Chân dung

ADB tiếp tục tài trợ 166 triệu USD cho Việt Nam

Ngày 8/11/2013, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký 3 Hiệp định vay và tài trợ không hoàn lại để nâng cấp hạ tầng đô thị, cải thiện sinh kế cho người nghèo và chăm sóc sức khỏe nông thôn.

Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình và ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã ký hai hiệp định vay vốn và một hiệp định tài trợ không hoàn lại với tổng trị giá 165,83 triệu USD cho 3 dự án.

Đó là: “Dự án Chăm sóc sức khoẻ nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2”, “Dự án Phát triển các thành phố loại 2 tại Quảng Nam, Hà Tĩnh và Đắk Lắk" và “Dự án Hỗ trợ sinh kế cho các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông và Quảng Trị”.

Khoản vay thứ nhất trị giá 95 triệu USD cho “Dự án Phát triển các đô thị loại 2 tại Quảng Nam, Hà Tĩnh và Đắk Lắk” được tài trợ từ nguồn Quỹ Phát triển châu Á (ADF) của ADB. Mục tiêu của Dự án nhằm giải quyết vấn đề phát triển đô thị một cách đồng bộ, giảm thiểu các rủi ro về thiên tai, bền vững khí hậu và cải thiện môi trường đô thị.

Dự án cũng hỗ trợ cho quản lý tốt hơn các chất thải rắn, nâng cấp đường đô thị nhằm cải thiện kết nối và sơ tán khi có thiên tai; hoàn thành các tuyến đê chống lũ lụt, các kênh thoát nước và các hồ điều hoà phục vụ công tác phòng chống lũ lụt. Hỗ trợ quản lý dự án và xây dựng năng lực để phát triển các đô thị loại 2 thành các trung tâm tâm bền vững, an cư tiện lợi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong các khu vực.

Dự án cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương, cân bằng phát triển vùng, giải quyết quá tải ở các trung tâm đô thị lớn; khai thác tối ưu các tác động phát triển bằng cách bổ sung cho các công trình hạ tầng chống và thoát lũ được đầu tư thông qua dự án do ADB tài trợ trước đây.

Khoản vay thứ hai trị giá 70 triệu USD từ nguồn ADF cho “Dự án Chăm sóc sức khoẻ nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2”, được triển khai tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng.

Mục tiêu của Dự án nhằm giảm hơn nữa tỷ lệ tử vong bà mẹ khi sinh và tử vong trẻ sơ sinh thông qua việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng và các bệnh viện; thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa các trung tâm y tế cộng đồng với các bệnh viện, và tăng cường công tác quản lý y tế cấp tỉnh.

Theo đó, dự án sẽ giúp xây dựng hoặc nâng cấp và trang bị 54 trạm y tế cộng đồng, 10 cơ sở khám đa khoa liên xã và 9 bệnh viện; đồng thời tổ chức các khoá đào tạo và cấp học bổng cho các cán bộ y tế, nhất là cán bộ nữ và sinh viên người dân tộc.

Hiệp định tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản sẽ cung cấp khoản hỗ trợ trị giá 883 nghìn USD cho “Dự án Hỗ trợ sinh kế các thị trấn trên hành lang tiểu vùng sông Mê Kông và Quảng trị” (GMS). Khoản hỗ trợ không hoàn lại trên được cấp từ Quỹ Giảm nghèo của Nhật Bản (JFPR) và do ADB điều hành.

Dự án JFPR này sẽ hỗ trợ các mục tiêu của các dự án sử dụng vốn vay cho việc chuyển đổi các hành lang giao thông GMS thành các hành lang kinh tế toàn diện thông qua tăng cường tiếp cận các cơ hội sinh kế và thu nhập qua việc tạo ra các kênh hỗ trợ cho những người bán hàng rong, cũng như tập huấn và quản lý chương trình cho các cán bộ thị trấn, thị xã.

Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo