Ai đã giết Ngũ Huyện Khê?
Sông Ngũ Huyện Khê gần như bị bồi lấp vì rác thải
Việc các nhà máy gây ô nhiễm môi trường nông thôn dường như đã trở thành chuyện thường ngày ở xã. Mặc cho đời sống người dân bị đe dọa một cách nghiêm trọng, các doanh nghiệp vẫn vì lợi ích mà bất chấp tất cả, bất chấp pháp luật. Còn chính quyền địa phương đã ở đâu? Họ bất lực hay là bao che, tiếp tay?
Loạt bài điều tra này không chỉ phản ánh nỗi thống khổ của người dân ở những vùng nông thôn có nhiều nhà máy mà còn phần nào tìm câu trả lời vấn đề đó.
Dùng cả chất thải công nghiệp đầu độc người dân
Suốt chiều dài khoảng 2km từ địa phận xã Phú Lâm (huyện Tiên Du) đến phường Phong Khê (TP Bắc Ninh), dòng sông Ngũ Huyện Khê chỉ một màu đen đặc. Dọc hai bên bờ, hàng trăm nhà máy giấy thường xuyên hoạt động, ống khói xả lên trời, đường ống xả nước thải ra sông. Hệt như một công trường.
Từ đầu làng đến cuối phố, xe cộ chở hàng nườm nượp, khói bụi mù trời. Nhiều người mới bước chân đến vùng này đã ho sặc sụa, buồn nôn, vậy mà từ bao năm nay, đời sống hàng nghìn hộ dân ở đây phải sống chung với khói bụi, tiếng ồn, với nguồn nước ô nhiễm.
Người dân cũng không muốn nói nhiều về thực trạng ô nhiễm nữa, vì họ đã thực sự nản rồi. Họ nói trắng ra là có kêu rã họng cũng chẳng ích gì.
Đến thời điểm hiện tại, chưa có một cơ quan chức năng nào khẳng định những loại bệnh tật người dân ở đây mắc phải như bệnh ngoài da, bệnh đường hô hấp do ô nhiễm môi trường gây ra, nhưng chỉ cần nhìn vào bữa cơm xen lẫn khói bụi, mùi hôi thì có thể khẳng định các nhà máy đang ngày ngày đầu độc cuộc sống người dân.
Làng nghề Dương Ổ (Phong Khê, Bắc Ninh) có 1.117 hộ dân và có tới 170 DN, HTX sản xuất nghề giấy với công suất khoảng 200.000 tấn giấy mỗi năm, thu hút tới 3.000 lao động. Bước vào ngôi làng này có cảm giác người ta có thể tái chế bất cứ thứ gì. Từ sắt thép, bao bì nilon, nhựa, cao su… Có lẽ vì đặc thù này mà làng nghề Dương Ổ nổi tiếng ở nhiều nơi về mức độ ô nhiễm.
Chính trưởng thôn Nguyễn Văn Toán thừa nhận và rất bức xúc với thực trạng các DN trên địa bàn thường xuyên sử dụng chất thải công nghiệp làm chất đốt cho các nhà máy và xả thải hóa chất ra sông Ngũ Huyện Khê.
Các nhà máy giấy xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê
“Nguyên liệu đốt là đế giày, vải vụn, nhựa thải rất nguy hiểm. Họ toàn đốt trộm ban đêm. Khói bụi độc hại lắm. Chúng tôi thống kê có khoảng 30 DN, cơ sở sản xuất sử dụng loại chất đốt này. Nhiều cơ sở bị xử phạt hành chính nhưng vì lợi nhuận quá lớn nên họ vẫn cứ làm”, ông Toán nói.
Cũng theo ông Toán, các DN sử dụng chất thải công nghiệp để đốt lò được hai cái lợi. Họ vừa nhận được tiền “tiêu thụ” chất thải từ các KCN, vừa giảm được chi phí đốt lò. Từ khi bị người dân phát hiện, các cơ sở chuyển sang hoạt động kín đáo. Họ dùng xe tải bịt kín chở chất thải KCN về trực tiếp cho vào kho, chờ đến đêm mới đốt. Nhưng chỉ cần nghe mùi khét là đủ biết nhiều cơ sở thường xuyên sử dụng loại chất đốt độc hại này.
Còn nước thải, các DN ngang nhiên cắm ống thải ra kênh thủy lợi rồi đổ trực tiếp ra sông. Chính vì thế mà nước sông lúc nào cũng đen ngòm, ô nhiễm trầm trọng.
Trong khi đó, ông Lê Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND phường Phong Khê cũng khẳng định: Vì lợi nhuận cao. Lợi nhuận 100% thì chặt đầu họ vẫn cứ làm thôi. Ngày xưa các nhà máy chỉ đốt bằng than, bằng củi còn đỡ chứ mấy năm nay lấy cớ suy thoái kinh tế nên các nhà máy tận dụng rác thải của các KCN để đốt lò hơi.
Nói thật là đốt bằng chất thải KCN thì người dân không chịu được. Nhiều lần dân kiến nghị, chúng tôi cũng kêu gọi đoàn này đoàn khác về làm việc nhưng không ăn thua. Hiệu quả duy nhất là các DN chuyển từ đốt công khai ban ngày sang đốt vụng trộm vào ban đêm thôi.
Phong Khê mới chuyển từ xã lên phường được mấy tháng nay. Chỉ tính riêng trên địa bàn này đã có trên 200 nhà máy giấy. Khi tất cả các nhà máy này hoạt động, chỉ tính riêng lượng thuốc tẩy Javen họ sử dụng để tẩy trắng đã đủ uy hiếp cuộc sống người dân rồi. Bình quân cứ 10 phần thuốc tẩy được sử dụng thì 3 phần đổ ra sông.
Khi nhóm PV NNVN điều tra ở một số DN trên địa bàn này đã phát hiện hầu hết họ đều sử dụng đường ống xả thải trực tiếp ra kênh mương thủy lợi. Suốt ngày đêm, chiếc cống này lúc nào cũng vận hành hết công suất, thải ra loại nước đen sì, chỉ cần nhìn bằng mắt thường đã thấy rất rùng rợn.
Về sự ngang nhiên này, ông Tấn khẳng định: Cơ quan chức năng cũng kiểm tra, xử phạt nhiều, nhưng chế tài nhẹ quá. Các cơ sở sản xuất sẵn sàng nộp phạt để được xả thải. “Năm 2001, trên địa bàn có xây dựng bể xử lí môi trường, hoạt động được vài năm nhưng quy mô làng nghề phát triển quá nhanh không đáp ứng được nên đã đóng cửa”, ông Tấn nói.
Phá cả đê điều làm đường ống xả thải
Không chỉ ngang nhiên đầu độc môi trường sống của người dân, theo điều tra của NNVN, nhiều DN sản xuất giấy ở khu vực này còn xâm hại đến đê điều ở hai bờ sông Ngũ Huyện Khê để làm đường ống xả thải. Một hành động bất chấp pháp luật, đe dọa tính mạng người dân nhưng không thấy cơ quan chức năng nào can thiệp cả.
Chúng tôi có mặt ở phía sau Cụm công nghiệp Phú Lâm (xóm Hạ Giang, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Rất nhiều nhà máy trong khu vực này sử dụng biện pháp đường ống ngầm để xả thải trực tiếp ra giữa lòng sông. Những ụ nước đen ngòm từ dưới lòng sông đụn lên bốc mùi nồng nặc.
Đường ống ngầm của Cty Phú Giang xả thải ra sông
Suốt mấy năm nay, người dân ở hai bờ sông Ngũ Huyện Khê liên tục cầu cứu cơ quan chức năng, các đoàn kiểm tra liên ngành cũng về nhiều, nhưng theo như ông Lê Văn Tấn, Phó Chủ tịch UBND phường Phong Khê, đối phó với các DN xả thải ngày càng khó khăn do chế tài xử phạt còn quá thấp. Việc phát hiện, xử lý chủ yếu theo ngành dọc bên môi trường, chính quyền địa phương gần như không có vai trò gì. |
Nước đen ngòm từ giữa lòng sông toàn ra đặc quánh, chảy về Cống Năm Cửa biến nơi đây thành bãi tập kết rác thải khổng lồ. Cứ cách khoảng vài chục mét lại có một đường ống. Men theo một trong số những đường ống của Cty giấy và bao bì Phú Giang, chúng tôi phát hiện DN này đã cho đường ống xuyên qua đê để xả thải ra sông.
Điều đáng nói là chính DN này cuối năm ngoái từng bị thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) bắt quả tang xả thải chưa qua xử lý ra sông Ngũ Huyện Khê. Nước thải chưa qua xử lý có màu đục, nhiều cặn bẩn sủi bọt suốt chiều dài sông.
Được biết Công ty giấy và bao bì Phú Giang từng công bố đầu tư hơn 40 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không hiểu sao vẫn xả thải ra sông.
Ngạc nhiên hơn nữa là khi chúng tôi thông tin vấn đề này với chính quyền địa phương, ông Nguyễn Hữu Thi, Bí thư đảng ủy xã Phú Lâm đã trả lời rất thản nhiên: Không xả ra sông thì biết xả đi đâu. Đương nhiên làm như vậy là vi phạm Luật Đê điều, nhưng ở Cụm công nghiệp này không có nhà máy nào đảm bảo môi trường cả.
Chúng tôi cũng nghe người dân phản ánh nhiều, chủ yếu là kêu khói, bụi, nước thải, nhưng Cụm công nghiệp này do huyện quản lý nên xã gần như bất lực. Các nhà máy giấy toàn xả ra sông hết, bờ sông trở thành bãi rác kinh hồn luôn.
Thỉnh thoảng lúa của dân bị chết, cá dưới sông không ai dám ăn, nhưng chúng tôi cũng chỉ biết phản ánh lên huyện, huyện phản ánh lên tỉnh rồi không có giải pháp gì cả. Đành phải chấp nhận thôi chứ không có cách gì.
Liệu có sự bao che cho các DN hoạt động trên địa bàn? Ông Thi không trả lời thẳng câu hỏi của chúng tôi mà vòng vo kiểu: Các DN thỉnh thoảng có đóng góp cho các công trình phúc lợi của xã, họ cũng đóng góp cho Quỹ bảo vệ môi trường của tỉnh hàng tháng rồi, bao nhiêu thì chúng tôi không biết.
Cụm công nghiệp Phú Lâm có 19 DN sản xuất giấy và bao bì đang hoạt động. Những DN này có hẳn cả một hiệp hội, có ông chủ DN còn làm Hội đồng nhân dân xã Phú Lâm. Vậy mà tiếng kêu cứu của người dân suốt bao nhiêu năm qua lại bị phớt lờ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất