Áp thuế nhập khẩu sữa bột bằng 0%, sữa tươi và vùng sản xuất sẽ chết yểu?
Thị trường tiêu thụ sữa tiềm năng
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu thụ sữa tiềm năng. Bởi Việt Nam là một quốc gia đông dân, cơ cấu dân số trẻ với mức tăng dân số nhanh, ngoài ra tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước (GDP) là 6,7%/năm, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) khoảng 4%/năm… Những yếu tố này kết hợp với xu thế cải thiện sức khỏe và tầm vóc của người Việt Nam khiến cho nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa luôn giữ mức tăng trưởng cao.
Thống kê trên cả nước, Việt Nam hiện có gần 60 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa với hơn 300 nhãn hàng nhưng chỉ cung ứng được từ 25 - 35% nhu cầu trong nước, phần còn lại phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu khoảng 223,2 nghìn tấn sữa bột, gấp 1,73 lần sản lượng sữa bột sản xuất trong nước. Thị trường sữa bột tại Việt Nam hiện đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt với sự góp mặt của hơn 300 thương hiệu. Theo Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thuế xuất nhập khẩu của sữa dần giảm về 0% thì sức ép của các hãng sữa ngoại lên các doanh nghiệp nội địa ngày càng lớn. Nếu không có những hành động cụ thể, hiệu quả thì rất có thể các doanh nghiệp sữa nội địa sẽ mất luôn cả thị phần vốn đã ít ỏi của mình.
Phân khúc của hàng nội
Cuộc cạnh tranh của các hãng sữa là cuộc chiến trên các dòng sản phẩm sữa tươi thanh trùng, sữa tươi tiệt trùng và sữa hoàn nguyên (sữa được pha ra từ bột). Hơn 70% số lượng sữa nước trên thị trường ở Việt Nam là sữa hoàn nguyên, phần còn lại là sữa tươi từ các vùng nguyên liệu của các công ty trong nước.
Thị trường sữa bột chủ yếu do các hãng nước ngoài như Abbot, Mead Johnson, Nestle, FrieslandCampina… Ngoài ra, các thị trường cung cấp lượng sữa lớn khác cho Việt Nam là Singapore, Thái Lan, Đức, Ai Len, Úc, Hà Lan, Pháp, Nhật Bản… Theo đó, thị trường sữa nước có thể coi là phân khúc tạo cơ hội cho doanh nghiệp nội, trong đó phải kể đến Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, Hanoi milk,…
Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, thời gian qua thị trường sữa Việt có những bước phát triển vượt bậc, năm sau luôn cao hơn năm trước. Dự đoán trong những năm tiếp theo, ngành sữa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 9% và đạt mức 27-28 lít sữa/người mỗi năm vào năm 2020. Cách đây vài năm về trước, chỉ có một vài tên tuổi như: Vinamilk hay Dutch Lady chiếm lĩnh hầu hết thị trường thì nay hàng chục thương hiệu từ Vinamilk, Dutch Lady, TH True Milk, Mộc Châu, Ba Vì, Dalatmilk, Lothamilk, Vixumilk, Nutifood, Hanoi milk… đã ra đời và có mặt trên khắp thị trường Việt Nam.
Dự báo, trong thời gian tới sữa và các sản phẩm từ sữa nhập khẩu sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Ngoài yếu tố CPTPP được Việt Nam cùng 10 nước thành viên đã chính thức ký ngày 9/3/2018, thì ngành sữa tại Việt Nam quá hấp dẫn về tiềm năng, với thị trường trên 90 triệu người và tốc độ tăng dân số cao, khoảng 1,2%/năm. Điều này gây sức ép lên các doanh nghiệp ngành sữa trong nước.
Từ những con số thống kê (nêu trên) cho thấy, thị trường sữa tươi trong nước, kể cả vùng sản xuất có thể “chết yểu” khi đối mặt với CPTPP áp thuế suất nhập khẩu sữa bột vào Việt Nam bằng 0%. Việc này sẽ phá vỡ xu hướng tiêu dùng, “bóp chết” thương hiệu sữa tươi trong nước (?)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước