Tin tức - Sự kiện

Ai đang quản lý ụ nổi Venture Dock 2?

Bốn năm sau khi ụ nổi Venture Dock 2 (VD2) được nhập vào Việt Nam, neo tại vịnh Cam Ranh, chủ VD2 vẫn chưa hoàn thành bản khai hải quan, cơ quan chức năng cũng không rõ ai đang thực sự quản lý ụ nổi này.

Từ bốn năm nay, người dân vùng phía Bắc vịnh Cam Ranh đã quá quen thuộc với một ụ nổi neo đậu trên vịnh, bên sườn sơn hàng chữ lớn “Venture Dock 2”. Cứ mỗi ngày qua đi, VD2 lại thêm mốc meo, cũ kỹ.

 

Mặt ngoài ụ đầy vệt gỉ sét, trên sàn cũng đầy vụn rỉ sét từ trên thành rơi xuống.

 

Các hệ thống ống chữa cháy, ống dẫn nước, dây neo... đều mục vỡ, rơi rớt, cửa phòng điều khiển vỡ toang hoác… Trực gác buồn chán, nhân viên bảo vệ VD2 quay clip phỏng vấn vui với nhau, đưa lên trang Youtube. Theo lời họ nói ở clip, VD2 đang thuộc quyền quản lý của một công ty thuộc Vinashin.

 

Ông Vũ Hữu Thắng, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát, Cục Hải quan Khánh Hòa cho biết, VD2 vào vịnh Cam Ranh, nhập cảnh Việt Nam ngày 9/8/2008.

 

Theo hồ sơ, VD2 có sức nâng 12.000 tấn, được đóng tại Indonesia năm 1999, chủ ở Singapore, mang quốc tịch Mông Cổ. Công ty cổ phần Thương mại và Vận tải biển Long Sơn (Công ty Long Sơn, ở TP. Hồ Chí Minh) mua lại VD2 với giá 11,5 triệu đô la.


 


Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Pháp chế, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang: Chúng tôi chỉ làm việc với Công ty Long Sơn về VD2.

Ông Bùi Hữu Sỹ, Tổng Giám đốc Cam Ranh Shipyard: Chúng tôi chỉ biết Công ty V.H, không biết Long Sơn là công ty nào.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Hải quan Khánh Hòa : Chúng tôi chưa rõ Công ty V. H là công ty nào. Tìm địa chỉ Công ty Long Sơn cũng rất khó, Hải quan Khánh Hòa phải phối hợp với công an, địa phương để đi tìm.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa: Đơn vị xin liên kết với Cam Ranh Shipyard để khai thác VD2 là Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng hải Nam Việt.

 

Một thời gian dài sau đó, Cục Hải quan Khánh Hòa không thấy ai đến làm thủ tục nhập cảnh cho VD2 nên phải đi tìm chủ phương tiện. Ngày 26/4/2012, Hải quan Khánh Hòa mới mời được bà Trần Thị Hiền, Giám đốc Công ty Long Sơn ra làm việc.

 

Theo bà Trần Thị Hiền, Công ty Long Sơn mua VD2, tạm nhập về Việt Nam để tái xuất, bán lại cho đối tác nước ngoài. Nhưng do khủng hoảng kinh tế, đối tác nước ngoài không còn khả năng mua VD2.

 

Chưa bán được VD2, Công ty Long Sơn thuê Công ty V. H quản lý VD2. Sau đó, hai bên thỏa thuận, Công ty V.H sẽ mua lại VD2 và hợp tác với Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh (Cam Ranh Shipyard Co, Ltd, thành viên Vinashin) để sử dụng VD2 vào việc sửa chữa tàu biển. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa đồng ý giải ngân cho Công ty V.H để trả tiền mua VD2, nếu phương án khai thác VD2 được cơ quan chức năng đồng ý.

 

Tuy nhiên, tháng 1/2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa có thông báo, nếu cho thực hiện dự án sửa chữa tàu tại vịnh Cam Ranh sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại trung tâm thành phố Cam Ranh, do vậy không đồng ý với việc khai thác, sử dụng VD2 tại vịnh Cam Ranh. Phương án sử dụng VD2 tại vịnh Cam Ranh không thành, Công ty V. H không được giải ngân, không mua được VD2.

 

Khi mua VD2, Công ty Long Sơn vay tiền của Ngân hàng B., rồi lấy chính VD2 thế chấp, làm tài sản bảo đảm. Không bán được VD2 cho Công ty V.H, Công ty Long Sơn muốn bán VD2 cho đối tác khác, ý định này được ngân hàng B. chấp thuận.

 

Công ty Long Sơn đã chào bán VD2 cho 10 đối tác trong nước, nhưng không thấy có trả lời. Hiện nay, Công ty Long Sơn đang chờ ý kiến của ngân hàng B. về việc bán VD2 cho đối tác nước ngoài.

 

Nhưng, trả lời phóng viên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Nghiệp vụ Hải quan Khánh Hòa nói, Công ty Long Sơn chưa hoàn thành thủ tục hải quan, nên chưa thể bán VD2 cho bất cứ đối tác nào. Sắp tới, Hải quan Khánh Hòa sẽ tiếp tục làm việc với Công ty Long Sơn về việc hoàn thành tờ khai hải quan và một số vấn đề khác liên quan.

 

Theo TP

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo