Pháp luật

Ai đã bỏ "con ruồi nửa tỷ" vào chai Number 1 của Tân Hiệp Phát?

(DNVN) - Sáng 18/12, phiên tòa xét xử vụ Cưỡng đoạt tài sản liên quan đến vụ việc "chai Number 1 có ruồi trị giá 500 triệu đồng" tiếp tục diễn ra tại TAND tỉnh Tiền Giang.

Theo tin tức từ báo Vietnamnet, vào 8h sáng nay (18/12), phiên tòa xét xử vụ “chai nước có ruồi” của Tân Hiệp Phát tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Phần tranh luận giữa VKS và các luật sư của anh Minh diễn ra gay gắt.

Ai bỏ con ruồi vào chai nước?

Với câu hỏi “ai là người bỏ con ruồi vào chai nước?”, VKS cho rằng quá trình phân phối sản phẩm trải qua rất nhiều cấp. Trong phạm vi điều tra, cơ quan tố tụng không thể xác định được thủ phạm là ai, nếu sau này xác định được ai là người bỏ ruồi vào chai nước sẽ xử lý sau!

VKS cũng cho rằng anh Minh chỉ là người mua nước rồi bán lại, anh không phải là người tiêu dùng nên không chịu điều chỉnh bởi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ai đã bỏ con ruồi vào trong chai Number 1?. Ảnh: Zing.vn.

Luật sư của anh Minh kịch liệt phản đối những quan điểm của VKS. Bởi anh Minh mua sản phẩm để bán lại cho người khác thì anh vẫn là người tiêu dùng. Khi phát hiện con ruồi trong chai nước anh đã gọi điện cho nhà sản xuất. Tân Hiệp Phát đã thể hiện thiện chí gặp anh Minh và có ghi nhận đây là “khiếu nại của khách hàng”.

Như vậy, chính Tân Hiệp Phát cũng ghi nhận đây là “khách hàng” và lựa chọn cách giải quyết khiếu nại của khách hàng. Việc giải quyết khiếu nại như trên là lựa chọn giao dịch dân sự, chịu điều chỉnh theo Luật bảo vệ người tiêu dùng.

Về câu hỏi chai nước Number 1 đã bị mở nắp hay chưa? Ai là người mở nắp? Luật sư của anh Minh chỉ ra tại biên bản làm việc đầu tiên giữa Tân Hiệp Phát và anh Minh thì chính nhân viên Tân Hiệp Phát đã có biên bản ghi nhận “chai nước còn nguyên, chưa bật nắp”. Vậy chai nước bị mở từ lúc nào? Chính vì lý do trên, luật sư mới đề nghị triệu tập điều tra viên đến tòa.

Luật sư cũng cho rằng nếu chai nước này bị cạy nắp từ trước thì không có chuyện Tân Hiệp Phát đồng ý thương lượng với anh Minh.

VKS cho rằng chai nước trị giá 10 ngàn đồng mà ra giá 1 tỷ đồng rồi 500 triệu đồng là quá lớn, không hợp lý, luật sư của anh Minh nhận định đây không chỉ đơn giản là một phép tính mà đó là giá trị của thương hiệu, là cách hành xử.

 

Luật sư viện dẫn các hãng nước ngọt trên thế giới cũng từng bỏ ra hàng triệu USD để trả cho một khách hàng khi sản phẩm của mình có lỗi. Về mặt đạo đức xã hội có thể có nhiều quan điểm khác nhau nhưng về mặt pháp lý, anh Minh hoàn toàn có quyền đưa ra những con số trên. Trong sự việc này, để lấy lại chai nước Tân Hiệp Phát cũng đã đưa ra trao đổi là 3 thùng Dr.Thanh và một bình đựng trà đá. Vậy những thứ trên đổi ra có giá trị bằng tiền không?

Tân Hiệp Phát có lo sơ khi bị "tống tiền"?

Về câu hỏi Tân Hiệp Phát có thiệt hại hay không? Có lo sợ hay không? Luật sư của Tân Hiệp Phát khẳng định là “có”. Mục đích của anh Minh là dùng uy tín, danh dự, thương hiệu của Tân Hiệp Phát để đòi tiền. Việc thương hiệu công ty bị ảnh hưởng là điều công ty rất lo sợ, công ty không còn lựa chọn nào khác.

Tuy nhiên, bảo vệ cho thân chủ của mình, Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho biết, ông đã nói rất nhiều về mô típ, quy trình giải quyết vụ việc của Tân Hiệp Phát.

Tin tức từ báo Zing.vn cho biết, theo lời khai của bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, Bình Dương) thì nhân viên giải quyết khiếu nại khách hàng Trương Tiểu Long đã báo cáo bà từ ban đầu về việc Minh yêu cầu đưa tiền. Tuy nhiên, đại diện VKSND tỉnh Tiền Giang cho rằng đây là chuyện nội bộ của Tân Hiệp Phát.

 

"Đại diện VKSND nói như vậy là không đúng, không xem xét ý thức của những người có liên quan là có lo sợ hay không. Quy trình xử lý vụ việc của công ty cho thấy Tân Hiệp Phát hoàn toàn chủ động trong việc này, họ không có biểu hiện lo sợ", luật sư Thi nói.

Cũng theo luật sư, ông Hoàng Chí Dưỡng (trợ lý của bà Bích) khai, Long chỉ mới báo cáo cho ông việc anh Minh kêu đưa tiền chứ chưa báo điều này cho bà Bích. Tuy nhiên, theo đơn tố cáo của bà Bích thì Long thường xuyên điện thoại báo cáo vụ việc cho bà là không đúng.

“Theo bút lục 139, Trương Tiểu Long nói quy trình của công ty là không có báo vượt cấp. Như vậy, những vấn đề mâu thuẫn nhau giữa lời khai tại tòa và hồ sơ đã không được đại diện VKSND đề cập đến. Tôi cho rằng, bà Bích không nắm thông tin từ đầu nên không có gì lo sợ”, luật sư Thi nêu quan điểm.

Người bào chữa cho bị cáo cũng đưa ra quan điểm, Tân Hiệp Phát vận hành theo quy trình giải quyết khiếu nại thông thường chứ không tỏ ra sốt sắng gì trong vụ này. Vì vậy, đây không phải là lo sợ, nếu lo sợ thì không kéo dài sự việc cho đến hai tháng.

“Tân Hiệp Phát không chủ động gọi điện cho Minh mà chỉ chờ Minh gọi thì nói rằng đó là lời đe dọa của khách hàng”, người bào chữa nói.
Những vấn đề luật sư tranh luận lại với VKSND sáng nay chủ yếu là hành vi của Minh có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không, những suy nghĩ mà Minh nói sẽ làm có được cho là vi phạm pháp luật?

 

Luật sư Thi cho rằng, theo Luật Báo chí thì mọi công dân đều có quyền cung cấp một hoặc nhiều vụ việc nào đó liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm cho cơ quan truyền thông. Ngoài ra, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm thì bất cứ người nào phát hiện thực phẩm bị lỗi thì có thể thông báo cho Hội bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ thông báo cho công chúng biết có sản phẩm lỗi.

Nếu anh Minh phát tờ rơi cho bà con thì đây được xem là quyền tự do ngôn luận mà Hiến pháp quy định. Trường hợp Minh phát tờ rơi, Tân Hiệp Phát chứng minh được sản phẩm đó không có lỗi thì công ty có quyền khiếu kiện Minh về việc cung cấp thông tin không đúng sự thật.

“Tại sao người ta suy nghĩ đến điều mà pháp luật cho phép để thực hiện quyền của một cá nhân, quyền người tiêu dùng thì lại cho là đe dọa. Khi họ nói ra quyền của họ thì không thể gọi là đe dọa được”, luật sư Thi nêu quan điểm.

Giải quyết dân sự thì không thể gọi là cưỡng đoạt

Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn Luật sư TP. HCM, bào chữa cho bị cáo Minh) cũng tham gia tranh luận lại với đại diện VKSND tỉnh Tiền Giang.

 

Theo luật sư, anh Minh là người kinh doanh ăn uống. Theo quy định của pháp luật và Luật bảo vệ người tiêu dùng thì anh Minh là người sử dụng sản phẩm.

Khi phát hiện sự việc, anh Minh có thiện chí liên hệ với Tân Hiệp Phát và đơn vị này cho người đến gặp để thương lượng. Tân Hiệp Phát lựa chọn cách dân sự để giải quyết thì không gọi là cưỡng đoạt. Khi thỏa thuận với anh Minh, nhân viên Tân Hiệp Phát ghi rõ là chai nước có ruồi bên trong, chưa mở nắp…

Nhiều lần thương lượng, cuối cùng phía Tân Hiệp Phát cũng ghi nhận điều này. Các bút lục 135, 138, anh Trương Tiểu Long làm việc với anh Minh cũng ghi nhận không có dấu hiệu bị cạy phá. Vậy, cạy phá lúc nào nhưng cơ quan điều tra không làm được. Tại sao nắp chai nước còn nguyên, con ruồi là 1 dị vật, việc cạy nắp để bỏ vào là khó có thể.

Bị cáo Minh ôm con trai sau khi nói lời sau cùng. Ảnh Tuổi Trẻ.

Luật sư đặt câu hỏi, con ruồi này là kim cương hay gì mà cạy bỏ vào mà không chảy nước. Rõ ràng, nếu cạy mà chảy nước thì Tân Hiệp Phát không có sự thương lượng với anh Minh. Có ý kiến cho rằng anh Minh tham lam là phiếm diện. Minh muốn bao nhiêu tiền là việc đòi quyền lợi của anh. Còn Tân Hiệp Phát chấp nhận thương lượng với anh Minh thì số tiền 500 triệu là bồi thường cho khách hàng.

"Từ những chứng cứ vừa nêu, tôi đề nghị HĐXX tuyên anh Minh vô tội", luật sư Phạm Hoài Nam nói.

 

Còn luật sư Nguyễn Tấn Thi tranh luận rằng, bà Bích không nhận được thông báo của nhân viên Long ngay từ đầu nên bà này tố cáo sai sự thật. Tố cáo sai sự thật để tiến hành tố tụng hay không, điều đó đề nghị VKS đặc biệt xem xét.

Theo luật sư Thi, lần đầu tiên anh Minh đưa ra 1 tỷ đồng. Lời nói này nói chơi hay nói thật thì chưa xác định. Tuy nhiên, Tân Hiệp Phát không đồng ý, chỉ đổi 2 thùng trà và anh Minh không đồng ý. Lần thứ hai thương lượng cũng vậy, khi anh Minh không chịu thì phía Tân Hiệp Phát tăng lên 3 thùng trà, thùng đựng đá. Đây là tăng giá trị vật chất nhưng anh Minh nói không và chờ tiếp. Lần thương lượng thứ ba thì anh Minh vẫn giữ quan điểm không đồng ý đổi chai Nunber 1 để lấy những thùng trà, thùng đá.

Lúc đó (ngày 20/1), văn bản thỏa thuận không ghi theo mẫu của Tân Hiệp Phát mà lập ra giống như xét hỏi anh Minh. Biên bản có người hỏi, có người trả lời.

Luật sư cho rằng anh Minh không cầm chai Number 1 đến Công ty Tân Hiệp Phát hay gọi điện cho giám đốc để gây áp lực hoặc đe dọa. Từ đó, có cơ sở cho thấy bà Bích không tham gia vào quá trình xử lý vụ việc.

Vị này cho rằng, anh Minh là nhà phân phối, mua đứt bán đoạn, không phải là đại lý. Sản phẩm bán ra chỉ được lãi 2.000 đồng, nếu không bán được thì thiệt hại. "Thiệt hại thì anh Minh có quyền kiện ra tòa để đòi tiền, đòi thiệt hại nhưng tại sao anh Minh thương lượng với Tân Hiệp Phát thì cho là cưỡng đoạt tài sản?", luật sư Thi đặt câu hỏi.

 

Là người bào chữa miễn phí cho anh Minh, ông Thi nhận định việc thương lượng của thân chủ mình là rất rõ ràng. Với những lý lẽ riêng, người bào chữa cho bị cáo thấy rằng "Tân Hiệp Phát "khai bệnh" không đúng để bác sĩ chẩn không đúng. Giờ, Tân Hiệp Phát nói tôi "hết bệnh" rồi, đề nghị VKS rút hồ sơ đi thì có được không? Tôi nghĩ, vụ việc cần giải quyết sao cho có nhân, có nghĩa”, luật sư Thi nói trước tòa.

Luật sư Nguyễn Đức Hoàng (Đoàn Luật sư TP. HCM) bảo vệ cho nguyên đơn dân sự là Công ty Tân Hiệp Phát cho rằng, công ty không có sự thỏa thuận với anh Minh nên hành vi của anh Minh là sai trái. Pháp luật cho phép anh Minh cung cấp thông tin cho báo chí nhưng anh anh không làm mà đe dọa về mặt tinh thần. “Nếu thông tin anh Minh nói được đưa ra ngoài thì chúng tôi bị thiệt hại”, ông Hoàng nói.

Bổ sung ý kiến của luật sư Hoàng, bà Bích nói, lúc anh Minh đe dọa là gần Tết, lãnh đạo công ty sợ ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng nghìn người trong công ty. Tuy nhiên, bà rất đắn đo, làm đơn tố cáo ngày 21/1 nhưng đến 23/1 mới gửi. Trước đó, đại diện Tân Hiệp Phát nhiều lần gặp gỡ anh Minh để giải thích vụ việc được bà Bích cho là thái độ cầu thị của doanh nghiệp.

Tranh luận lần hai với các luật sư bào chữa cho bị cáo, đại diện VKSND tỉnh Tiền Giang - ông Võ Hồng Phương khẳng định, cơ quan công tố đã chứng minh được bị cáo không phải là người tiêu dùng. Người tiêu dùng phải là người sử dụng hàng hóa thuộc diện cá nhân, hộ gia đình chứ không phải là người kinh doanh. “Chính bị cáo khai, chai nước đó là Minh lấy ra bán cho khách hàng chứ bị cáo không phải là người sử dụng chai nước này”, ông Phương nói.

Cũng theo vị ủy viên công tố, Tân Hiệp Phát ghi trong các biên bản là hậu tạ anh Minh chứ không phải thỏa thuận bồi thường. Các biên bản làm việc, không có người nào hứa cho anh Minh 100 triệu. Đối chiếu các chứng cứ cũng không có điều này và không chứng minh được ông Dưỡng trợ lý của bà Bích hứa.

 

Về việc bị cáo cho rằng công ty đưa bị Minh vào con đường phạm tội, VKS nói, quy định của công ty là không giải quyết tiền mặt. Tuy nhiên, trong điều kiện bình thường thì không chi tiền mặt nhưng trong tình trạng hết sức khó khăn, cấp bách, họ buộc phải chi tiền và tố cáo hành vi của bị cáo.

Đề cập chuyện Minh bị bắt, VKS cho rằng, từ khi cơ quan điều tra nhận được đơn tố giác tội phạm thì nơi đây dùng các hoạt động nghiệp vụ pháp luật cho phép để xác minh. Cơ quan điều tra có quyền xác minh theo quy định, việc phát hiện tội phạm như thế nào là việc làm của cơ quan điều tra. Nếu bị cáo không có hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra không thể bắt bị cáo được.

Tuy nhiên, theo luật sư Thi, VKS "cố tình" nói chuyện chi tiền là thiệt hại nhưng không phải. Luật sư này nói, 500 triệu đồng Tân Hiệp Phát chi là muốn "gài bẫy" anh Minh.

Phần tranh luận đang tiếp tục diễn ra căng thẳng. Gần 11h, phiên tòa kết thúc phần tranh luận. Nói lời sau cùng, anh Minh chỉ nói một câu duy nhất "Tôi có tội hay không là do HĐXX xem xét".

HÒA HẬU (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo