Quốc tế

Argentina phát hiện tín hiệu từ tàu ngầm mất tích

Ngày 18.11, Bộ Quốc phòng Argentina cho biết, tàu ngầm chở 44 người bị mất tích của hải quân nước này có thể đã cố gắng liên lạc với đất liền thông qua vệ tinh.

Reuters dẫn lại thông báo từ Bộ Quốc phòng Argentina cho hay có 7 cuộc gọi vệ tinh bất thành được cho là xuất phát từ tàu ngầm điện-diesel ARA San Juan bị mất tích. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy thủy thủ đoàn 44 người đã nỗ lực tái thiết lập liên lạc.

Các tín hiệu được phát hiện vào sáng và trưa 18.11, kéo dài 4-36 giây, theo Bộ Quốc phòng Argentina.

Bộ Quốc phòng Argentina đang phối hợp với một công ty của Mỹ chuyên về thông tin liên lạc qua vệ tinh để xác định vị trí phát ra tín hiệu.

Hiện vẫn chưa rõ ARA San Juan đã phát ra loại cuộc gọi gì, nhưng các tàu ngầm thường có thể kích hoạt Phao vô tuyến chỉ báo vị trí cấp cứu (EPIRB). EPIRB được dùng để thông báo khẩn cấp vị trí bị nạn của tàu qua vệ tinh khi tàu bị mất liên lạc.

Vị trí cuối cùng được xác nhận của ARA San Juan (do Đức sản xuất) là cách bờ biển phía nam của Argentina (hướng ra Đại Tây Dương) khoảng 432 km vào ngày 16.11.

Tàu ngầm Argentina “San-Juan”.

Hải quân Mỹ cùng một số quốc gia khác từ Chile cho đến Nam Phi đã điều động máy bay và tàu hỗ trợ công tác tìm kiếm và cứu hộ.

Tuy nhiên, một cơn bão làm biển động với sóng cao hơn 6 m và gió lớn ở Nam Đại Tây Dương gây cản trở nỗ lực tìm kiếm cứu hộ, người phát ngôn Enrique Balbi của Hải quân Argentina cho hay. Thiết kế và màu sơn giúp tàu ngầm ARA San Juan ngụy trang bề mặt đại dương cũng là một thách thức lớn cho lực lượng tìm kiếm.

Ông Balbi cho biết thêm cuộc tìm kiếm hoàn tất 80% khu vực được xác định ban đầu nhưng không tìm thấy bất kỳ dầu vết nào của tàu ngầm. Cũng theo ông này, thủy thủ đoàn có thể vẫn còn đủ nguồn thực phẩm và ôxy.

Hải quân Argentina cho hay hệ thống điện trong tàu ngầm có thể gặp sự cố dẫn đến mất tín hiệu liên lạc.

ARA San Juan hạ thủy vào năm 1983, là chiếc mới nhất trong tổng số 3 tàu ngầm của Hải quân Argentina. Tàu dài 65 m, rộng 7 m, được nâng cấp trong giai đoạn 2007-2014 để có thể hoạt động thêm 30 năm nữa.

 

Nên đọc
Theo Sputnik
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo