ASEM9: Thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng
Chiều 6/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã rời thủ đô Vientiane (Lào), kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 9.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn phóng viên VOV về kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEM 9 cũng như những đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam tại hội nghị lần này.
PV: Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 9 tổ chức tại thủ đô Vientiane vừa kết thúc thành công. Hội nghị được đánh giá là đã tạo ra những bước tiến quan trọng trong tiến trình hợp tác Á–Âu. Xin Thứ trưởng cho biết, những kết quả nổi bật của hội nghị?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 9 (ASEM 9) diễn ra tại thủ đô Vientiane là sự kiện quốc tế quan trọng không chỉ đối với nước bạn Lào mà còn đối với hợp tác giữa hai châu lục Á – Âu.
Có thể nói, hội nghị đánh dấu những kết quả, bước tiến mới trong quan hệ đối tác Á - Âu, tạo động lực cho việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tăng cường hợp tác, phát triển ở hai châu lục.
Diễn ra trong tình hình quốc tế và ở hai châu lục có nhiều chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, hội nghị đã tập trung vào chủ đề “Bạn bè vì hòa bình - Đối tác vì thịnh vượng”, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.
Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Vientiane về tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển” và “Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEM 9” cùng 11 sáng kiến mới.
Kết quả nổi bật của hội nghị là đánh dấu đợt mở rộng thành viên lần thứ 4 của Diễn đàn ASEM, với việc chính thức kết nạp Bangladesh, Nauy và Thụy sĩ tham gia.
Như vậy, sau 16 năm hình thành, vị thế, quy mô và tiềm năng của ASEM tiếp tục được đẩy mạnh, từ 26 thành viên tăng lên 51 thành viên, đại diện cho gần 60% dân số thế giới, đóng góp gần 60% thương mại và khoảng 50 % GDP toàn cầu.
Các nhà Lãnh đạo ASEM đã khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chung nỗ lực vượt qua suy giảm kinh tế, nhằm góp phần tạo động lực cho phục hồi kinh tế toàn cầu.
Hội nghị nhất trí đẩy mạnh hợp tác tài chính, kết nối, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tạo việc làm, chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tiếp tục cùng nỗ lực thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, Vòng đàm phán Doha và hoan nghênh việc Lào và Nga vừa trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Các nhà lãnh đạo cũng ủng hộ các đề xuất của Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 13 về thúc đẩy thương mại và đầu tư, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và tăng cường kết nối khu vực, trong đó chú trọng kết nối các nền kinh tế châu Âu với Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).
Bên cạnh đó, hội nghị đạt nhiều thỏa thuận quan trọng về phương hướng tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, cả truyền thống và phi truyền thống, và nhấn mạnh các thách thức này đang tác động đan xen, sâu rộng, khó lường.
Hội nghị nhất trí coi trọng đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề phát triển, thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác về bảo vệ nguồn nước và phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai…
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần tiếp tục cải cách các định chế quản trị toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phát huy vai trò của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh, để vượt qua những khó khăn kinh tế và các thách thức toàn cầu hiện nay, vấn đề cấp bách đặt ra là cần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định khu vực, gia tăng đối thoại, hợp tác và liên kết.
Hội nghị đề cao nỗ lực các thành viên ASEM, đặc biệt vai trò trung tâm và các cơ chế hợp tác của ASEAN, trong việc giải quyết các khác biệt, tranh chấp khu vực thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Nhận thức chung này được thể hiện sinh động trong “Tuyên bố Vientiane về tăng cường quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển”, là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hai khu vực và thế giới trong tình hình hiện nay.
Với những dấu ấn nổi bật trên, Cấp cao ASEM 9 đã thành công tốt đẹp. Việc Lào đảm nhiệm xuất sắc vai trò nước chủ nhà của Hội nghị ASEM 9 đã góp phần khẳng định vai trò ngày càng tích cực và chủ chốt của ASEAN tại các cơ chế hợp tác khu vực và liên khu vực, nâng cao vị thế và uy tín của Lào trên trường quốc tế.
PV: Trong quá trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, chúng ta luôn coi trọng việc tham gia, đóng góp tại các tổ chức, diễn đàn đa phương. Xin Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã thể hiện chủ trương đó như thế nào tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần này?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Đoàn đại biểu cấp cao nước ta do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tham gia rất tích cực tại các hoạt động, phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Lào và các thành viên, đóng góp vào thành công của hội nghị.
Nổi bật là việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng với Tổng thống Indonesia và Thủ tướng Nga, đã được mời đại diện cho các thành viên châu Á phát biểu dẫn đề tại Phiên thảo luận về “Các vấn đề toàn cầu”.
Nhiều thành viên chia sẻ những đề xuất của chúng ta về cách tiếp cận đa ngành đối với các vấn đề toàn cầu, và các biện pháp để ASEM đóng góp hiệu quả hơn đối với nỗ lực quốc tế bảo đảm an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nỗ lực xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ nguồn nước đặc biệt nguồn nước đi qua nhiều lãnh thổ...
Hội nghị hoan nghênh và ủng hộ hai sáng kiến mới của Việt Nam về tổ chức “Hội nghị cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” và “Hội thảo ASEM về quản lý nước và lưu vực sông - Cách tiếp cận theo hướng tăng trưởng xanh”.
Đây là lần đầu tiên ASEM thông qua sáng kiến về ứng phó với thiên tai và nhiều thành viên tham gia đồng sáng kiến.
Các thành viên đặc biệt đánh giá cao Việt Nam tham gia tích cực và đóng góp có trách nhiệm nhằm thúc đẩy lợi ích chung trong duy trì hòa bình, an ninh, ổn định khu vực.
Chúng ta nêu rõ, mặc dù giữa một số thành viên và thậm chí là giữa hai châu lục có thể có khác biệt, bất đồng, song duy trì hòa bình, an ninh và ổn định chính là mẫu số lợi ích chung lớn nhất.
Vấn đề then chốt hiện nay là cần nỗ lực tạo dựng các cấu trúc khu vực với mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển, mang tính xây dựng, minh bạch và hiệu quả, ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, và bảo đảm thỏa đáng lợi ích của các nước đang phát triển. Trong nỗ lực chung đó, Việt Nam đang cùng ASEAN đóng vai trò tích cực.
Bên cạnh đó, chúng ta đã phối hợp với nước chủ nhà Lào và các thành viên thúc đẩy quá trình đi đến đồng thuận chung trong nhiều vấn đề quan trọng.
Do tính đa dạng và đặc thù của diễn đàn, giữa hai châu lục Á- Âu nói chung và các thành viên ASEM nói riêng, có sự quan tâm, ưu tiên và cách tiếp cận khác nhau.
Chúng ta đã đưa ra nhiều đề xuất thiết thực nhằm hài hòa lợi ích và gia tăng điểm đồng trong nhiều lĩnh vực hợp tác, như đẩy mạnh trụ cột hợp tác kinh tế, hỗ trợ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nền kinh tế xanh, tăng cường kết nối khu vực và liên khu vực, kết nối Tiểu vùng Mekong...
Có thể nói, những đóng góp của chúng ta thời gian qua và tại Hội nghị Cấp cao lần này tiếp tục khẳng định vai trò của chúng ta là thành viên sáng lập, tích cực, chủ động và có trách nhiệm tại diễn đàn quan trọng này.
PV: Bên cạnh thành công trong các hoạt động đa phương, được biết, Hội nghị Cấp cao ASEM 9 cũng là dịp để chúng ta tăng cường và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác ở hai châu lục. Thứ trưởng có thể cho biết, những kết quả nổi bật của các hoạt động song phương của đoàn ta tại hội nghị lần này?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trong thời gian tham dự hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên chính thức của đoàn ta đã gặp gỡ, tiếp xúc rộng rãi với nhiều nguyên thủ và lãnh đạo các thành viên ASEM, trong đó có Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Lào, Tổng thống các nước Pháp, Bulgaria, Indonesia, Thủ tướng các nước Nhật Bản, Australia, Phần Lan, Italy, Slovenia, Luxembourg
Qua các cuộc gặp, Thủ tướng ta và các vị lãnh đạo đã thảo luận nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đồng thời trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Các nước đánh giá cao nỗ lực ổn định và tái cơ cấu nền kinh tế cũng như hội nhập quốc tế toàn diện của nước ta, nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt và làm sâu sắc quan hệ đối tác.
Các nhà lãnh đạo đều nhất trí trong bối cảnh cả châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương đang có những diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị và an ninh, hơn bao giờ hết các thành viên ASEM cần phối hợp chặt chẽ duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực để phục hồi kinh tế và tăng trưởng.
Cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Lào có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai nước, hai Đảng và hai dân tộc.
Những đóng góp tích cực cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan Việt Nam trong suốt quá trình chuẩn bị cũng như tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 9 và các sự kiện quan trọng khác của ASEM mà nước bạn Lào đăng cai là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào 2012.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các nước cũng đã trao đổi về các phương hướng, biện pháp cụ thể để làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ song phương.
Đáng chú ý, Thủ tướng ta và các vị lãnh đạo Nhật Bản, Australia, Pháp, Italya, Luxembourg, Phần Lan đã nhất trí tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực để kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các nước này.
Cùng với các chuyến thăm Việt Nam nhân dịp hội nghị của nhiều Lãnh đạo ASEM như Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Nga, Đan Mạch, Bangladesh, các hoạt động song phương tích cực nói trên tại hội nghị đã góp phần tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác, đồng thời thể hiện vị thế ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế.
Những kết quả mà chúng ta gặt hái từ hội nghị cấp cao lần này, cả trên bình diện đa phương và song phương, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Diễn đàn ASEM.
Tất cả các nước mà ta có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và hầu hết các đối tác FTA của ta đều là thành viên ASEM.
Để hội nhập quốc tế hiệu quả, chúng ta cần tiếp tục đổi mới trong tư duy, chính sách và cách thức triển khai, coi trọng thỏa đáng tham gia các diễn đàn đa phương, quan tâm thúc đẩy những vấn đề ta có lợi ích, đồng thời chủ động, tích cực đóng góp đối với các quan tâm chung của khu vực và quốc tế, phát huy những thế mạnh, quan tâm của ta về an ninh lương thực, kết nối tiểu vùng, biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai, bảo vệ tài nguyên nước…
Đây là một trong những nội hàm then chốt của hội nhập quốc tế toàn diện, nhằm góp phần củng cố môi trường an ninh và phát triển, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.
Hồng Lĩnh (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
8 chương trình đào tạo của trường Đại học Đông Á được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng
Lễ hội Áo dài Đà Lạt 2024 với nhiều điểm nhấn độc đáo