Tin tức - Sự kiện

Ai chống lưng cho “tập đoàn xe dù” uy quyền như "xe vua"?

Từ lâu, Cty Thành Bưởi có đoàn xe uy quyền như “xe vua”. Những chiếc xe diễu trước mặt cơ quan chức năng mà không bị xử lý, thậm chí lách thuế hàng tỷ đồng. Có người ví đây là “tập đoàn xe dù” lớn nhất miền Nam. Nhóm PV của chúng tôi đã lần theo những chuyến xe này...

Bãi xe đón trả khách của Thành Bưởi trên đường Lê Hồng Phong - Quận 5 - TPHCM gần trụ sở Thanh tra GTVT (ảnh lớn). Xe hợp đồng, nhưng nhân viên thu tiền riêng từng khách (ảnh nhỏ). Ảnh: Bảo An

Ô tô của Cty Thành Bưởi được cấp phép phục vụ khách đoàn đi tham quan, du lịch, đám cưới, đám ma..., nhưng hoạt động không khác gì xe khách với đủ “chiêu” lách luật. Việc đón trả khách trái phép diễn ra ngay bên cạnh trụ sở Thanh tra GTVT TPHCM. 

Đặt chỗ công khai, thu tiền như bán cá 
 
Lấy số điện thoại “mời đặt chỗ” trên website của Cty Thành Bưởi, sáng 20/7, chúng tôi gọi điện đặt chỗ từ TPHCM đi Đà Lạt. Đầu kia, nữ nhân viên nói: “Ghế ngồi 210 nghìn; giường nằm 240 nghìn, có nhiều chuyến, anh đi chuyến nào?”. Chúng tôi đặt 2 vé đi Đà Lạt vào tối cùng ngày và được cô nhân viên dặn: “Xe không vào Bến xe miền Đông, các anh ra thẳng trụ sở chính của Cty ở 266 đường Lê Hồng Phong để lên xe”.
 
Điểm đón khách của Thành Bưởi trên đường Lê Hồng Phong ghi biển “điểm trông giữ xe” (không có chức năng đón khách), nhưng thực chất là một bến “cóc” với đầy đủ điểm đón tiếp, đặt chỗ; phòng chờ - quán cà phê; nơi nhận hàng và bãi xe... 
 
Lúc chúng tôi có mặt (21 giờ), hàng trăm người lỉnh kỉnh đồ đạc đang chờ xếp lên khoảng 10 chiếc xe đang đợi. Sự nhộn nhịp, đông đúc của nơi này không thua kém bến xe nào.  
 
Để quản lý các loại hình vận tải, cơ quan chức năng cấp phù hiệu “xe chạy tuyến cố định” (thường gọi tắt là xe khách) và “xe hợp đồng” với các nguyên tắc hoạt động khác nhau. Không khó nhận ra, trên kính của hầu hết các xe tại đây đều mang phù hiệu xe hợp đồng nhưng được vận hành như xe khách với những thủ thuật không khó phát hiện.
Do xe hợp đồng không được bán vé nên Thành Bưởi cấp cho khách “phiếu thông tin hành khách” để lách luật. 
 
Tấm phiếu thông tin này có đầy đủ thông tin chỗ ngồi, giá cước tương tự như một vé xe. Vì xe hợp đồng chuyên chở khách theo đoàn nên Thành Bưởi phải lập danh sách hành khách đi xe. 
 
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, nhiều bản danh sách chỉ được lập ra đối phó; có khi họ tên của khách chỉ được ký hiệu bằng một chữ cái. Khi xe lăn bánh, với vẻ mặt cau có, phụ xe: “Xin lỗi làm phiền bà con, tôi thu tiền”. Sau đó, anh này đi thu tiền từng khách, không khác cách vận hành của các xe “dù”.  
 
Cách đó chừng 200m, trụ sở của Thanh tra Giao thông TPHCM vẫn đỏ đèn. Từ TPHCM - Đà Lạt, lái và lơ xe liên hồi gọi điện, đón khách. Có khi xe đón khách ngay cầu Đồng Nai, giữa trời mưa to. Từ TP HCM đến Lâm Đồng có ít nhất 7 trạm CSGT, như một phép màu, chiếc xe dù của Thành Bưởi không bị kiểm tra. 
 
“Lá bùa” nối tuyến
 
Tại Lâm Đồng, Thành Bưởi có đại bản doanh tại số 5 phố Lữ Gia – trung tâm TP Đà Lạt. Tất cả các xe của DN này khi đến Đà Lạt luồn lách qua các phố rồi tập trung về đây. Gọi là bến xe, nhưng nơi đây vẫn nguyên dáng dấp của một căn biệt thự. Bến xe nằm trong khu dân cư, cách chợ Phan Chu Trinh chỉ vài chục mét, sát trường Hoa Phong Lan dành cho trẻ em khuyết tật. 
 
Cuối năm 2010, trong văn bản chấn chỉnh hoạt động xe khách trên địa bàn do ông Trương Hữu Hiệp, GĐ Sở GTVT Lâm Đồng ký coi số 5 Lữ Gia là bến “dù”, bến “cóc”, yêu cầu tự giải tán. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến năm 2012, chính số 5 Lữ Gia lại lọt vào danh sách quy hoạch bến xe loại 4 của tỉnh. 
 
Vài ngày quy hoạch công bố, chỗ này được công nhận bến xe loại 4. Tuy nhiên, vào đầu năm 2013, Bộ GTVT phát hiện vi phạm (ghép mảnh đất cách xa nhau gộp lại không đủ điều kiện làm bến xe loại 4) nên hạ xuống bến loại 5, hủy các tuyến xe liên tỉnh đi về bến này.
 
Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, từ ý kiến của Thành Bưởi, Sở GTVT Lâm Đồng đề nghị với Bộ GTVT một giải pháp lạ lùng: Cho phép các xe của Thành Bưởi chạy tuyến nội tỉnh từ số 5 Lữ Gia đến bến xe của huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), rồi từ Bến xe Đức Trọng cấp phép đi tiếp TP HCM và Cần Thơ. 
 
Đề nghị này bấu víu vào quy định, một xe khách được đăng ký tối đa 2 tuyến cố định cùng lúc. Tuy nhiên, Bến xe Đức Trọng nằm trên đường từ Đà Lạt đi TP HCM và Cần Thơ nên “Về bản chất việc này giúp cho Thành Bưởi chạy thẳng từ Đà Lạt đi TP HCM và Cần Thơ” - ông Nguyễn Văn Gia - PGĐ Sở GTVT Lâm Đồng thừa nhận. 
 
Đáng tiếc, Bộ GTVT lập tức có công văn hỏa tốc đồng ý với đề xuất trên. Sự đồng ý này đã tự mâu thuẫn với nguyên tắc do chính Bộ này đặt ra (Cụ thể, Thông tư 18/2013 của Bộ GTVT quy định nguyên tắc thiết lập tuyến cố định là: “Có bến xe nơi đi, bến xe nơi đến đã được các cơ quan có thẩm quyền công bố đưa vào khai thác và đủ điều kiện tiếp nhận”. Bến xe số 5 Lữ Gia không đủ điều kiện đón xe liên tỉnh nhưng đã được hợp thức hóa một cách khéo léo bằng cách nối tuyến). 
 
Tối 21/7, nhóm PV chọn đúng khung giờ được cấp cho một xe chạy tuyến cố định từ số 5 Lữ Gia đi Đức Trọng. Như cách Thành Bưởi vẫn làm, chiếc xe này vẫn lập danh sách hành khách, cấp phiếu thông tin. Nhiều khi, do không thuộc hết bài lách luật, nhân viên của Thành Bưởi ghi hẳn số ghế, giá tiền trên phiếu, nhưng không giao vé. 
 
Vé xe khách thực chất là một hoá đơn tài chính, làm căn cứ để tính thuế, nhưng Cty Thành Bưởi không giao vé cho khách. Câu chuyện dấu hiệu trốn thuế bắt đầu hé lộ.
 
 

Làm việc xong với PV, ngày 25/7, ông Nguyễn Văn Gia-PGĐ Sở GTVT Lâm Đồng có công văn đề nghị Sở GTVT TPHCM phối hợp kiểm tra xử lý xe Thành Bưởi.

Trong công văn, ông Gia khẳng định, xe Thành Bưởi là xe hợp đồng, nhưng hoạt động trái quy định, yêu cầu DN này chuyển sang đăng ký xe đúng loại hình vận tải tuyến cố định.

Trước đó, trong một cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, chính GĐ Sở GTVT Trương Hữu Hiệp thừa nhận bất lực với xe khách chạy hợp đồng trá hình trước sự ngỡ ngàng của nhiều quan khách.

Trách nhiệm thanh tra giao thông ở đâu?

Lãnh đạo Bến xe miền Đông (TPHCM) cho biết: Trước đây, có nhiều DN chạy tuyến TPHCM đi Đà Lạt tại Bến xe miền Đông, trong đó có cả Tập đoàn Mai Linh. 

Tuy nhiên, việc Cty Thành Bưởi dùng xe hợp đồng chạy trá hình, đón trả khách ngay trong nội đô, không mất tiền bến xe, không bán vé, tránh được thuế khiến các DN khác không thể cạnh tranh. Ngay cả DN làm ăn bài bản như Mai Linh cũng phải “chào thua”, ngừng tuyến.

Theo lãnh đạo bến xe này, nếu là xe khách ra vào, bến xe sẽ kiểm tra đăng kiểm xe, lái xe có uống rượu không... mới cho xuất bến. Với các xe trá hình của Thành Bưởi, các khâu kiểm soát này không có, dễ dẫn đến rủi ro cho hành khách. Ngoài ra, hình thức hợp đồng trá hình chạy trong nội đô còn gây rối loạn, ùn tắc giao thông. 

Hiện, Thành Bưởi đăng ký mỗi ngày 3 chuyến tại Bến xe miền Đông đi Đà Lạt, nhưng chỉ chạy cầm chừng giữ “nốt” để hợp thức hóa xe hợp đồng ngoài luồng. 

Trách nhiệm xử lý xe hợp đồng của Thành Bưởi trước hết thuộc về Thanh tra giao thông TPHCM có trụ sở cạnh DN Thành Bưởi. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên lạc làm việc, ông Lê Vĩnh Phát, Chánh thanh tra Sở GTVT TPHCM lập tức từ chối. Chúng tôi đề nghị được làm việc với cấp dưới, ông Phát nói: “Tôi bận tập huấn, không giải quyết”. Liên lạc với cấp dưới của ông Phát, chúng tôi tiếp tục bị từ chối.

Sỹ Lực

 
Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo