Tin tức - Sự kiện

Ai tiếp tay cho hàng Trung Quốc dán nhãn Việt?

Thời gian qua, lợi dụng chính sách kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước, sản phẩm Trung Quốc dán mác Việt Nam tiêu thụ trong thị trường nội địa ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
"Bước ra đường là gặp hàng Trung Quốc. Nhưng nếu hàng Trung Quốc vẫn ghi rõ xuất xứ là Trung Quốc thì đã may, đằng này, nhiều mặt hàng bán trên thị trường hiện nay còn giả mạo hàng "made in Vietnam” khiến người tiêu dùng oan gia, vẫn cứ nghĩ mình được dùng hàng Việt đích thực” – chị Bùi Thu Lan (ở phố Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội) phản ảnh. Kể về một lần đi mua quần áo cho cô con gái, chị Lan cho biết, rõ ràng đã xem mác hiệu "made in Vietnam” với giá không hề mềm, thế nhưng một vài hôm sau, người hàng xóm nhà chị Lan cho biết, ở chợ đêm Đồng Xuân, bán đầy và giá rẻ hơn một nửa. Lúc đó, chị Lan mới vỡ lẽ, mình đã mua phải hàng Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam.
 
Không chỉ các loại quần áo thời trang, giày dép, mà đến hoa quả, thực phẩm cũng được người bán hàng "biến hóa” thành hàng "made in Việt Nam”. 
 
Hẳn dư luận vẫn chưa quên báo giới từng lật tẩy một loạt các loại hoa quả Trung Quốc như dâu tây, khoai tây, táo xanh… xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại cố tình đội lốt hoa quả, rau củ Đà Lạt. Và gần đây nhất, lại là việc siêu thị BigC (Hà Nội) có bán những hộp nho được cho là của Việt Nam, nhưng bên trong lại dán cờ Trung Quốc. Sự việc sau đó được siêu thị này cho biết là do lỗi của một nhân viên "dán nhầm” cờ Trung Quốc vào khay nho "100% Việt Nam”. 
 
Tuy nhiên, dù kết luận thế nào đi nữa thì đây tiếp tục là tiếng chuông cảnh báo về vấn nạn hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam, cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang bị chính những người bán hàng trong nước lòe bịp. Thực tế này đã diễn ra từ lâu nhưng dường như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là không xuể. Nói về việc này, chính người đứng đầu Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - bà Nguyễn Thị Như Mai cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, lợi dụng chính sách kích cầu, khuyến khích tiêu dùng  hàng trong nước, sản phẩm Trung Quốc dán mác Việt Nam tiêu thụ trong thị trường nội địa xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Theo bà Mai, hiện tượng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đã khá phổ biến, thậm chí những mặt hàng nhỏ như vợt đuổi muỗi cũng được đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc sau đó đưa về trong nước dán nhãn mác hàng Việt. Hàng loạt sản phẩm khác như phụ tùng xe máy, phân bón, thức ăn chăn nuôi, mũ bảo hiểm, thực phẩm… cũng đã bị tráo nguồn gốc như thế.
 
Số lượng ngày càng nhiều và được các đối tượng tráo đổi, trà trộn một cách tinh vi, hàng giả, hàng nhái, hàng gian lận đang trở thành nỗi lo của người tiêu dùng Việt Nam cũng như các nhà quản lý. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, trong quý I – 2013, lực lượng quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra và xử lý 2.116 vụ, phạt hành chính gần 8 tỉ đồng…
 
Những con số này vẫn chưa phản ánh hết được thực trạng buôn gian, bán lận của các đối tượng làm ăn phi pháp, đang trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội.
 
Như vậy là người tiêu dùng vẫn hàng ngày phải đối diện với những lo lắng, mất dần niềm tin ngay cả với chính những người bán hàng ở đất nước mình. Một vấn đề cần đặt ra là, các nhà quản lý, các chuyên gia thường xuyên kêu gọi người tiêu dùng phải thực sự tỉnh táo và phải là những người "tiêu dùng thông thái” khi mua hàng. Song nếu như ngay cả người bán hàng trong nước cũng tìm cách trà trộn hàng rẻ tiền, hàng lậu vào để đánh lừa người tiêu dùng thì người tiêu dùng biết đi tìm lẽ phải ở đâu?
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐĐK
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo