Ba Lan chính thức mua tên lửa Mỹ và trực thăng Pháp
Ngày 21/4, Ba Lan thông báo sẽ mua tên lửa Patriot do tập đoàn Raytheon của Mỹ sản xuất và tạm chọn trực thăng do tập đoàn Airbus của Pháp chế tạo. Theo nhận định của Reuters, động thái này cho thấy Ba Lan đang tăng tốc hiện đại hóa lực lượng vũ trang trong bối cảnh căng thẳng với Nga.
Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski cho biết: "Đối với việc hiện đại hóa kỹ thuật và tăng khả năng hoạt động hiệu quả cho lực lượng vũ trang, dự án lá chắn chống tên lửa phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong danh sách ưu tiên của quân đội".
Ba Lan sẽ tham gia các cuộc đàm phán riêng với chính phủ Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Được biết, Ba Lan có kế hoạch mua 8 khẩu đội tên lửa vào năm 2025, trong đó 2 khẩu đội sẽ được mua trong vòng 3 năm kể từ ngày ký kết thỏa thuận.
Một tập đoàn của Thales (Pháp) và tập đoàn châu Âu MBDA cũng đang cạnh tranh giành hợp đồng cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 5 tỷ USD, đánh dấu hợp đồng vũ khí có giá trị lớn nhất trong lịch sử quân đội Ba Lan.
Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh thông báo của quốc gia đồng minh NATO này. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, chương trình này được cho là đóng góp ít nhất 2,5 tỷ USD vào giá trị xuất khẩu của Mỹ, đồng thời tạo thêm việc làm và phát triển cơ sở sản xuất cho Mỹ.
Ba Lan, quốc gia trở thành thành viên NATO kể từ năm 1999, đã đẩy mạnh tiến trình lựa chọn nhà cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa sau khi Nga sáp nhập bán đảo C-rưm vào lãnh thổ của mình vào tháng 3 năm ngoái. Bước đi này đã khiến các thành viên NATO tại Đông Âu gia tăng lo ngại.
Theo Reuters, kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh, Ba Lan thường duy trì mối quan hệ an ninh và quốc phòng gần gũi hơn với Mỹ. Tuy nhiên, trong vài năm qua, các nhà hoạch định chính sách đã vận động hành lang cho mối quan hệ an ninh mạnh mẽ hơn với phần còn lại của châu Âu, đặc biệt sau khi chính quyền Obama thu hẹp kế hoạch lá chắn phòng thủ tên lửa tại Đông Âu.
Trong danh sách lựa chọn phi đội máy bay trực thăng tiện ích trị giá 3 tỷ USD, trực thăng Caracal EC725 của Airbus được Ba Lan "để mắt" nhiều hơn. Ba Lan đã giảm đơn đặt hàng từ 70 xuống còn 50 trực thăng. Tuy nhiên, đây sẽ vẫn là đơn đặt mua thiết bị quân sự lớn nhất từ Tây Âu của Ba Lan kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Việc bàn giao máy bay có thể bắt đầu vào năm 2017.
Một quan chức quốc phòng Pháp cho biết, trực thăng Caracal và các động cơ Turbomeca sẽ đều được lắp ráp tại Ba Lan như một phần của thỏa thuận công nghiệp có quy mô lớn.
Theo quan chức này, Ba Lan đã theo dõi quyết định của Pháp vào năm ngoái trong việc ngừng bàn giao các chiến hạm cho Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, tuy nhiên bác bỏ bất cứ mối liên hệ rõ ràng nào giữa động thái đó với quyết định mua vũ khí hạng nặng từ Pháp của Ba Lan.
Ba Lan khẳng định rằng, trước những thay đổi về điều kiện an ninh nên họ đã quyết định tăng tốc tiến trình thu mua máy bay trực thăng tấn công. Được biết, 4 công ty quan tâm đến việc cung cấp khoảng 30 máy bay trực thăng cho Ba Lan trong một thỏa thuận đã được đưa ra 2 năm trước khi diễn ra cuộc khủng tại Ukraine.
NM (Theo Reuters)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
Cột tin quảng cáo