An ninh mạng

VNISA khởi động chương trình bình chọn “Chìa khóa vàng” cho sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt Nam

DNVN - Năm 2020, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) sẽ lần đầu tiên lựa chọn và trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” cho các sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt Nam tiêu biểu.

Số cuộc tấn công mạng tại Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng 7/2020 / Thừa Thiên Huế: Lại có người bị phạt vì đăng thông tin sai sự thật về Covid-19

Tôn vinh các sản phẩm dịch vụ, an toàn thông tin nội địa

Chương trình bình chọn danh hiệu “Chìa khóa vàng” có đối tượng tham gia là những sản phẩm, dịch vụ bảo đảm an toàn thông tin và sản phẩm, ứng dụng CNTT có tính năng an toàn, bảo mật do doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam sở hữu, làm chủ công nghệ, có khả năng sản xuất hàng loạt, đã được thương mại hóa hoặc cung cấp cho thị trường.

Chương trình được triển khai trên cả nước với thời hạn tiếp nhận hồ sơ kéo dài đến hết tháng 8/2020. Quy chế nêu rõ, việc tổ chức bình chọn và công nhận danh hiệu “Chìa khóa vàng” nhằm phát hiện, tôn vinh các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng an toàn thông tin xuất sắc, tiêu biểu, góp phần hỗ trợ hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển, phổ cập các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin và CNTT nội địa, đồng thời hưởng ứng chương trình Chuyển đổi số quốc gia và chiến lược “Make in Vietnam”. Chương trình sẽ bình chọn và trao danh hiệu “Chìa khóa vàng” của năm theo từng hạng mục bình chọn cụ thể cho các sản phẩm, dịch vụ xuất sắc và tiêu biểu, được đánh giá đạt các tiêu chí theo quy định.

Trung tâm giám sát an ninh mạng SOC (Security Operation Center)

Mô hình Trung tâm giám sát an ninh mạng SOC (Security Operation Center). (Ảnh minh họa: Internet)

VNISA đã chọn lọc và quy định cụ thể danh sách, tên gọi các hạng mục sản phẩm và dịch vụ tham gia bình chọn danh hiệu “Chìa khóa vàng”.

Với sản phẩm an toàn thông tin, các tiêu chí bình chọn gồm có: Tính năng và hiệu quả ứng dụng; Khả năng công nghệ và chất lượng sản phẩm; Tính sáng tạo và đột phá; So sánh với các sản phẩm đã có; Khả năng thay thế sản phẩm nhập ngoại; Kết quả thương mại (hoặc khả năng thương mại hóa) và thực tế triển khai; Hồ sơ tài liệu hướng dẫn sử dụng, tính pháp lý và bản quyền sở hữu.

Đối với dịch vụ an toàn thông tin, các tiêu chí cơ bản bao gồm: Nhu cầu và hiệu quả khi sử dụng dịch vụ; Công nghệ và nhân lực đảm bảo chất lượng dịch vụ; Tính quy trình, tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật liên quan; Thị trường và quy mô triển khai dịch vụ; Hồ sơ tài liệu hướng dẫn sử dụng, tính pháp lý và bản quyền sở hữu.

Còn với sản phẩm, giải pháp CNTT an toàn, những tiêu chí bình chọn cơ bản gồm: Tính năng và hiệu quả ứng dụng; Thiết kế và chức năng an toàn, bảo mật thông tin; Khả năng công nghệ và chất lượng kỹ thuật bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin; Khả năng thương mại và kết quả ứng dụng thực tiễn; Hồ sơ tài liệu hướng dẫn sử dụng, tính pháp lý và bản quyền sở hữu.

Hội đồng bình chọn danh hiệu “Chìa khóa vàng” cho Sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin chất lượng cao 2020 cũng được thành lập gồm 21 thành viên là các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực an toàn thông tin của Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA.

Phấn đấu đạt tỷ lệ chủng loại sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa là 80%

Hiện nay, có 84 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, trong đó có 4 tập đoàn nhà nước, 54 công ty cổ phần và 26 công ty trách nhiệm hữu hạn.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, việc phát triển thị trường an toàn, an ninh mạng tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, doanh thu lĩnh vực an toàn, an ninh mạng đạt 774,5 tỷ đồng, tăng 67,8% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019. Doanh thu sản phẩm nội địa so với doanh thu nhập khẩu tăng từ 37,2% cuối năm 2019 lên 50,8% vào tháng 6 năm 2020. Đặc biệt, tỷ lệ nhóm chủng loại sản phẩm an toàn thông tin nội địa tăng từ 50% cuối năm 2019 lên 63,6% vào tháng 6/2020. Số bộ, tỉnh đã triển khai Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng SOC đã tăng từ 8 Bộ, tỉnh vào cuối năm 2019 lên 31 bộ, tỉnh vào tháng 6/2020.

Bộ TT&TT cũng xác định rõ vấn đề an toàn thông tin, an ninh mạng đang trở thành yếu tố sống còn. Đây cũng là yêu cầu then chốt để chuyển đổi số thành công, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số.

Trong nửa cuối năm 2020, Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy việc tăng tỷ lệ chi cho an toàn, an ninh mạnh lên tối thiểu 10% tổng chi cho CNTT của các bộ, ngành, địa phương. Theo Cục An toàn thông tin, năm 2019 tỷ lệ kinh phí chi cho an toàn, an ninh mạng/ tổng chi cho CNTT của các bộ, ngành, địa phương trung bình là 7,87%.

Cùng với đó, Bộ TT&TT sẽ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai mô hình 4 lớp bảo đảm an toàn, an ninh mạng đảm bảo đến cuối năm 2020 tỷ lệ này đạt 100%. Bên cạnh đó, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp để cung cấp ra thị trường tỷ lệ chủng loại sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa đạt 80%, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm an toàn, an ninh thông tin của Việt Nam.

Trí Tâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm