Pháp luật

Án sơ thẩm Huyền Như: Lộ nhiều sai phạm, Vietinbank vẫn vô can

Trước các yêu cầu của hàng loạt khách hàng gửi tiền đòi Ngân hàng Công thương phải chịu trách nhiệm trả tiền, theo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM, Ngân hàng Công thương vô can.

 Là Quyền trưởng Phòng giao dịch, có nhiệm vụ huy động vốn cho Ngân hàng Công thương, có nhiệm vụ quản lý, kiểm soát các giao dịch, chuyển tiền của khách hàng tại chính đơn vị mình, Huỳnh Thị Huyền Như đã lợi dụng hệ thống quản lý lỏng lẻo, sự bất chấp pháp luật, thiếu trách nhiệm của các cán bộ ở nhiều cấp, nhiều khâu, trong thời gian dài tại Ngân hàng Công thương để chiếm đoạt gần 5.000 tỷ đồng.

Trước các yêu cầu của hàng loạt khách hàng gửi tiền đòi Ngân hàng Công thương phải chịu trách nhiệm trả tiền, theo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM, Ngân hàng Công thương không chịu trách nhiệm gì, vô can. Quyết định này đã gặp nhiều phản ứng từ những người gửi tiền và công luận.
 
Nhiều sai phạm
 
Hơn 3.400 tỷ trong số 5.000 tỷ chiếm đoạt là tiền của khách hàng đã chuyển vào tài khoản của mình tại Ngân hàng Công thương.
 
Huyền Như đã cùng các cán bộ khác của Ngân hàng Công thương rút tiền bằng các thủ đoạn hủy bộ hồ sơ mở tài khoản thật của khách hàng, thay bằng hồ sơ giả, giả chữ ký chủ tài khoản để rút tiền; giả chữ ký của khách hàng để chuyển tiền, rút tiền trực tiếp trên tài khoản của khách hàng; lập hồ sơ vay giả, giả chữ ký của khách để cầm cố tiền gửi vay vốn của Ngân hàng Công thương, sau đó Ngân hàng Công thương trích tiền của khách hàng để thu nợ, dù hợp đồng cầm cố là giả, dù khách hàng không ký hợp đồng cầm cố.
 
Huyền Như bị kết án chung thân trong lần xử sơ thẩm
 
Nhiều cán bộ của Ngân hàng Công Thương đã bị kết tội đồng phạm trong hành vi lừa đảo với Huyền Như, thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
 
Bản án sơ thẩm cũng đề nghị xử lý với Nguyễn Thị Minh Hương, Trương Minh Hoàng (cùng là Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Công thương HCM), đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do các cá nhân, tập thể tại Ngân hàng Công Thương gây ra để xử lý thỏa đáng.
 
Tại sao Ngân hàng Công thương lại vô can?
 
Qua ý kiến của Ngân hàng Công thương, ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa, nội dung bản án sơ thẩm, căn cứ để Tòa quyết định Ngân hàng Công thương không có trách nhiệm trả tiền cho người gửi tiền là:
 
Huyền Như nhân danh Ngân hàng Công thương để huy động vốn; Huyền Như có ý định chiếm đoạt tiền từ trước; Khách hàng khi gửi tiền đã không làm việc trực tiếp với lãnh đạo Ngân hàng Công thương mà làm việc thông qua Huyền Như; Khách hàng thỏa thuận với Huyền Như hưởng lãi suất cao, vi phạm quy định về trần lãi suất; Khách hàng không nhận thẻ tiết kiệm, để Huyền Như cầm thẻ tiết kiệm thực hiện hành vi chiếm đoạt; Khách hàng không tự quản lý tài khoản của mình; Khách hàng phó thác cho Huyền Như muốn làm gì thì làm; Ngân hàng Công thương không có trách nhiệm quản lý tiền gửi của khách hàng; Các hợp đồng tiền gửi đã được ký ngoài trụ sở Ngân hàng Công thương; Nguồn gốc của số tiền gửi xuất phát từ hợp đồng ủy thác hoặc cho vay trái pháp luật; Hợp đồng ủy thác gửi tiền đã bị hủy ngay trong ngày gửi tiền để che dấu hành vi ủy thác trái pháp luật.
 
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát khẳng định hành vi chiếm đoạt của Huyền Như hoàn thành khi tiền chuyển vào tài khoản của khách hàng tại Ngân hàng Công thương, vẫn mang tên khách hàng. Việc Huyền Như dùng chứng từ giả để rút tiền, ký chữ ký giả để vay tiền Ngân hàng Công thương là hành vi thực hiện sau khi chiếm đoạt.
 
Gửi tiền cho Huyền Như hay cho Ngân hàng Công thương
 
Theo Kết luận điều tra, Cáo trạng và xét hỏi tại tòa, nhiều khoản tiền của khách hàng trong vụ án đã được chuyển vào tài khoản hợp pháp của khách hàng tại Ngân hàng Công thương, qua hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các trường hợp như Ngân hàng Nam Việt (200 tỷ), Ngân hàng Á Châu (718,9 tỷ), Công ty chứng khoán Phương Đông (380 tỷ) …
 
Khách hàng có ký hợp đồng thật, hợp pháp với Ngân hàng Công thương, do bà Nguyễn Thị Minh Hương và ông Trương Minh Hoàng (Phó giám đốc CN HCM) đại diện, đóng dấu thật của Ngân hàng Công thương. Ngân hàng Công thương bắt buộc phải hạch toán và trên thực tế đã hạch toán tiền gửi này là tiền huy động của ngân hàng.
 
Các khoản tiền gửi đã tất toán cũng do chính Ngân hàng Công thương chi trả. Có nhiều khoản tiền cho đến ngày xét xử sơ thẩm Ngân hàng Công thương vẫn còn đang quản lý. Nhiều trường hợp Ngân hàng Công thương còn cấp sao kê tài khoản cho khách hàng. Do đó, đây là quan hệ tiền gửi của khách hàng với Ngân hàng Công thương, không thể nêu đây là Huyền Như nhân danh Ngân hàng Công thương đi huy động. Do đó, Ngân hàng Công thương phải trực tiếp có trách nhiệm với khách hàng.
 
Đã có nhầm lẫn giữa việc giao dịch, trao đổi, thương lượng với cá nhân nào đó trước khi ký hợp đồng và quan hệ, giao dịch với pháp nhân, chủ thể sau khi giao kết hợp đồng. Đã là pháp nhân thì khi giao dịch, làm việc đều phải thông qua một cá nhân nào đó, nhưng sau khi ký kết hợp đồng hợp pháp với pháp nhân thì hình thành mối quan hệ với pháp nhân.
 
Cho dù trước khi ký hợp đồng, khách hàng làm việc với ai đi chăng nữa, thì sau khi ký hợp đồng với Ngân hàng Công thương, đó cũng là mối quan hệ với Ngân hàng Công thương.
 
Huyền Như là Quyền Giám đốc phòng giao dịch của Ngân hàng Công thương, việc khách hàng gửi tiền giao dịch với Huyền Như hay với bất cứ nhân viên nào của Ngân hàng Công thương cũng là chuyện bình thường, khách hàng có gặp hay không gặp lãnh đạo Ngân hàng Công thương cũng không làm thay đổi bản chất quan hệ pháp lý giữa khách hàng và Ngân hàng Công thương.
 
Trước đây, cũng như cho đến nay, Ngân hàng Công thương không hề thông báo cho khách hàng biết khi gửi tiền vào Vietinbank thì phải làm việc với ai. Liệu những khách đã gửi, đang gửi, sắp gửi tiền vào Vietinbank có làm việc đúng người, có gặp phải “Huyền Như” khác?
 
Liệu các khách hàng gửi tiền hiện nay tại Ngân hàng Công thương có gặp lãnh đạo ngân hàng hay không, gặp ai, chức danh nào, ngân hàng có thông báo không, nếu không làm việc thông qua nhân viên thì làm sao quan hệ với Ngân hàng Công thương. Ngoài những khoản tiền trong vụ án, các khoản khác Huyền Như mời khách gửi tiền về Ngân hàng Công thương có phải cá nhân Huyền Như huy động không?
 
Tiền đã vào Ngân hàng Công thương chưa?
 
Nhiều kênh thông tin, thậm chí ngay khi phiên tòa diễn ra, Chủ tịch Ngân hàng Công thương nêu tiền của khách hàng trong vụ án chưa vào hệ thống Ngân hàng Công thương, nên Ngân hàng Công thương không chịu trách nhiệm.
 
Các khoản tiền của khách hàng chuyển vào tài khoản tại Ngân hàng Công thương đều chuyển qua hệ thống thanh toán của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Công thương đã hạch toán tiền huy động của mình. Việc Huyền Như giả chứng từ để rút tiền ra, để cầm cố vay vốn chính Ngân hàng Công thương là minh chứng rõ ràng nhất về việc tiền đã vào Ngân hàng Công thương. Thuộc trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Công thương.
 
Trách nhiệm của Ngân hàng Công thương với tiền huy động của khách
 
Ngân hàng huy động vốn để cho vay, làm dịch vụ thanh toán. Để có tiền cho vay, Ngân hàng đương nhiên phải quản lý tiền huy động từ người gửi tiền; khi thực hiện dịch vụ thanh toán, ngân hàng phải đảm bảo các lệnh thanh toán được lập và thực hiện chính xác, hợp pháp. Sau khi tiền của dân chuyển vào ngân hàng, trở thành tiền của ngân hàng, ngân hàng nợ dân và có trách nhiệm hoàn trả gốc, lãi vô điều kiện.
 
Trách nhiệm của Ngân hàng Vietinbank với tiền huy động của khách
 
Theo Nghị định 64/NĐ-CP ngày 20/9/2001 của Chính Phủ về hoạt động thanh toán và cung ứng hoạt động thanh toán, quyết định 1284/QĐ-NHNN ngày 21/11/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, ngân hàng phải chịu trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo các chứng từ giao dịch tài khoản của khách hàng phải khớp đúng, hợp pháp, hợp lệ; đồng thời chịu trách nhiệm về về những thiệt hại do lỗi của mình.
 
Theo Quyết định 1092/QĐ-NHNN ngày 8/10/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định thủ tục thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tại điều 4, khoản 2 quy định thủ tục thanh toán lệnh chi: Ngân hàng có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính hợp pháp của nghiệp vụ và hợp pháp, hợp lệ của chứng từ; đồng thời với chứng từ giấy, phải có 1 bản làm giấy báo nợ gửi người trả tiền … Ngân hàng Công thương đã không hề làm chuyện này.
 
Khách hàng có trách nhiệm tự hạch toán các chi tiêu của mình trên tài khoản, tự quản lý số dư của mình để chi tiêu, sử dụng các phương tiện thanh toán cho phù hợp (thẻ, séc…), điều này không thể nhầm lẫn với trách nhiệm quản lý các giao dịch rút tiền, chuyển tiền trên tài khoản của ngân hàng.
 
Khách hàng không thể can thiệp vào việc rút tiền, chuyển tiền, nếu ngân hàng không thực hiện. Ngay kể cả khi khách hàng liên tục xem số dư tài khoản, giao dịch của mình qua các phương tiện như Intenet banking, thì cũng không ngăn được việc Huyền Như dùng chứng từ giả để rút tiền.
 
Do đó, khi Huyền Như dùng chứng từ giả chuyển tiền, rút tiền trên tài khoản của khách hàng, Ngân hàng Công thương phải chịu trách nhiệm trả tiền cho khách, không thể khác.
 
Với trường hợp Huyền Như giả chữ ký khách hàng, ký hợp đồng thế chấp giả, lập hồ sơ vay giả để vay tiền Ngân hàng Công thương, sau đó, Ngân hàng Công thương căn cứ hợp đồng thế chấp giả thu nợ cho vay trái pháp luật thì thực chất là Huyền Như chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Công thương. Tiền của khách hàng chỉ bị mất khi Ngân hàng Công thương thu nợ. Ngân hàng Công thương phải trả lại tiền cho khách.
 
Khách hàng gửi tiền có phó thác cho Huyền Như?
 
Trong hợp đồng gửi tiền giữa một số khách hàng như nhân viên ACB, Ngân hàng Nam Việt … có điều khoản cho phép Ngân hàng Công thương tự động trích tiền từ tài khoản thanh toán để chuyển vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn. Ngân hàng Công thương, Viện kiểm sát, Tòa án cho rằng quy định này có nghĩa là khách hàng đã phó thác toàn bộ cho Huyền Như muốn làm gì thì làm.
 
Quan điểm này không đúng pháp luật và thực tế vì các khách hàng đều ký hợp đồng với Ngân hàng Công thương, điều khoản này quy định về Ngân hàng Công thương Chi nhánh HCM chứ không phải Huỳnh Thị Huyền Như, không phải Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ. Khách hàng đã thỏa thuận cho phép Ngân hàng Công Thương được chuyển sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn để tính lãi theo lãi suất có kỳ hạn mà các bên đã thỏa thuận. Hợp đồng hoàn toàn không có một chữ nào giao quyền này cho Huỳnh Thị Huyền Như.
 
Đây là thỏa thuận hoàn toàn hợp pháp để Ngân hàng Công thương trích tiền sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn. Sau khi tiền chuyển sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, trách nhiệm của Ngân hàng Công thương không thay đổi. Các khoản khác đã tất toán cũng thực hiện tương tự.
 
Việc Huyền Như trích tiền gửi của khách hàng nếu có khác với hợp đồng cũng là do lỗi của Ngân hàng Công thương.
 
Hợp đồng tiền gửi ký ngoài trụ sở của Ngân hàng Công thương
 
Theo quy định pháp luật, địa điểm giao dịch, ký hợp đồng trong hay ngoài trụ sở của pháp nhân không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của giao dịch,hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng tại địađiểm của đối tác, tại khách sạn, tại nhà của khách hàng, thông qua Intenet, các hiệp định, thỏa thuận kí với nước ngoài ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, ngoài trụ sở, không lẽ các giao dịch này cũng không có giá trị pháp lý?
 
Hợp đồng sau khi được lãnh đạo Ngân hàng Công thương  ký, đóng dấu là hợp pháp. Ký trong hay ngoài trụ sở cũng không làm thay đổi trách nhiệm của Ngân hàng Công thương với khoản tiền gửi của khách hàng đã chuyển vào tài khoản của mình.
 
Về việc Huyền Như đã có ý đồ chiếm đoạt tài sản từ trước
 
Khách hàng gửi tiền không thể biết nhân viên Ngân hàng Công thương có ý đồ chiếm đoạt tiền của khách hàng từ trước hay không. Chính Ngân hàng Công thương phải có trách nhiệmvề nhân viên của mình, quản lý tiền do mình huy động của khách hàng, để bất cứ nhân viên nào dù có ý đồ chiếm đoạt cũng không thực hiện được.
 
Hàng chục nghìn nhân viên của Ngân hàng Công thương hàng ngày đang giao dịch với khách, làm sao khách hàng có thể biết được họ có ý đồ chiếm đoạt hay không khi giao dịch. Tại sao lại bắt khách phải chịu hậu quả từ việc nhân viên của Ngân hàng Công thương có ý đồ chiếm đoạt.
 
Khách hàng hưởng lãi suất vượt trần
 
Không người gửi tiền nào từ chối lãi suất cao do ngân hàng chi trả. Trách nhiệm chấp hành quy định về trần lãi suất huy động là của Ngân hàng Công Thương, không phải của người gửi tiền.
 
Giả sử khách hàng gửi tiền nhận lãi suất vượt trần là sai thì cũng không thể dẫn đến hậu quả là phủ nhận trách nhiệm hoàn trả số tiền gốc, lãi cho người gửi tiền của Ngân hàng Công Thương, không làm thay đổi trách nhiệm của Ngân hàng Công thương với khách hàng trong việc quản lý tiền gửi. Việc vượt trần lãi suất không phải là nguyên nhân dẫn đến việc Huyền Như có thể chiếm đoạt được tiền gửi tại Ngân hàng Công thương.
 
Khách hàng gửi tiền không nhận thẻ tiết kiệm
 
Đã có nhầm lẫn giữa hình thức tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi thanh toán trong nghiệp vụ ngân hàng.
 
Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng có thể huy động tiền gửi dưới hình thức tiền gửi thanh toán (có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn), tiền gửi tiết kiệm (có kỳ hạn hoặc không kỳ hạn). Tương ứng với từng loại hình này là các tài khoản khác nhau để hạch toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Với hình thức tiền gửi thanh toán thì ngân hàng không phát hành chứng chỉ, thẻ tiết kiệm cho khách hàng.
 
Các khoản tiền gửi của Ngân hàng Nam Việt, Ngân hàng Á Châu, Công ty chứng khoán Phương Đông … nêu trên đều là loại hình tiền gửi thanh toán có kỳ hạn. Do đó, việc khách hàng không nhận thẻ tiết kiệm là đúng.
 
Ngay cả trong trường hợp khách hàng gửi tiền không lấy thẻ tiết kiệm thì Ngân hàng Công thương cũng phải chịu trách nhiệm trả tiền vì đây là trường hợp Ngân hàng Công thương không giao thẻ tiết kiệm cho khách, chứ không phải khách đánh mất thẻ hoặc giao thẻ cho Huyền Như, chính Ngân hàng Công thương căn cứ hợp đồng thế chấp giả tự ý trích tiền gửi của khách để thu nợ mà mình cho vay trái pháp luật, Ngân hàng Công thương có lỗi trong việc quản lý tài khoản, để Huyền Như giả chứng từ.
 
Về nguồn gốc của số tiền gửi xuất phát từ giao dịch trái pháp luật
 
Theo quy định pháp luật, nguồn gốc tiền gửi hợp pháp hay không không làm thay đổi trách nhiệm của Ngân hàng Công thương. Cho dù tiền gửi là do phạm tội mà có, chiếm đoạt bất hợp pháp gửi vào thì Ngân hàng Công thương vẫn phải quản lý đúng quy định, không thể vì thế Ngân hàng Công thương không quản lý, để cho nhân viên giả chứng từ rút ra. Không thể vì nguồn gốc tiền gửi bất hợp pháp mà Ngân hàng Công thương được quyền nhận cầm cố bằng chữ ký giả, để rồi trích thu nợ.
 
Từ trước đến nay, Ngân hàng Công thương không có bất kỳ thông báo nào về việc sẽ không chịu trách nhiệm quản lý tiền nếu nguồn gốc tiền là bất hợp pháp. Và nếu khẳng định như vậy thì Ngân hàng Công thương phải xác minh nguồn gốc tiền gửi của tất cả các khách hàng  hiện nay để thông báo Ngân hàng Công thương không có trách nhiệm với những khoản bất hợp pháp.
 
Việc ủy thác của Ngân hàng Á Châu cho nhân viên, việc cho vay của Ngân hàng Nam Việt cho nhân viên … cho dù đúng hay sai cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt được tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng Công Thương.
 
Việc Ngân hàng Á Châu hủy hợp đồng ủy thác với nhân viên
 
Sau khi luật sư của Ngân hàng Công thương nêu thông tin này tại Tòa, thông tin đã không thẩm tra tại phiên tòa mà sử dụng ngay để kết luận ACB và các cá nhân đã hủy hợp đồng ủy thác trong ngày từ đó kết luận cả hợp đồng ủy thác và hợp đồng gửi tiền của nhân viên ACB với Ngân hàng Công Thương là sai.
 
Việc sử dụng các tình tiết không được thẩm tra công khai tại phiên tòa để kết luận là không phù hợp với quy định pháp luật.
 
Tại phiên tòa, đại diện ACB và các nhân viên đều khẳng định đến nay, các hợp đồng ủy thác của ACB với nhân viên vẫn còn hiệu lực, không có việc hủy Hợp đồng và cũng chưa có cơ quan có thẩm quyền nào tuyên bố hủy Hợp đồng này.
 
Bên cạnh đó, hợp đồng ủy thác giữa ACB với nhân viên và Hợp đồng gửi tiền của nhân viên ACB với Ngân hàng Công Thương là hai quan hệ độc lập. Ngay cả khi, các bên hủy Hợp đồng ủy thác thì cũng không ảnh hưởng đến trách nhiệm quản lý tiền của Ngân hàng Công Thương đối với tiền gửi của nhân viên ACB. Tất cả các nhân viên ACB đều yêu cầu Tòa buộc Ngân hàng Công thương trả tiền cho ACB.
 
Hành vi chiếm đoạt hoàn thành khi nào
 
Chính từ quan điểm tội phạm hoàn thành ngay khi tiền của khách hàng, chuyển hợp pháp vào tài khoản vẫn mang tên khách hàng, nên cơ quan pháp luật cho rằng sự quản lý lỏng lẻo của Ngân hàng Công thương không phải là nguyên nhân dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt được tiền.
 
Quan điểm này trái pháp luật, vì tội phạm chiếm đoạt chỉ được coi là hoàn thành khi tài sản đã dịch chuyển sang người chiếm đoạt, còn khi tiền vẫn đang ở trong tài khoản của khách hàng, thuộc sở hữu hợp pháp của khách, khách có đủ quyền với tài sản này. Ngân hàng Công thương đang hạch toán là tiền huy động của mình. Thì làm sao có thể coi là đã hoàn thành.
 
Cách hiểu này thể hiện Ngân hàng Công thương không chịu trách nhiệm gì với tiền gửi của khách, tiền gửi của khách có thể mất, bị chiếm đoạt khi vẫn mang tên mình. Như vậy, việc Ngân hàng Công thương và các cơ quan cho rằng “khách tự quản lý số dư, tài khoản của mình” cũng không có ý nghĩa.
 
Lập luận này tạo ra tiền lệ rất nguy hiểm: hàng chục triệu khách hàng đang gửi tiền tại hệ thống ngân hàng hiện nay có thể đã bị chiếm đoạt tiền khi tiền vẫn đang ở trong tài khoản của mình?
 
Hợp đồng cầm cố giả vẫn có giá trị pháp lý
 
Chính từ nhận định tội phạm hoàn thành khi tiền chuyển vào tài khoản mang tên khách hàng nên khi Huyền Như giả chữ ký cầm cố tiền gửi của khách cho Ngân hàng Công thương thì Tòa xác định Huyền Như chiếm đoạt tiền gửi cầm cố, việc Ngân hàng Công thương căn cứ hợp đồng giả để thu nợ được thừa nhận. Đồng nghĩa với việc thừa nhận hợp đồng cầm cố giả có giá trị pháp lý.
 
Trong khi đó, các cán bộ của Ngân hàng Công thương bị kết tội vi phạm các quy định về cho vay với lý do không có tài sản đảm bảo.
 
Như vậy, khi kết tội cán bộ Ngân hàng Công thương, thì Tòa án không thừa nhận hợp đồng cầm cố giả. Khi Ngân hàng Công thương thu nợ vay trái pháp luật, thì lại thừa nhận hợp đồng giả này.
 
Nguyên nhân dẫn đến việc Huyền Như chiếm đoạt được tiền
 
Qua các phân tích trên, có thể thấy: Việc hưởng lãi suất cao, việc nguồn gốc tiền gửi không hợp pháp, việc ký hợp đồng ngoài trụ sở, việc khách hàng không quản lý tài khoản, không nhận sổ tiết kiệm … không phải là nguyên nhân để Huyền Như chiếm đoạt được tiền. Tất cả các sai phạm nếu có trước khi tiền chuyển vào tài khoản hợp pháp của khách tại Ngân hàng Công thương không thể là nguyên nhân để tiền được rút ra trái phép.
 
Bản chất vụ việc là tiền của khách hàng đã chuyển vào Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Công thương quản lý quá sơ hở, các cán bộ của Ngân hàng Công thương thiếu trách nhiệm, bất chấp pháp luật để Huyền Như dùng chứng từ giả rút tiền của Ngân hàng Công thương.
 
Nguyên nhân để Huyền Như chiếm đoạt được tiền là lỗi của Ngân hàng Công thương trong việc quản lý tiền của chính mình, huy động từ khách hàng. Với thủ đoạn như của Huyền Như, với cách thức quản lý như của Ngân hàng Công thương, khi cần tiền, Huyền Như chỉ cần làm chứng từ giả để chuyển tiền, rút tiền, vay tiền thì Huyền Như có thể chiếm đoạt tiền của bất cứ ai gửi tiền tại Ngân hàng Công thương, dù cho lãi suất thế nào, ký hợp đồng ở đâu, nguồn gốc ra sao…
 
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Ngân hàng Công thương cũng khẳng định trong vụ án này, Ngân hàng Công thương sẽ chịu trách nhiệm với các khoản tiền gửi theo hợp đồng thật do Ngân hàng Công thương xác lập. Ý kiến này đã không được tòa ghi nhận để làm căn cứ quyết định.
 
Trách nhiệm của Ngân hàng Công thương trong vụ án này không chỉ liên quan đến các tổ chức, cá nhân trong vụ án, nó sẽ là vụ việc điển hình đi vào lịch sử ngành tư pháp, để đánh giá hệ thống pháp luật, đánh giá môi trường kinh doanh, nó sẽ khôi phục hoặc đánh mất niềm tin của người gửi tiền, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo VTC New
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo