Tin tức - Sự kiện

Ánh sáng từ nghị lực sống

Tuy đôi mắt của anh đã hỏng hoàn toàn nhưng anh vẫn có thể làm mọi công việc như bao người bình thường khác, thậm chí cả những việc mà người bình thường không thể làm nổi...

 Bị mù cả 2 mắt nhưng anh vẫn làm những công việc của người bình thường.

Tuổi thơ bất hạnh 

Số phận nghiệt ngã đã cướp đi quyền được nhìn thấy cuộc sống của Trần Xuân Nhận (SN 1973) trú tại thôn 3, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) nhưng với nghị lực vượt lên số phận, Trần Xuân Nhận đã tự tạo nên cho mình một cuộc sống tươi sáng. 

 

 Từ khi mới lên 3 tuổi, anh đã bị hỏng đôi mắt và vĩnh viễn không nhìn thấy vạn vật xung quanh như bao nhiêu người khác. Anh tâm sự: “Tôi nghe người già kể lại, khi đó tôi bị mắc bệnh sởi. Vì lúc đó còn lạc hậu nên mọi người không biết cách phòng bệnh, không kiêng cữ được cho nên nó đã phát lên mắt khiến đôi mắt của tôi bị hỏng hoàn toàn...”.

 
 “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Lớn lên trong bóng tối, tuy nhiên anh chưa bao giờ biết nản lòng. Không được đi học như các bạn cùng trang lứa nhưng anh chưa bao giờ than thân trách phận mà lấy đó làm động lực để tự rèn luyện bản thân mình.
 
Vì nhà nghèo nên bố mẹ của Nhận phải đi làm quần quật cả ngày mà không có thời gian để chăm lo nhiều cho Nhận. Nhận không nhìn thấy, nhưng anh lại có thể nghe rất rõ.
 
Anh đã cảm nhận cuộc sống bằng đôi tai của mình. Có lẽ những âm thanh của cuộc sống đã thôi thúc sức sống mãnh liệt trong con người không may mắn ấy nên anh luôn cố gắng để hòa mình vào với nó.
 
Những lần dò dẫm một mình quanh nhà khi mọi người đi làm vắng Nhận thấy mình còn có thể làm được nhiều điều chứ không phải chỉ ngồi im trong bóng tối.
 
Dần dần những công việc như quét nhà, cho lợn ăn hay giặt rũ quần áo anh đã làm được cả trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. 
 
Những thành công nho nhỏ từ sự cố gắng hàng ngày khiến anh cảm thấy được khích lệ và tự động viên mình tiếp tục để hoàn thiện những gì mà anh vẫn có thể sử dụng trên cơ thể của mình.
 
Cậu ruột của Ma, ông Vi Trung Nông tự hào cho biết: “Tuy nó không may mắn, ông trời đã lấy đi quyền được nhìn thấy ánh sáng mặt trời của nó. Nhưng ngay từ lúc nhỏ nó đã luôn cố gắng, phấn đấu để có thể làm được điều gì đó như người bình thường.
 
Đó là điều kỳ diệu trong cơ thể nhỏ bé của nó. Sự chăm chỉ đã giúp nó thành công. Dốt thì có thể học từ từ, khiếm khuyết thì có thể khắc phục, nhưng nếu lười biếng thì không thể cứu vãn nổi. Nó chăm chỉ rèn luyện và lao động nên mới có được những điều như ngày hôm nay”.
 
Năm 2002, cảm phục trước nghị lực của chàng trai tật nguyền, chị Phùng Thị Viên cùng tuổi với anh ở  xã bên đã quyết định theo anh về làm vợ.
 
Khi được hỏi biết Nhận bị bệnh như thế chị không lo lắng gì về cuộc sống vợ chồng sau này hay sao?
 
Chị chỉ bẽn lẽn cười: “Duyên số thế nào thì phải như thế ấy. Nhưng trong thâm tâm tôi, tôi biết anh ấy có nghị lực vươn lên và rất chăm chỉ nên tôi muốn cùng anh ấy hoàn thiện một cuộc sống cho ý nghĩa”.
 
Đến nay, vợ chồng anh chị đã có với nhau hai người con, một trai, một gái. Kết quả từ tình yêu chân thành của hai người.

Điều kỳ diệu từ đôi bàn tay cần cù
 
Khi chúng tôi đến thăm Nhận, vợ chồng anh chị đang ngồi ngoài hiên vót những cây đinh tre để chuẩn bị lợp lại ngôi nhà là mái ấm của mình. Nhìn đôi tay anh thoăn thoắt sử dụng con dao sắc nhọn để vót tre như người còn sáng mắt khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên.
 
Anh khoe: “Tôi làm những việc này là bình thường. Giờ tôi chưa làm được những việc đồng áng giúp đỡ vợ, nhưng những việc trong gia đình thì hầu như việc gì tôi cũng làm được cả từ rửa bát, quét nhà, nấu cơm, cho lợn ăn, giặt rũ, may vá tôi đều làm được cả…”.
 
Quả thật đôi bàn tay khéo léo của anh cứ như có một sức mạnh siêu nhiên có thể thay đôi mắt để nhìn và làm mọi việc y như người bình thường.
 
Thậm chí mời khách vào nhà, anh còn tự mình đi lấy phích pha trà mời khách uống một cách rất đơn giản. Chị Viên vợ anh tự hào: “Đận tôi mới sinh cháu, anh ấy còn giúp tôi cả việc giặt tã cho con nữa đấy.
 
Bao nhiêu việc nhà anh đều làm hết nên tôi cũng không phải động nhiều chỉ đi làm nương về là chăm sóc cho con thôi”.
 
Tuy đôi mắt của Trần Xuân Nhận không nhìn thấy, nhưng anh lại có thể bơi và lặn rất giỏi, cũng có thể đi lại ngoài đường như là người bình thường.
 
Năm 1993, trong một lần đi lặn để bắt cá ở con suối gần nhà, Ma đã bắt được một con baba nặng đến 12 kg khiến cả vùng xôn xao về khả năng đặc biệt của chàng trai này.
 
Con ba ba ấy đã được anh bán với giá 500 nghìn đồng để mua lợn về nuôi. Từ con lợn ấy giờ đã thành chiếc ti vi mới được anh mua về để vợ con xem và nghe tin tức, học tập kinh nghiệm làm ăn từ những thông tin ở đó.
 
Chiếc điện thoại anh mua về và sử dụng thành thạo, anh bấm để nghe giờ qua điện thoại.
 
Nói về những khả năng của mình, Nhận chia sẻ: “Đó không phải là những gì cao siêu hay kì diệu gì cả. Bởi vì tôi thiệt thòi không nhìn thấy ánh sáng. Nên tôi cần phải cố gắng tập luyện, lao động để có được cuộc sống bình thường. Lao động đã giúp tôi lấy lại được “đôi mắt” mà tôi đã mất từ khi còn nhỏ…”.                
 
 

 

Theo Báo Tuyên Quang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo