ADB: Việt Nam khó đạt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2015
Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo sẽ đạt 6,1% trong năm 2015 và 6,2% trong năm 2016, trong đó FDI sẽ đóng vai trò là động lực quan trọng. Số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài cho biết số vốn FDI mới cam kết đã tăng lên 15,6 tỉ USD trong năm 2014, trong khi thêm 4,6 tỉ USD được cam kết cho các dự án đầu tư nước ngoài đang hoạt động.
Phân tích của ADB cho thấy: Tình hình kinh tế được cải thiện ở những nền kinh tế lớn – đặc biệt là Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – sẽ tạo động lực cho xuất khẩu, song tác động tích cực này sẽ một phần bị ảnh hưởng ngược lại do tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Xuất khẩu sản xuất chế tác sẽ tiếp tục gia tăng, do 76% số vốn FDI giải ngân trong năm ngoái đều hướng vào hoạt động sản xuất chế tác.
Các nhân tố yểm trợ cho tiêu dùng cá nhân bao gồm gia tăng việc làm, lạm phát thấp và tăng lượng kiều hối, đạt gần 10 tỉ USD vào năm ngoái. Trong tháng 1/2015, ngay trước Tết, doanh số bán lẻ đã tăng 13% theo giá trị danh nghĩa.
Lạm phát giảm, xếp hạng tín nhiệm tăng, triển vọng xuất khẩu hàng hóa chế tác đầy hứa hẹn là các yếu tố cải thiện triển vọng đầu tư. Ngân hàng trung ước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 là 13-15%, cao hơn một chút so với kết quả ước đạt của năm trước.
Các quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản sẽ được nới lỏng từ tháng 7/2015, điều này sẽ hỗ trợ cho các biện pháp khác của chính phủ nhằm thu hút đầu tư trở lại với thị trường bất động sản.
Cũng theo ADB, giá dầu thế giới hạ trong năm 2014 là một động thái tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù Việt Nam sản xuất khoảng 350.000 thùng dầu/ngày và là nước xuất khẩu ròng dầu thô, song Việt Nam cũng là nước nhập khẩu ròng các sản phẩm dầu lửa tinh luyện. Giá nhiên liệu giảm góp phần làm tăng thu nhập khả dụng của hộ gia đình, kích thích tiêu dùng, và giảm chi phí cho nhiều doanh nghiệp, giúp cải thiện lợi nhuận và đầu tư.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia ước tính tiết kiệm chi phí sản xuất trong nước có thể đạt 3% trong năm nay. Giá dầu giảm cũng làm cho thu ngân sách của chính phủ bị ảnh hưởng, song chính sách tài khóa sẽ vẫn tiếp tục theo hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ở cấp độ ngành, công nghiệp được dự báo sẽ là động lực tăng trưởng chính. FDI và đầu tư công sẽ thúc đẩy ngành xây dựng, đồng thời xu hướng gia tăng nhập khẩu các đầu vào sản xuất trong thời gian gần đây – bao gồm hóa chất, bông, nhựa – là dấu hiệu cho thấy công nghiệp hoạt động mạnh.
Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng của HSBC cho thấy các đơn đặt hàng mới, sản lượng và việc làm trong khu vực chế tác tiếp tục gia tăng trong tháng 2/2015.
ADB cũng đưa ra nhận định năm 2015 khu vực dịch vụ sẽ hưởng lợi nhờ giảm giá nhiên liệu và vận tải và phục hồi hoạt động du lịch đến từ Trung Quốc. Tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước được cải thiện cũng thúc đẩy tăng trưởng trong các ngành dịch vụ khác.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng được hỗ trợ từ việc giảm chi phí nhiên liệu và vận tải, song tăng trưởng nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do giá lương thực thấp và các vấn đề trở ngại trong lĩnh vực vận tải và hạ tầng thương mại.
Chính sách tài khóa dự báo sẽ tiếp tục mở rộng do thâm hụt ngân sách được đặt mục tiêu 5% GDP trong năm 2015 và khả năng duy trì ở mức này trong năm 2016.
Thâm hụt ngân sách đồng nghĩa với việc nhấn mạnh nhiều hơn vào chi tiêu đầu tư, dự báo sẽ tăng gần 20% sau hai năm giảm tuyệt đối. Chi thường xuyên dự báo sẽ tăng 10%, trong đó chi cho y tế tăng 11% và chi cho giáo dục tăng 5%.
Tuy nhiên, điều mà ADB nhấn mạnh trong báo cáo chính là việc Chính phủ có thể sẽ gặp khó khăn để đạt được chỉ tiêu thu ngân sách. Việc hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, dỡ bỏ thuế quan và miễn thuế cho các doanh nghiệp ưu tiên đều ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách.
Từ 2010 đến 2014, tài trợ và thu ngân sách trung ương giảm từ 27,6% GDP xuống khoảng 21,5% GDP. Trong thời kỳ dự báo, giá dầu giảm sẽ tác động bất lợi đến số thu thuế tài nguyên và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dự báo triển vọng giả định rằng nếu thu ngân sách thấp hơn kế hoạch, chính phủ sẽ lựa chọn tăng thâm hụt ngân sách hơn là cắt giảm chi tiêu. Theo kịch bản đó, nợ công đến cuối năm 2016 có thể tăng đến 60% GDP. Triển vọng này cho thấy tầm quan trọng của việc điều chỉnh cân đối ngân sách trong trung hạn để tránh làm tăng nợ công lên mức không bền vững hoặc gây tác động xấu đến lòng tin của nhà đầu tư.
Lạm phát tiếp tục giảm trong hai tháng đầu năm 2015 xuống mức trung bình 0,6% so với cùng kỳ năm trước do giá lương thực và vận tải đều giảm. Tính cho cả năm, lạm phát dự báo ở mức 2,5%. Lạm phát sẽ tăng tốc nhanh lên 4,0% trong năm 2016 khi cầu trong nước và giá dầu thế giới đều tăng.
Dự báo cũng cho rằng chính phủ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh lạm phát thấp. Ngân hàng trung ương muốn các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay thêm 1,0-1,5 điểm phần trăm trong năm 2015, sau khi đã giảm khoảng 2 điểm phần trăm trong năm 2014.
Trong tháng Giêng năm nay, ngân hàng trung ương đã tiếp tục điều chỉnh tỉ giá giữa đồng Việt Nam và đô-la Mỹ xuống thêm 1% và có thể tiếp tục điều chỉnh xuống 2% trong năm 2015.
Trong trung hạn sẽ có động lực mới cho hoạt động thương mại và đầu tư xuất phát từ các hiệp định thương mại tự do mới, lộ trình hội nhập của Việt Nam vào Cộng đồng kinh tế ASEAN từ cuối năm 2015 và kế hoạch dỡ bỏ dần hạn chế tỉ lệ sở hữu nước ngoài đối với bất động sản và các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Thêm vào đó, ADB cho rằng tiến trình lành mạnh hóa khu vực ngân hàng đang từng bước đạt được tiến bộ thông qua việc khuyến khích sát nhập và nhà nước mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa.
Tuy vậy, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế. Các ngân hàng thiếu vốn, thiếu minh bạch tài chính sẽ vẫn rủi ro cao trước các cú sốc. Việc tìm kiếm đủ nhà đầu tư tham gia vào các đợt bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước bị cản trở bởi cấu trúc sở hữu phức tạp và thông tin tài chính không rõ ràng của các doanh nghiệp này.
Về lâu dài, Việt Nam có đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hay không phụ thuộc vào khả năng quản trị doanh nghiệp và cải cách cơ cấu sâu rộng hơn, cũng như khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững