Chứng khoán

Ba Luật thuế sửa đổi bổ sung tác động đến TTCK thời gian tới

Luật sửa đổi bổ sung thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế giá trị gia tăng (DN kinh doanh nhà ở xã hội chịu lãi suất 5% thay vì 10%), Luật thuế thu nhập DN (22% áp dụng từ 1/7/2013).

Ngày 7/11/2013 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Hội nghị giới thiệu, phổ biến một số VBQPPL trong lĩnh vực thuế bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 31/2012/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2012/QH13.

Tham dự Hội nghị có Phó chủ tịch Nguyễn Thị Liên Hoa, Diễn giả Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế Bộ Tài chính và toàn thể cán bộ, công chức thuộc Ủy ban.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Phụng đã trình bày khái quát một số điểm mới trong ba văn bản Luật thuộc lĩnh vực thuế vừa được Quốc hội thông qua.

Luật Thuế TNCN số 26/2012/QH13 (ban hành ngày 1/7/2013)

(i). Về mức giảm trừ gia cảnh (Khoản 4, Điều 1): Điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng; bổ sung quy định khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

(ii) Sửa đổi về phạm vi, đối tượng chịu thuế:
a) Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công và “trợ cấp mang tính bảo trợ xã hội và các khoản trợ cấp, phụ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ”; b) Bổ sung về thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản dưới mọi hình thức” vào diện thu nhập từ chuyển nhượng BĐS; c) Thuế TNCN đối với tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng và khoản đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện của cá nhân; d) Không tính vào thu nhập tính thuế của cá nhân đối với khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp.

(ii) Sửa đổi quy định về kỳ tính thuế và quyết toán thuế: Bỏ quy định cá nhân có hoạt động chuyển nhượng chứng khoán phải đăng ký phương pháp tính thuế từ đầu năm với cơ quan thuế.

Luật Thuế giá trị gia tăng GTGT số 31/2012/QH13:1

(i) Về đối tượng không chịu thuế: Bổ sung thêm đối tượng không phải chịu thuế; dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư chịu thuế GTGT 10%; Chuyển căn cứ để xác định hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh có thu nhập thấp sang tiêu thức doanh thu.

(ii) Về giá tính thuế: Bổ sung quy định giá tính thuế GTGT đối với hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường.

(iii) Bổ sung về thuế suất thuế GTGT: áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội và nguyên tắc xác định hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu áp dụng thuế suất 0% là hàng hoá, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, tiêu dùng trong khu phi thuế quan và hành hoá, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

(iv) Về ngưỡng đăng ký nộp thuế GTGT và phương pháp tính thuế: a) phương pháp khấu trừ: bổ sung quy định ngưỡng doanh nghiệp có doanh thu 1 tỷ đồng/năm trở lên để áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT. Doanh nghiệp có doanh thu dưới ngưỡng 1 tỷ đồng/năm phải nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, trừ trường hợp có đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp này. Điều kiện đăng ký tự nguyện để áp dụng phương pháp khấu trừ sẽ giao Chính phủ quy định. b) Về phương pháp tính trực tiếp trên GTGT: Bổ sung quy định cách tính thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với từng lĩnh vực cụ thể.

(v) Bổ sung về khấu trừ thuế GTGT: khấu trừ thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hoá, dịch vụ bị tổn thất; bỏ khống chế thời hạn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào tối đa là 6 tháng trong trường hợp có sai sót kể từ tháng phát sinh hóa đơn; bỏ quy định thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ.

Bên cạnh đó, luật cũng sửa đổi một số nội dung liên quan đến hoàn thuế GTGT; giải pháp giảm thuế GTGT nhằm hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà ở và thị trường BĐS; Bỏ quy định về giá tính thuế đối với hoạt động cho thuê lại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải của nước ngoài loại trong nước chưa sản xuất được trừ giá thuê phải trả cho nước ngoài; Bổ sung 7 nội dung đã và đang được thực hiện ổn định, được quy định tại Nghị định của Chính phủ vào Luật.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Riêng quy định áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội thực hiện sớm hơn từ ngày 01/7/2013.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2012/QH13


(i) Về thu nhập chịu thuế: bổ sung vào thu nhập chịu thuế đối với: thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư; chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; chuyển nhượng quyền góp vốn, quyền tham gia dự án đầu tư; đồng thời loại khoản "hoàn nhập dự phòng" khỏi thu nhập khác

(ii) Về thu nhập được miễn thuế: bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với một số loại thu nhập ở vùng khó khăn (Ví dụ: sản xuất muối của hợp tác xã; HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thực hiện ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn; hoạt động đánh bắt hải sản;…)

(iii) Sửa đổi một số quy định về xác định thu nhập tính thuế và chuyển lỗ đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS và một số khoản thu nhập mới phát sinh

(iv) Bổ sung một số khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

(v) Về thuế suất: Quy định mức thuế suất phổ thông mới là 22% và DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ 01/7/2013. Từ ngày 01/01/2016, mức thuế suất phổ thông là 20% và mức thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17%.

(vi) Sửa đổi một số điểm về ưu đãi thuế: Về đối tượng ưu đãi thuế; sửa đổi về lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế; Quy định rõ lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường mà DN được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trên phần thu nhập từ thực hiện hoạt động xã hội hoá là lĩnh vực xã hội hoá.

Ngoài ra, Luật cũng sửa đổi một số vấn đề liên quan đến cơ sở thường trú; ưu đãi thuế mới đối với đầu tư mở rộng; Bổ sung quy định dẫn chiếu về mức trích tối thiểu quỹ phát triển khoa học và công nghệ đối với DN Nhà nước; Quy định cụ thể một số khoản thu nhập không được ưu đãi thuế và nguyên tắc ưu đãi thuế

Luật cũng bãi bỏ một số điều về thuế TNDN tại một số Luật khác.

Luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2014. Riêng một số điều của Luật có hiệu lực từ 1/7/2013 để hỗ trợ kịp thời cho DN.

Theo CafeF
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo