Thị trường

An Giang phát triển vùng chuyên canh rau màu thích ứng biến đổi khí hậu

Nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, vụ Đông Xuân 2017-2018, nông dân tỉnh An Giang Giang đã chuyển đổi gần 20.000 ha đất lúa ở những địa bàn miền núi, xa nguồn nước, trồng lúa kém hiệu quả,… sang trồng các loại rau màu kinh tế như: đậu nành rau, dưa lưới, bắp bao tử, ớt, rau các loại,… mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Ông Phạm Công Tạo, ở xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu là một trong những nông dân đi đầu trong chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu ở những vùng đất xa nguồn nước bơm tưới. Với 4 công (4.000 m2) đất chuyên canh trồng kiệu ông Tạo thu hoạch được từ 3-4 tấn/công/vụ. Với giá bán dao động từ 13.000-17.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/công/vụ.

Ông Tạo cho biết, chi phí đầu tư trồng kiệu cao hơn so với trồng lúa rất nhiều, nhưng lợi nhuận cao gấp 4-6 lần so với trồng lúa. Nhưng điều này vừa tiết kiệm tiền bơm nước tưới, vừa không phải lo hạn hán.

Mô hình trồng màu theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ảnh: Thu Trang - TTXVN

Theo ông Tạo, nhờ nằm trong vùng quy hoạch vùng chuyên canh rau màu của xã nên đường giao thông được đầu tư, xe vận chuyển dễ dàng nên thương lái tới thu mua tại chỗ. Sau khi thống nhất giá cả, thu hoạch, bên thương lái tự nhổ kiệu vận chuyển ra xe, nông dân cũng không phải lo khâu thu hoạch kiệu như trước.

Tương tự, những ngày này, nông dân xã Tân Trung, huyện Phú Tân đang vào mùa thu hoạch rộ cây đậu nành rau. Năm nay, cây đậu nành rau tiếp tục khẳng định vị thế cho người dân xã Tân Trung với 1 năm “được mùa, được giá".

Qua thống kê, vụ Đông Xuân 2017-2018, Tổ hợp tác sản xuất rau màu an toàn của xã Tân Trung tham gia trồng cây đậu nành rau với diện tích khoảng 45 ha. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, đến nay hơn 38ha đậu nành rau đã thu hoạch với năng suất cao.

Anh Nguyễn Văn Minh, ngụ ấp Mỹ Hóa I, xã Tân Trung chia sẻ, trước khi bén duyên với cây đậu nành rau, với diện tích 22 công (22.000m2) gò cao anh trồng cây ớt và các loại rau màu khác, nhưng lợi nhuận mang lại không cao. Sau đó, anh đã tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất rau màu an toàn của xã Tân Trung và trồng cây đậu nành rau, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân xã từ khâu chuẩn bị đất, mật độ trồng, phương thức bón phân, làm cỏ, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh cũng như cách thức thu hoạch. Đến nay, 22.000 m2 trồng đậu nành rau của gia đình anh Minh đã đi vào thu hoạch và thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Trung Võ Chí Tân cho biết, với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, những năm qua, được sự chỉ đạo của UBND huyện Phú Tân, sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp và UBND xã Tân Trung đã hỗ trợ nông dân trong việc tìm hiểu, lựa chọn những loại cây trồng phù hợp. Qua đó, nhiều nhà nông xã Tân Trung đã chuyển hướng sang trồng cây đậu nành rau mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây.

 

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã khuyến khích nông dân chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả, giảm diện tích trồng lúa sang trồng các giống cây trồng cạn như: mè, đậu xanh, bắp (ngô), đậu nành rau, củ sắn... để thích ứng biến đổi khí hậu đảm bảo lợi nhuận.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tất cả các huyện, thị, thành đều có vùng chuyên canh rau màu hàng hoá phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương với tổng diện tích khoảng hơn 40.000 ha. Theo đó, có 5 vùng chuyên canh quy mô lớn chiếm trên 90% diện tích chuyên canh rau màu tập trung ở các huyện, thị như: Chợ Mới (14.100ha), An Phú (4.500ha), Châu Phú (3.630ha), Tân Châu (1.750ha) và Châu Thành (1.010ha).

Theo ông Trần Anh Thư, để phát triển bền vững đi vào chiều sâu có chất lượng, tỉnh quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất rau, màu theo hướng mô hình liên kết tiêu thụ và sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, củng cố và nâng chất các tổ chức hợp tác xã và tổ hợp tác; phát triển mô hình kinh tế hợp tác cho từng vùng nguyên liệu sản xuất rau tập trung.

Cùng với đó, An Giang tập trung phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyên về lĩnh vực sản xuất rau màu để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Song song với đó, tập huấn nông dân quản lý chất lượng rau, xây dựng vùng nguyên liệu rau an toàn và kiểm tra chứng nhận sản phẩm rau an toàn. Bên cạnh đó, tập huấn nông dân thực hiện chế độ mã vạch nhằm truy xuất nguồn gốc rau, tiến đến xây dựng nhãn hiệu và xuất xứ sản phẩm cho vùng rau an toàn của từng địa phương.

Ngoài ra, An Giang cũng nâng cao tỷ lệ diện tích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như hệ thống phun tự động, hệ thống bón phân tự động... vào các mô hình trồng rau màu trong nhà lưới với các tiêu chuẩn quản lý chất lượng như VietGAP, rau an toàn… có liên kết tiêu thụ nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Đồng thời, tập trung ưu tiên cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi cho các vùng chuyên canh sản xuất rau phục vụ sản xuất như ở Chợ Mới, An Phú, Châu Phú, Tân Châu và Châu Thành,… nhằm nâng cao giá trị gia tăng, năng suất, thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích...

 

Nên đọc
Theo Dân tộc & Miền núi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo