Ăn tiết canh lợn, 1 người suy đa phủ tạng chờ tử vong
Trao đổi với phóng viên Kinh tế đô thị, ngày 2/2 (mùng 6 Tết), bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, trong dịp Tết vẫn có nhiều người nhập viện do ăn tiết canh lợn.
Đáng chú ý là trường hợp bệnh nhân P. V. Q. Nam, 63 tuổi ở Nam Định, tiền sử nghiện rượu, hay ăn tiết canh đã nhiều năm.
Từ hôm 30 Tết gia đình có đụng lợn, ông Q. ăn tiết canh và đến ngày mồng 2 tết xuất hiện sốt cao, tiêu chảy, trên da có xuất hiện các ban rải rác.
Ngay lập tức, bệnh nhân nhập viện vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn và điều trị tích cực.
Sau 1 đêm tình trạng ông Q. sốc nặng lên, các vết ban trên da thành ban xuất huyết hoại tử. Bệnh viện tỉnh phải chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc, suy đa phủ tạng. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông Q. được chẩn đoán nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng nghi do liên cầu lợn và hồi sức tích cực theo phác đồ. Nhưng do tình trạng bệnh nhân quá nặng nên gia đình xin ngừng điều trị đưa bệnh nhân về.
Được biết, đây không phải trường hợp đầu tiên bênh nhân bị hoại tử do tiết canh lợn, trước đó, dịp nghỉ lễ Tết dương lịch, anh N.H.T (35 tuổi, TP Lai Châu, Lai Châu) mua 1 con lợn cắp nách của dân bản về trực tiếp giết mổ, chế biến, làm tiết canh mời khoảng 20 bạn bè. Sau khi ăn tiết canh 5 ngày, anh T. xuất hiện sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử, báo Dân trí đưa tin.
Gia đình đưa bệnh nhân vào bệnh viện tỉnh trong tình trạng sốc, được xử trí cấp cứu và chuyển xuống BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân trong tình trạng sốc, có ban hoại tử khắp toàn thân, trong đó các ban hoại tử tập trung ở mặt, chân tay. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng.
Hàng năm tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn trong tình trạng nặng, bệnh nhân rải rác ở khắp các địa phương. Phần lớn các ca bệnh trên liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn.
Do đó, để phòng bệnh, người dân không nên ăn tiết canh, nem chua, thịt tái sống… vì đây là được coi là “ổ bệnh” chứa vô số loại vi khuẩn, virus gây bệnh cho người. Khi lựa chọn thịt heo, không nên mua thịt có màu đỏ khác thường, xuất huyết vì đó chắc chắn là heo bị bệnh. Đối với những người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ thịt heo cần đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với heo hoặc thịt heo bệnh với những vùng có vết thương hở.
End of content
Không có tin nào tiếp theo