Ba quỹ mở trái phiếu phân hóa mạnh
MBBF tăng 2,4% trong 3 tháng rưỡi
Quỹ MBBF tỏ ra khá ổn định khi duy trì tăng trưởng đều đặn giá trị tài sản ròng (NAV) trong hơn 1 năm kể từ khi bắt đầu giao dịch tới nay, với kết quả tăng 8,2% trong 9 tháng năm ngoái và tăng 2,41% trong 3,5 tháng đầu năm nay.
Về chiến lược đầu tư, MBBF dường như chú ý nhiều đến các tài sản có lợi suất cao. Tính đến 31/12/2013, MBBF đã đầu tư khoảng 30% tổng tài sản vào trái phiếu Chính phủ bảo lãnh - loại tài sản có lãi suất cao hơn hẳn trái phiếu chính phủ, nhưng thanh khoản thấp hơn nhiều. Trong năm 2014, Quỹ dự kiến phân bổ thêm một phần tài sản vào trái phiếu doanh nghiệp - cũng là loại tài sản có lợi suất cao hơn nhiều so với hai loại trái phiếu nêu trên, nhưng thanh khoản kém và định giá khó khăn.
Bản thân MBBF thừa nhận, Quỹ có lợi thế là quỹ của Công ty MBCapital thuộc sở hữu của Ngân hàng Quân đội - ngân hàng nhóm đầu trên thị trường trái phiếu - nên có thể kết hợp với ngân hàng để tham gia các lô giao dịch có lãi suất tốt.
Có ý kiến nghi ngờ về độ bền vững của chiến lược này do Quỹ dựa vào ngoại lực nhiều, nhưng kết quả thực tế cho thấy, MBBF vẫn tăng trưởng đều đặn suốt 13 tháng qua và Quỹ vẫn đang thực hiện được mục tiêu đưa trái phiếu - kênh đầu tư vốn dĩ chỉ dành cho các tổ chức tài chính lớn - đến với nhà đầu tư nhỏ.
Đây cũng là quỹ duy nhất đưa ra một mục tiêu cụ thể cho tăng trưởng của năm 2014, với mức tăng 8,5 - 9%, so với lãi suất tiết kiệm 12 tháng hiện là 6,5 - 7,5%.
VFF tăng 1,3% trong 4 tháng
Giao dịch cùng thời điểm với MBBF, nhưng Quỹ VFF của VinaWealth vẫn đang trầm lắng. Trong 3 tháng đầu năm, Quỹ đã bật lên ngang với MBBF, nhưng đến cuối tháng 4 lại giảm trở lại, với kết quả tăng 1,34%.
Giống MBCapital, VinaWealth cũng có quan hệ chặt chẽ với một tổ chức lớn là VinaCapital nên hoàn toàn có khả năng tham gia những lô giao dịch trái phiếu quy mô nhỏ nhưng có lợi suất tốt và thanh khoản. Nhưng VFF tỏ ra thận trọng hơn, cụ thể là VFF quyết định trước mắt không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Đặng Vị Thanh, người công bố thông tin của VinaWealth cho biết, đã có những đề xuất của cổ đông đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp để hưởng lợi suất cao hơn, nhưng Ban đại diện Quỹ đánh giá, đây là loại tài sản sẽ gặp rủi ro cao về thanh khoản, bởi Việt Nam hầu như chưa có thị trường này.
Cả ngân hàng giám sát của Quỹ cũng đánh giá rằng, trái phiếu doanh nghiệp rất khó định giá do hầu như không có giao dịch thứ cấp, trong khi quỹ mở phải đánh giá NAV hàng tuần.
"VFF sẽ tìm kiếm thêm cơ hội ở cổ phiếu, tỷ lệ phân bổ có thể trên 10%", ông Thanh cho biết thêm. Nhưng về cơ bản, trong năm 2014, VFF sẽ phân bổ tối thiểu 80% vào trái phiếu và 20% vào tiền mặt để đảm bảo thanh khoản. VFF đặt mục tiêu sinh lời cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
VFB tăng gần 5% trong 4 tháng
Quỹ VFB của VFM có thể gây bất ngờ cho nhà đầu tư với diễn biến tăng trưởng NAV của mình. Quỹ chỉ tăng rất thấp 2,5% trong nửa cuối năm 2013, nhưng lại bật tăng 4,97% trong 4 tháng đầu năm 2014. Diễn biến này sẽ dễ hiểu hơn nếu biết chiến lược của VFB là bám sát thị trường.
Không giống như hai tổ chức nêu trên, VFB không có một tổ chức tài chính lớn kết hợp. Với quy mô chưa đầy 80 tỷ đồng, khả năng của Quỹ để đa dạng hóa danh mục hoặc thường xuyên thay đổi danh mục thấp hơn. Nhưng bù lại, VFB tập trung hoàn toàn vào trái phiếu chính phủ - loại tài sản có thanh khoản cao nhất, đồng thời duy trì tần suất giao dịch thường xuyên.
Hồi tháng 12/2013, Quỹ đã chuyển đổi kỳ hạn trái phiếu đầu tư từ 2 năm sang 3 năm, đến tháng 2/2014, Quỹ thực hiện hợp đồng bán và mua lại (repo) trái phiếu 3 năm và đầu tư thêm vào trái phiếu 5 năm. Chiến lược này đã đem lại hiệu quả tốt cho VFB, bởi các trái phiếu kỳ hạn dài hơn liên tục giảm mạnh sau khi các trái phiếu kỳ hạn ngắn đã giảm quá sâu.
Cũng chính vì chiến lược bám thị trường này, VFB không đưa ra mục tiêu tăng trưởng tuyệt đối nào, thậm chí không đặt mục tiêu cao hơn lãi suất tiết kiệm, chỉ đặt mục tiêu sinh lời cao hơn chỉ số tham chiếu của thị trường trái phiếu chính phủ.
Thời gian gần đây, lợi suất trái phiếu tiếp tục giảm nhẹ, chưa có tín hiệu tăng mạnh trở lại do tăng trưởng tín dụng và cả lạm phát ở mức thấp. NĐT đang tỏ ra thận trọng đối với thị trường trái phiếu, do xu hướng lợi suất khó đoán định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo