Ai bảo kê cho phòng khám Trung Quốc?
“Bác sĩ chui” tự tung, tự tác
Mới chỉ đi vào hoạt động được 2 năm nay với cái tên Phòng khám đa khoa Trung Nam nằm trên đường 3/2 quận 11, nhưng nơi này đã bị ngành chức năng 3 lần xử phạt. Cách đây một năm, phòng khám này vô tư thuê bác sĩ Trung Quốc khám bệnh, nhưng thực tế người này chỉ là một xe ôm ở khu chợ Lớn.
Sai phạm này buộc phòng khám Trung Nam bị xử lý hơn 15 triệu đồng. Chưa hết, cuối tháng 11- 2011, phòng khám quảng cáo tâng bốc thành là bệnh viện đa khoa và dùng những thiết bị y tế không đăng ký lưu hành.
Hàng loạt thuốc được phát hiện ở đây đều ghi nhãn mác Trung Quốc và không chứng minh được nguồn gốc buộc cơ quan chức năng tiếp tục xử lý.
Nhưng hơn 10 triệu đồng của lần xử lý vi phạm của Phòng khám này dường như vẫn không đủ “đô” khiến mới đây, phòng khám Trung Nam tiếp tục tái phạm.
Chiều 22-6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM tiếp tục thanh tra đột xuất Phòng khám đa khoa Trung Nam ở đường 3-2, phường 16, quận 11.
Tuy nhiên, phòng khám này đã dán thông báo tạm ngưng hoạt động. Tại phòng khám không có bác sĩ người Trung Quốc thăm khám, chỉ còn lại bảo vệ và các điều dưỡng lẫn tiếp tân.
Cơ sở này do ông Nguyễn Vĩnh Thanh làm chủ cơ sở nhưng tại thời điểm kiểm tra ông này không có mặt. Toàn bộ thiết bị mang nhãn mác Trung Quốc ở phòng khám đều mới được dán giấy A4 “máy chờ thẩm định”.
Tuy nhiên, khi kiểm tra hồ sơ bệnh án, cho thấy trong ngày 21-6, cơ sở này vừa khám chữa bệnh, cắt trĩ cho bệnh nhân bằng các thiết bị máy móc này.
Thậm chí chiếc quạt hơi nước đặt trong phòng khám bệnh cũng được dán giấy với dòng chữ “máy đang chờ thẩm định”.
Một thanh niên được cho giúp việc ở phòng khám cho biết đã gửi Bộ Y tế từ cuối năm 2011 và đang chờ thẩm định...?chiếc quạt!?. Thanh tra còn phát hiện phòng khám truyền dịch, kháng sinh cho bệnh nhân nhưng không có chỉ định của bác sĩ.
Không chỉ sử dụng thầy thuốc người Trung Quốc không có chuyên môn, tại Phòng khám đông y Hiện Đại trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình cũng in ấn phẩm “nổ” về cách chữa bệnh của mình.
Khi chúng tôi đến phòng khám đông y Trường An, ở đường Hồng Bàng, quận 11 để khám bệnh, nhân viên nơi đây quảng cáo với chúng tôi sẽ điều trị sỏi thận không cần mổ, không cần nội soi và nằm viện.
Tại Phòng khám đa khoa Trung Nam nhiều người được giới thiệu là bác sĩ Trung Quốc nhưng thực chất những người này đều không có chứng chỉ hành nghề.
Bác sĩ Q. bị vu khống?
Thông dịch viên cho bác sĩ Trung Quốc là chị H.T.P, từng làm ở Phòng khám đa khoa Trung Nam cho biết, có sự lộng hành của các phòng khám Trung Quốc trong thời gian qua là do bác sĩ Q. làm ở Thanh tra Sở Y tế TPHCM “chống lưng”.
Trong đơn tố cáo gửi báo chí, chị P. cho biết, phòng khám này đã liên kết với bác sĩ Q. nên cứ mỗi đợt thanh tra thì phòng khám này được thông báo trước, vì vậy, khi đoàn kiểm tra Sở Y tế tới nơi, mọi thuốc men đều được tẩu tán, bác sĩ “chui” cũng núp kín.
Ngày 21-6, khi đoàn thanh tra Sở Y tế TPHCM đến kiểm tra Phòng khám Y học Trung Quốc ở đường Thành Thái, quận 10 thì nơi đây đã cửa đóng then cài. Một tấm giấy ghi “tạm ngưng hoạt động” vừa được dán lên khiến không ít người hoài nghi đã có “tay trong” ở Sở Y tế loan báo.
Điều khiến nhiều người bất ngờ là trước đó, ngày 20-6, đoàn thanh tra cũng bất ngờ vào phòng khám đa khoa Đầm Sen trên đường Hòa Bình, quận 11 thì nơi đây cũng đã dán thông báo “tạm ngưng hoạt động”.
Tuy nhiên, trong cơ sở này vẫn có hai bệnh nhân đang truyền dịch. Chiều 21-6, một đoàn thanh tra của Sở Y tế cũng ập đến Phòng khám y học cổ truyền Đông Phương trên đường Cách Mạng Tháng Tám quận Tân Bình.
“Chúng tôi chia ra để kiểm tra bất ngờ, nhằm bắt tận tay những sai phạm tại phòng khám này nhưng lạ thay, những người ở đây đã biết trước được và đối phó rất tinh vi”- một cán bộ trong đoàn kiểm tra cho biết.
Phòng khám này dán bản “ngưng hoạt động để sửa chữa” nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân vừa mới khám và điều trị ở đây.
Trước thông tin, bác sĩ Q. ngoài bảo kê cho phòng khám Trung Nam và Đầm Sen còn “chống lưng” cho nhiều phòng khám khác, vị bác sĩ này khẳng định: “Những đơn tố cáo tôi bảo kê cho phòng khám Trung Quốc là vu khống nhằm hạ thấp uy tín của tôi”.
Bác sĩ Q. cho biết đã làm tường trình gửi lãnh đạo Sở Y tế TPHCM và đã làm việc với cơ quan công an nhằm làm rõ những tố cáo này. “Để bảo vệ uy tín cho mình tôi sẽ nhờ các cơ quan chức năng làm rõ ai đứng đằng sau các phòng khám Trung Quốc để vu khống tôi” - bác sĩ này nói.
Tước giấy phép với phòng khám có bác sĩ “chui” Chiều qua 22-6, Sở Y tế TPHCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với phòng khám Trung Quốc ở 141 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận với mức xử phạt 45,5 triệu đồng. Ngoài ra, sở này cũng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động của phòng khám Trung Quốc từ 6 đến 12 tháng, đồng thời giữ chứng chỉ hành nghề của bác sĩ Trung Quốc Long Bái Vân để xem xét. Trước đó ngày 18-6, khi kiểm tra phòng khám này nhiều “bác sĩ” Trung Quốc hoạt động chui đã bỏ chạy để lại hàng trăm loại thuốc, dịch truyền không nguồn gốc rõ ràng.
|
Theo Lê Nguyễn (TPO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất