Ba điểm đáng chú ý từ tăng GDP quý I/2013
Trong quý I/2013, tăng trưởng GDP đạt 4,89% là điều rất có ý nghĩa trong điều kiện thục hiện mục tiêu kép (lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn). Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn đứng trước những thách thức không nhỏ tiếp tục cần giải pháp khắc phục.
Điểm tích cực thứ nhất là GDP quý I/ 2013 tăng trưởng 4,89%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP đạt được như trên càng có ý nghĩa chúng ta vừa phải kiên định, nhất quán với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Và thực tế quý I đã đạt được kết quả khả quan về các mặt lạm phát thấp hơn, xuất siêu, dự trữ ngoại tệ tăng, tỷ giá ổn định, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng được cải thiện…
Trong 3 tháng đầu năm, tổng cầu của nền kinh tế bị “co lại” khi vốn đầu tư/GDP thấp xa so với tỷ lệ của cùng kỳ năm trước (29,6% so với 36,2%). Tăng trưởng tín dụng đến 21/3/2013 so với cuối năm trước chỉ tăng 0,03%. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân, thì thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (tăng 4,5% so với tăng 4,7%) và thấp hơn tốc độ tăng GDP (4,5% so với 4,89%).
Thứ hai, tăng trưởng GDP như trên đạt được trong điều kiện chuyển đổi tư duy, không chạy theo tốc độ tăng trưởng bằng mọi giá, trong điều kiện có những đề xuất kích cầu đầu tư, tiêu dùng, nới lỏng tiền tệ, muốn giảm thật mạnh lãi suất huy động và lãi suất cho vay, đánh thuế tiền gửi tiết kiệm… Nhưng Chính phủ chỉ đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường để tăng trưởng hợp lý, tăng trưởng bền vững.
Điểm tích cực thứ ba là tăng trưởng GDP quý I năm nay đã đạt được ở cả 3 nhóm ngành. GDP do nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thuỷ sản tạo ra tuy tăng không cao, thậm chí tốc độ tăng quý I năm nay còn thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ trong 2 năm trước, nhưng tiếp tục đạt đỉnh cao mới về giá trị sản xuất và về sản lượng một số sản phẩm chủ yếu. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp- thủy sản tăng 2,6%, trong đó nông nghiệp tăng 2,5%, lâm nghiệp tăng 5,8%, thủy sản tăng 2,6%. Vụ đông xuân này các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch rộ với dự báo năng suất, sản lượng đạt kỷ lục mới.
Xuất khẩu nhiều loại nông sản, lâm sản tăng khá (như hạt tiêu, sắn và sản phẩm từ sắn, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ,…). Giá lương thực trong nước năm 2012 giảm sâu (5,66%), 3 tháng đầu năm nay giảm tiếp 0,07%, đã góp phần kiềm chế lạm phát trong hơn một năm qua,… Nông nghiệp, nông thôn cũng góp phần giải quyết công ăn việc làm, góp phần ổn định kinh tế- xã hội.
GDP do nhóm ngành công nghiệp- xây dựng tạo ra tuy tăng thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ 2 năm trước, nhưng đã tăng với tốc độ cao hơn tốc độ tăng chung của toàn bộ nền kinh tế. Tốc độ tăng của công nghiệp chế biến- ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp (61,5%) - đã tăng cao hơn tốc độ chung của toàn ngành (5,4% so với 4,95%). GDP do ngành xây dựng tạo ra, nếu cùng kỳ năm trước giảm tương đối sâu, năm nay đã tăng trưởng với tốc độ xấp xỉ với tốc độ tăng GDP của toàn bộ nền kinh tế (4,79%). Mặc dù tốc độ này cũng chưa làm cho ngành xây dựng hồi phục được quy mô cách đây hơn 1 năm, nhưng đây là tín hiệu bước đầu của việc thoát đáy vượt dốc đi lên của ngành này.
Nhóm ngành dịch vụ tiếp tục tăng với tốc độ cao hơn 2 nhóm ngành trên, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung và là nhóm ngành duy nhất trong 3 nhóm ngành có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm nhóm ngành dịch vụ tiếp tục tăng cao hơn và trở thành động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế trong điều kiện 2 nhóm ngành trên tăng chưa cao.
Tuy vậy, bên cạnh các điểm tích cực trên, tăng trưởng kinh tế trong quý I còn có một số hạn chế, bất cập và đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Dễ thấy nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I năm nay thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ một số năm trước (năm 2010 và 2011) và tốc độ tăng theo mục tiêu đề ra cho cả năm 2013. Điều đó đặt ra cho các quý sau nhiệm vụ nặng nề là phải tăng cao hơn tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước thì cả năm 2013 mới đạt được mục tiêu tăng 5,5%.
Tăng trưởng nhóm ngành công nghiệp và xây dựng còn thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước, trong khi nhóm ngành này đã chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 3 nhóm ngành, nên việc tăng lên cao hay thấp sẽ tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng chung.
Trong khi đó, một số điểm nghẽn lớn (nợ xấu, tồn kho, bất động sản) cần được giải quyết khẩn trương hơn; mục tiêu tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, 3 khâu đột phá chiến lược nhằm phát triển bền vững cần được đẩy mạnh hơn.
Cần lưu ý thêm, từ mục tiêu kế hoạch 2013 tính ra phải tăng mạnh hiệu quả đầu tư (để giảm mạnh hệ số ICOR từ 6,7 lần trong năm 2012 xuống 5,5 lần theo mục tiêu) và phải tăng cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động (từ tăng 2,3% năm 2012 lên tăng 2,7% theo mục tiêu 2013), trong khi tiến độ thực hiện của quý I năm nay còn chậm.
Quyết Thắng
Theo VGPNews
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Tài chính: Giá hàng hóa cận Tết không có biến động bất thường
Tinh gọn bộ máy: Đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên mới
Người Việt tại Anh rộn ràng đón Tết Nguyên đán
Làng nghề bánh tráng hơn 100 năm tuổi vào Xuân
Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ đêm 27/1 – 2/2, có nơi dưới 3 độ C
Cảm hứng từ hành trình hướng tới thịnh vượng của Việt Nam
Cột tin quảng cáo