra các mục tiêu rõ ràng, chắc chắn cũng như lộ trình thu hẹp khoảng cách giữa chuẩn mực trong nước và quốc tế, đồng thời tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi”.

Tăng trưởng tín dụng vẫn chậm

Lạm phát được kiềm chế về mức trung bình 6,6% trong năm ngoái, tiếp tục giảm sâu từ mức lạm phát cao 18,6% năm 2011. Cầu nội địa còn yếu, sản lượng lương thực liên tục tăng trong khi giá quốc tế các mặt hàng thô có xu hướng giảm – những yếu tố này góp phần thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát. Với lạm phát giá lương thực được kiểm soát, chính phủ đã tăng giá một số mặt hàng được Nhà nước điều tiết là điện, nhiên liệu và dịch vụ y tế.

Để giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam – cơ quan ngân hàng trung ương đã cắt giảm 1-2% các lãi suất chính sách, tiếp theo các đợt cắt giảm tới 6% trong năm 2012. NHNN cũng hạ trần đối với một số lãi suất huy động và cho vay. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng còn chậm cho đến tận cuối năm 2013, khi một số ngân hàng tăng tín dụng tạm thời để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%.

Tính cho cả năm, tín dụng tăng trưởng với tỷ lệ ước tính 12,5%. Tăng trưởng tín dụng vẫn bị kìm hãm do sự không chắc chắn về tình trạng nợ xấu, tốc độ cải cách ngân hàng chậm chạp và cầu tín dụng yếu ớt. Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tính là 18%, cao hơn chỉ tiêu 14-16% mà NHNN đề ra cho năm 2013.

Tiền Đồng Việt Nam vẫn khá ổn định trong năm 2013. Sự ổn định của tỷ giá là nhờ vào lạm phát giảm, tình hình cán cân kinh tế đối ngoại mạnh lên và lãi suất thực dương. Một yếu tố hỗ trợ khác nữa chính là việc NHNN chủ động trung hòa hóa lượng cung tiền dư thừa thông qua việc phát hành tín phiếu NHNN. Vào tháng 6, NHNN cũng tăng tỷ giá VND so với USD thêm 1% để thúc đẩy xuất khẩu.

Chính sách tài khóa cũng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, với việc miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và tăng chi tiêu thường xuyên. Thâm hụt ngân sách theo cách tính của chính phủ đã tăng từ 4,3% năm 2012 lên 5,5% trong năm 2013. Chi tiêu ngoài ngân sách dường như cũng góp phần tăng thâm hụt tài khóa chung, mặc dù các vấn đề tồn tại liên quan đến minh bạch thông tin tài khóa làm cho việc ước tính trở nên khó khăn.

Nguồn thu ngân sách từ thuế bị ảnh hưởng bởi sự ảm đạm của nền kinh tế trong hai năm vừa qua cộng với các biện pháp miễn giảm thuế nội địa cũng như cắt giảm thuế nhập khẩu. Trước những khó khăn về nguồn thu ngân sách, Chính phủ đã ứng phó bằng cách thực hiện các biện pháp tăng cường hiệu quả đầu tư công và hạn chế chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách.

Tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản trong hai năm vừa qua ước tính chỉ ở mức 5,8% GDP, giảm từ mức 8,4% trong giai đoạn 2004-201. Tỷ trọng của chi đầu tư trong tổng chi đã giảm từ mức 72% trong năm 2010 xuống còn 40% trong năm 2013, do chính phủ đã ban hành một quyết định giữ nguyên mức tiền chi thường xuyên cho các lĩnh vực xã hội.
 

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo