Bà đưa ông trốn viện về vì không lo nổi viện phí
Đôi chân lấm bùn hớt hải chạy vào nhà rót nước mời chúng tôi. Bà Tuyết không giấu được những giọt nước mắt: “Bà mới ra thăm ruộng lúa về, bò nhà họ ăn hết 2 sào lúa bà cấy được. Giờ không biết mần răng đây. Họ đền cho bà 3kg lúa để gieo lại, nhưng sức khỏe không có, chắc lại phải nhờ hàng xóm gieo lại lúa để có gạo mà ăn cháu ạ”. Bên góc giường, người đàn ông bị phù nề, sưng tấy chân tay đang nhắm mắt lại rên rỉ vì đau.
Người dân ở xóm nhỏ Trung Phú, xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh thương cho hoàn cảnh của vợ chồng bà Tuyết (63 tuổi) và ông Võ Nguyên (66 tuổi) cùng đứa cháu Võ Thị Huyền Trang (5 tuổi). Mấy ngày qua họ đang sống nhờ vào bát cơm, chén nước của bà con lối xóm.
Cưới nhau từ thời đói khổ, ăn cơm trộn với lá khoai, nhưng ông Nguyên và bà Tuyết luôn cố gắng để nuôi ba đứa con lớn khôn là anh Võ Thái (SN 1977), Võ Hoàng (SN 1982), và Võ Thị Hương (SN 1988). Đến nay người con cả đã có gia đình riêng, nhưng cũng bần hàn vì cô con dâu vừa gặp tai nạn.Lam lũ quanh năm nhưng đói nghèo vẫn đeo bám cuộc sống của gia đình ông bà. Cả nhà lao đao vì nợ nần khi gần chục năm nay ông Nguyên mang bạo bệnh: Từ bệnh dạ dày di căn, đến gan, phổi và vôi hóa cột sống…
Ba năm gần đây, bệnh tình ông Nguyên trở nên phức tạp, ông chỉ biết nằm lụ khụ ho, vật vã trong cơn đau, cơ thể phù nề. Cách đây ba tháng, chứng kiến chồng lên cơn đau với đôi mắt nhắm nghiền thở gấp, bà Tuyết chạy khắp nơi vay mượn tiền đưa chồng đi khám. Xuống bệnh viện tỉnh, bác sĩ cho biết bệnh tình chuyển biến nặng, nên phải chuyển ông Nguyên ra bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội để điều trị. Cầm kết quả khám bệnh của chồng trên tay, mới biết chồng mình mang “bách bệnh”. Đặc biệt, bệnh dạ dày đã di căn nên bác sĩ nói người nhà làm thủ tục nhập viện để mổ trong thời điểm thẻ bảo hiểm cận nghèo đã hết hạn.
Lặng lẽ quẹt nước mắt, hai vợ chồng già dắt nhau trốn viện về vì không biết lấy đâu ra khoản viện phí khổng lồ để mổ. Bà kể: “Khi nghe bác sĩ nói không có thẻ bảo hiểm thì viện phí mổ sẽ rất nhiều. Với lại người ta cứ nói nếu mổ dạ dày phải mua thêm dao kéo mổ gần 30 triệu. Lúc đó trong người chỉ có vài trăm nghìn mượn được lo tiền xe cộ nên phải bỏ viện về.Vợ chồng sống với nhau bao nhiêu năm, đến tuổi già rồi ông ấy lâm bệnh, tôi không biết làm gì để ông bớt đau đớn khi trong người không có tiền chữa bệnh. Nghĩ mà tủi”.
Từ ngày ông Nguyên mang bạo bệnh, mọi việc trong gia đình đều do bà Tuyết cáng đáng. Từ việc đồng áng, đến mọi sinh hoạt, ăn uống của gia đình đều trên đôi tay bà. Hơn nữa, khi nghe tin cô con gái út Võ Thị Hương (SN 1988) “không chồng mà chửa” khiến bà Tuyết điếng người. Sinh con được 10 tháng, Hương để cháu lại cho cha mẹ nuôi, bỏ nhà đi từ đó đến nay không liên lạc được.
Một lần nữa, nỗi khổ hạnh lại ập xuống trên đôi vai của người phụ nữ nghèo. Lo cho chồng chưa xong, nỗi lo cho đứa cháu nhỏ học hành lại đến, và mòn mỏi trông tin cô con gái út trở về khiến bà Tuyết gần như kiệt sức, nỗi buồn hòa theo nỗi tuyệt vọng.
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, hàng xóm của bà Tuyết cho biết: “Hai ông bà thật đáng thương. Bà bán hết trâu bò để chạy chữa cho ông, giờ không đủ tiền mổ nên ông phải nằm một chỗ trong cơn đau. Đứa cháu nhỏ không có tiền ăn bán trú nên sáng bà đưa cháu đi học, trưa lại đón cháu về. Thương đến đau lòng”.
Số nợ ngân hàng ngày càng nhiều, nhưng vẫn không có tiền chữa bệnh cho chồng, và lo cho việc học của đứa cháu. Bà Tuyết đành bất lực, ngậm ngùi nhìn chồng vật vã trong đau đớn. Đã mấy tháng nay, ông Nguyên không còn ăn được cơm, mà phải húp cháo loãng. Cám cảnh nhất là bát cháo trắng nấu nhừ không có thịt hòa trong nước mắt mặn chát của người vợ vì thương chồng không có cái ăn.
“Thương ông, nhưng tôi không làm gì được cho ông. Thời tiết bữa này rét mướt nên phải dân làng họ cho củi, cho than đốt lên để sưởi ấm cho chồng tôi. Ước mong lớn lao nhất của tôi bây giờ là có tiền để đưa ông đi mổ theo chỉ thị của bác sĩ, chứ để ông nằm thế này chắc cũng không sống được bao lâu nữa đâu. Còn đứa cháu nhỏ mới học lớp 1 thôi nhưng tôi cũng không biết sẽ cho nó theo học được đến bao giờ khi trong nhà không còn xu dính túi” – Bà Tuyết buồn bã nghĩ về thực tại của gia đình mình.
Cảnh ngộ của gia đình bà đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo