Tin tức - Sự kiện

Ấn Độ tăng ngân sách quốc phòng

New Delhi đã thông báo tăng 7,9% ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2015 - 2016 bắt đầu vào ngày 01/4 tới. Quyết định này đánh dấu mức chi khiêm tốn cho lĩnh vực quốc phòng trong khi từ lâu lực lượng vũ trang Ấn Độ muốn mua thêm pháo, tàu chiến và chiến đấu cơ.

Sau nhiều năm không quan tâm nhiều đến lĩnh vực quốc phòng, hiện Ấn Độ đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách quân sự với Trung Quốc - quốc gia đã và đang tăng cường sức mạnh cho hạm đội tàu chiến và tàu ngầm tại khu vực Ấn Độ Dương.

 

 

Tại buổi công bố ngân sách liên bang năm 2015 - 2016, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley cho biết, chi tiêu quốc phòng sẽ tăng lên 2,47 nghìn tỷ ru-pi (tương đương 40,07 tỷ USD). Đối với năm tài khóa hiện tại, ngân sách quốc phòng là 2,29 nghìn tỷ  ru-pi, tăng 12% so với năm tài khóa trước. Cũng tại buổi lễ này, Bộ trưởng Jaitley nhấn mạnh: "Bảo vệ từng tấc đất của quốc gia là điều quan trọng hơn cả".

 

Tuy nhiên, việc gia tăng chi tiêu quốc phòng ở mức khiêm tốn đồng nghĩa rằng chỉ một số loại vũ khí mới sẽ được đặt mua trong năm nay.

 

Ông Gurmeet Kanwal, vị thiếu tướng nghỉ hưu và là thành viên của Tổ chức Quốc tế Vivekananda, cho hay Ấn Độ phải thanh toán trước một loạt các đơn đặt mua vũ khí, trong đó có 126 máy bay chiến đấu mua của Dassault, 197 máy bay trực thăng, 145 pháo Ultra-light Howitzers, 15 máy bay trực thăng tấn công Apache và 22 trực thăng CH-47F Chinook.

 

Hải quân Ấn Độ hiện cần tàu tàng hình và tàu ngầm mới nhằm đối trọng với sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - khu vực mà lâu nay New Delhi được xem là phạm vi ảnh hưởng.

 

Trung Quốc được cho là vào tuần tới sẽ thông báo mạnh tay chi cho lĩnh vực quốc phòng trong năm nay bất chấp nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại. Quyết định này chủ yếu nhằm tăng cường sức mạnh hải quân với việc trang bị các loại tàu chống ngầm và phát triển thêm nhiều loại tàu sân bay ngoài chiếc duy nhất đang vận hành hiện nay.

 

Năm ngóai, quân đội của hai quốc gia láng giềng này đã đối đầu tại khu vực biên giới Himalaya. Vụ tranh chấp lãnh thổ này đã phủ bóng đen lên hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

 

Nguyệt Minh (Theo Fin24)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo