Chính trị

Ai Cập luôn coi trọng mối quan hệ với Việt Nam

Ngày 7-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống cùng hợp tác, cùng có lợi với Ai Cập. Về phần mình, Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm khẳng định Ai Cập luôn mong muốn và coi trọng mối quan hệ với Việt Nam trên mọi lĩnh vực.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn thời gian tới hai bên thúc đẩy hợp tác hơn nữa trên mọi lĩnh vực. Hai nước cần tăng cường trao đổi hàng hóa mỗi nước có thế mạnh như chè, thủy sản, gạo, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, dệt may, cao su... của Việt Nam và sản phẩm hóa dầu, hóa chất, bông, thực phẩm chế biến... của Ai Cập. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Ai Cập sớm thông qua Hiệp định tránh đánh thuế song trùng hai bên đã ký năm 2006; tạo điều kiện để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư dầu khí và cung cấp dịch vụ liên quan đến dầu khí tại Ai Cập. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam mong muốn hợp tác hơn nữa với Ai Cập trong các lĩnh vực quốc phòng, nông nghiệp, văn hóa, du lịch, giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo. 

Nhấn mạnh hai nước sẽ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị giao cơ quan ngoại giao hai bên phối hợp chuẩn bị tổ chức hoạt động kỷ niệm sự kiện này. Thủ tướng cũng đề nghị giao cơ quan chức năng hai nước nghiên cứu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ai Cập và coi đây là di sản quý báu, bền chặt trong quan hệ hữu nghị hai nước. 

Nhất trí với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các nội dung nêu ra, Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi đã thông báo với Thủ tướng về cuộc hội đàm rất thành công với Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi khẳng định Ai Cập mong muốn hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Ai Cập đánh giá cao kinh nghiệm của Việt Nam, nhất là trong việc phát triển các khu công nghiệp, lĩnh vực nghề cá và chế biến hải sản; mong muốn hai nước hợp tác trong các lĩnh vực này ở cả cấp độ Chính phủ và doanh nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi.  Ảnh: TTXVN 
  

Cho biết Ai Cập có khoảng 4.000km bờ biển trên khu vực Biển Đỏ, có thị trường lớn 91 triệu dân, Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi cho rằng, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác đầu tư tại Ai Cập. Ai Cập còn là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường châu Phi và Trung Đông. Với việc Ai Cập đã có Hiệp định Thương mại tự do với châu Phi, các nước vùng Vịnh và châu Âu thì hàng hóa Việt Nam sẽ dễ dàng thâm nhập các thị trường này. Ai Cập mong muốn hai nước có cán cân thương mại cân bằng và mong muốn doanh nghiệp của Việt Nam tham gia đầu tư tại các khu công nghiệp của Ai Cập. Trong lĩnh vực giáo dục, Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi khẳng định Ai Cập sẵn sàng cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập tại Ai Cập. Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi cũng mong muốn hai nước đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực du lịch và bày tỏ tán thành với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc hai nước cần thúc đẩy các hoạt động kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

* Cùng ngày, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Việt Nam luôn ghi nhớ tình cảm và sự ủng hộ của Ai Cập trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chuyến thăm của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi sẽ mở ra thời kỳ mới trong quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi khẳng định chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam là nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi nhấn mạnh, Ai Cập rất hoan nghênh Quốc hội hai nước trao đổi đoàn và mong được đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Ai Cập.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo với Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi rằng Quốc hội Việt Nam đã thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Ai Cập; khẳng định Quốc hội Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác nghị viện giữa hai nước. Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi cũng cho biết Quốc hội Ai Cập vừa được thành lập lại với khoảng một nửa nghị sĩ lần đầu tiên được bầu vào Quốc hội, nên rất mong muốn trao đổi kinh nghiệm hoạt động nghị viện với Quốc hội Việt Nam.

 

* Ngày 7-9, tại Hà Nội, Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Ai Cập. Đến dự có Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng Ai Cập là bạn bè truyền thống và là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Phi, cùng chia sẻ và đồng cảm trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Hiện nay, Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam ở châu Phi với kim ngạch thương mại hai chiều bình quân hằng năm đạt 320 triệu USD. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước cũng đang phát triển tích cực như đầu tư, dầu khí, du lịch, văn hóa, giáo dục và đào tạo... Đây chính là nền tảng quan trọng cho giao thương, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn Ai Cập là cầu nối tin cậy cho Việt Nam để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với các nước ở khu vực châu Phi. Chính phủ Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn, thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp của Ai Cập.

Phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi đánh giá cao mô hình phát triển của Việt Nam và coi đây là câu chuyện thành công đầy lôi cuốn với vai trò của kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong quá trình chuyển đổi kinh tế có tính kỷ luật. Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đối đầu với nhiều thách thức kinh tế, đòi hỏi phải có chính sách ứng phó, tái cơ cấu kinh tế, tăng cường hợp tác khu vực công-tư để vượt qua khó khăn. Tổng thống Ai Cập mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực đầu tư thương mại, chào đón doanh nghiệp Việt Nam tại các khu công nghiệp, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực liên quan đến đóng tàu, phân bón, dệt may...

Nên đọc
Theo QĐND & TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo