Thị trường

Ba giải pháp đột phá hạ lãi suất xuống 10%

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) việc giảm lãi suất không phải là việc khó, vấn đề là cần biết cách lựa chọn các giải pháp thích hợp.

Dựa trên cơ sở phân tích dòng vốn FDI và xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, VAFI dự báo, trong 7 năm tới nhập siêu sẽ giảm dần và tiến tới Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu. Theo đó, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục vào Việt Nam ở mức bình quân 12 tỷ USD/năm, con số này không đạt đỉnh cao như các năm trước, tuy nhiên sẽ là không nhỏ nếu so với nhiều nước trên thế giới.

 

Theo phân tích của VAFI, dòng vốn FDI sẽ chảy nhiều vào các ngành có lợi thế xuất khẩu và Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 10%/năm. Hiệp hội này cũng dự đoán, nhiều dự án trong nước thay thế hàng nhập khẩu đã và sẽ tiếp tục ra đời như xi măng, sắt thép, phân bón, các sản phẩm hóa dầu, tiêu dùng... Việc phát triển các ngành này sẽ góp phần làm giảm nhập siêu.

Theo những dự báo về xu thế tích cực kể trên thì tình trạng lãi suất cao đang gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký VAFI cho rằng, việc giảm lãi suất không phải là việc khó, vấn đề là lựa chọn giải pháp và sau đó là nhanh chóng hành động.

 

Qua nhiều phân tích nhận định, VAFI đã đề xuất ba phương án giúp giảm thiểu lãi suất cho vay. 

Thứ nhất: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước hạ dần lãi suất cho vay, từ đó lan tỏa đến các ngân hàng thương mại cổ phần khác.

 

Đồng thời, theo tín hiệu của chỉ số giá tiêu dùng và thị trường liên ngân hàng, NHNN thực hiện bơm tiền ở liều lượng thích hợp và cuối cùng sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động. “Với phương án này, lãi suất cho vay sẽ giảm chậm và dự kiến tới cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 14-18%, phổ biến sẽ ở mức 15-17%”, ông Hải nhận xét. Phương án này hiện đang được NHNN triển khai.

 

Thứ hai: NHNN nên giảm ngay lãi suất huy động đối với tổ chức xuống 11%/năm. Việc giảm lãi suất với đối tượng này sẽ không ảnh hưởng đến trật tự huy động vốn của hệ thống ngân hàng thương mại, cũng như không tác động tới thị trường ngoại tệ. 

 

Bên cạnh đó, NHNN nên khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ và vàng miếng ở mức không quá 1%/năm nhằm làm tăng sức hấp dẫn đối với tiền gửi VND, thúc đẩy tiến trình bán vàng ngoại tệ cho khối ngân hàng thương mại.

 

VAFI cũng đề xuất NHNN đặt ngay trần lãi suất cho vay không quá 18%/năm, sau đó, theo tín hiệu thị trường giảm dần lãi suất tiền gửi của dân cư, và hạ tiếp trần lãi suất cho vay. Với phương án này, theo ông Hải, đến cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 12-16%, phổ biến sẽ ở mức 14-15%.

 

Thứ ba: Cần sớm ban hành Nghị định về quản lý kinh doanh vàng vì nó có tác động tích cực đến bình ổn thị trường ngoại hối. Điểm mấu chốt của Nghị định là sẽ ban hành chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt  đối với hoạt động kinh doanh vàng.

Theo phân tích của VAFI, nếu nhà nước sớm công bố chủ trương thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động kinh doanh vàng ở mức 20% trên giá bán thì đây sẽ là giải pháp đột phá để hạ  lãi suất cho vay về dưới 10%/năm.

 

Nếu giải pháp này được áp dụng, nó sẽ nhanh chóng kích thích thị trường chứng khoán cũng như thị trường trái phiếu phục hồi và phát triển. Cùng với đó hệ thống ngân hàng sẽ có cơ hội huy động nguồn vốn dài hạn.

 

Mặt khác, giải pháp này không những ngăn chặn tình trạng chảy máu ngoại tệ mà nguồn ngoại tệ, nguồn vàng trong dân sẽ chảy vào hệ thống ngân hàng thương mại một cách dễ dàng.

 

Khánh An (tổng hợp/VNE)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo