Ấn Độ dựng lá chắn tên lửa
Ấn Độ đã chính thức triển khai giai đoạn đầu tiên trong nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa cho đất nước.
Theo báo chí Ấn Độ ngày 6.4, chính phủ nước này đã triển khai hai ra đa phát hiện tên lửa tại New Delhi nhằm từng bước xây dựng lá chắn tên lửa đạn đạo (ABM) cho thủ đô. Khi được kích hoạt vào năm 2016, hệ thống sẽ giúp New Delhi gia nhập câu lạc bộ của những thành phố đầu não chính trị được bảo vệ bằng hệ thống phòng thủ tên lửa như Washington, London và Bắc Kinh.
Một khi được hoàn tất, lá chắn đủ khả năng đánh chặn những tên lửa khai hỏa từ khoảng cách đến 5.000 km, theo các quan chức chính phủ giấu tên được tờ Economic Times dẫn lời. Bộ đôi ra đa Cá kiếm, được lắp đặt với sự hỗ trợ của Israel, chỉ là bước đi đầu tiên trong kế hoạch trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa cho các thành phố chính của Ấn Độ. Đối tượng kế tiếp trong danh sách này là Mumbai.
Mục tiêu ưu tiên
Các quan chức Ấn Độ cho hay việc đẩy nhanh dự án thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa được chính phủ nước này xem là mục tiêu ưu tiên kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào tháng 5 năm ngoái. Chương trình vốn được lên kế hoạch vào năm 2006, nhưng quy trình triển khai diễn ra khá chậm chạp vì những vụ thử nghiệm chưa mang lại kết quả như mong đợi. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ khi ông Modi nhậm chức. Theo tờ Economic Times, chính quyền Modi đặt trọng tâm vào ABM do tình hình khu vực ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là mối đe dọa sát nách từ kho vũ khí hạt nhân nằm trong tay các thế lực láng giềng như Pakistan.
Lá chắn ABM có 3 thành phần chính: Đầu tiên là hệ thống ra đa phát hiện tên lửa đạn đạo ngay sau khi chúng rời bệ phóng và theo dõi chúng suốt hành trình bay. Tầm bao phủ của các ra đa mặt đất bị giới hạn bởi độ cong của bề mặt địa cầu, trong khi các ra đa lắp trên vệ tinh ở quỹ đạo có thể lập tức định vị ngay tên lửa khi nó được khai hỏa. Tuy nhiên, Ấn Độ hiện chỉ mới triển khai ra đa mặt đất. Thứ hai là hệ thống chỉ huy và điều khiển để dựng sơ đồ và tính toán hành trình bay của tên lửa, cũng như ra lệnh khai hỏa các tên lửa đánh chặn. Cuối cùng, lá chắn ABM sở hữu các tên lửa đánh chặn được ra đa dẫn đường để tiêu diệt tên lửa đối phương trước khi đầu đạn hạt nhân được kích hỏa.
Thách thức đánh chặn
Dựa trên sự gần gũi về địa lý giữa Ấn Độ và Pakistan, toàn bộ khung thời gian kể từ lúc tên lửa khai hỏa cho đến khi bị đánh chặn dao động từ 5 đến 10 phút. Hiện các tên lửa đánh chặn vẫn đang được hoàn thiện trước khi đưa vào sản xuất. Trong đó, tên lửa Pradyumna đảm trách việc tiêu diệt tên lửa địch ở giai đoạn không gian (tức trên 50.000 m so với mặt đất). Tên lửa còn lại là Ashvin đóng vai trò dự phòng, được khai hỏa khi tên lửa đối phương bay vào thượng tầng khí quyển, ở độ cao từ 20.000 - 40.000 m.
Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRPO) cho hay các vụ thử nghiệm ở bờ biển Orissa trước đây đã diễn ra thành công, tiêu diệt cả hai mục tiêu bên trong khí quyển lẫn ngoài không gian. Hiện cả Pradyumna và Ashvin đã chứng tỏ được năng lực đánh chặn những tên lửa khai hỏa từ khoảng cách 900 - 1.000 km. Tuy nhiên, mục tiêu giả định của các cuộc thử nghiệm là tên lửa Prithvi có tốc độ khá chậm, không thể so sánh với những tên lửa đạn đạo tầm xa hiện đại hơn hẳn, theo Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột tại Ấn Độ.
Đến hôm qua, DRDO tiếp tục tiến hành thử nghiệm hai tên lửa đánh chặn nói trên tại bờ biển Chandipur. Vào năm 2012, tầm bắn của hai dòng tên lửa này chỉ dừng ở mốc 2.000 km nhưng DRDO hy vọng sẽ nâng cấp lên mức 5.000 km vào năm sau.
Tiềm năng hợp tác với Mỹ
Theo tờ International Business Times, chương trình lá chắn tên lửa của Ấn Độ hứa hẹn sẽ tiến xa hơn nữa nhờ sự hỗ trợ của Mỹ.Khi còn là thứ trưởng vào năm 2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng nói rằng Washington sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ trong việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này. “Đây là một lĩnh vực tiềm năng quan trọng đối với sự hợp tác của chúng ta trong tương lai. Tôi cho rằng lá chắn tên lửa đạn đạo có tầm quan trọng chiến lược lớn lao và do vậy cả hai chính phủ nên thảo luận về mức độ chiến lược của nó trước khi chuyển sang vấn đề kỹ thuật”, ông Carter nói vào lúc đó.Vào tháng 5, ông Carter sẽ đến Ấn Độ nhằm tăng cường thêm nữa mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước, sau chuyến thăm New Delhi vào đầu năm nay của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Vấn đề hợp tác phòng thủ tên lửa có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự của chuyến thăm.
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo