Ba tàu cá gặp nguy hiểm do ở tâm áp thấp nhiệt đới
Sáng 4/6, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã có cuộc họp bàn cách đối phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông.
Áp thấp di chuyển chậm, giữ cấp 7
Sáng 4/6, tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa, sức gió tối đa 60 km/h, cấp 7, giật tăng một cấp. Do di chuyển chậm (5-10 km/h), lại chủ yếu theo hướng Bắc thay vì Bắc Tây Bắc như hôm qua, dự báo phải đêm nay hoặc sớm mai áp thấp nhiệt đới mới mạnh lên thành bão.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 7h ngày mai, tâm bão cách đảo Hải Nam khoảng 130 km về phía Nam, sức gió tối đa 75 km/h, cấp 8, giật tăng hai cấp. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80 km tính từ vùng tâm bão.
Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 14,5 đến 19 độ vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113 độ kinh Đông. Trong hai ngày tới, bão giữ hướng Bắc, duy trì tốc độ 5-10 km/h và đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng sớm 6/6.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục mưa rào và giông kèm lốc xoáy, gió giật mạnh.
Trên đất liền, áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mùa tây nam đã gây mưa từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ vào đêm qua, phổ biến 40-70 mm. Một số nơi mưa rất to như: Quảng Ngãi 178 mm, Ba Tơ 118 mm, An Khê (Gia Lai) 136 mm, Lý Sơn (Quảng Ngãi) 209 mm.
Dự báo 1-2 ngày tới, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục mưa vừa, có nơi mưa to. Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to và giông.
Về thông tin áp thấp nhiệt đới thứ hai có thể ảnh hưởng đến tàu thuyền, ông Cường nói: “Áp thấp nhiệt đới thứ hai theo dự đoán sẽ không đi vào biển Đông nên không ảnh hưởng đến đường tránh, trú bão của tàu thuyền”.
Còn 3 tàu ở tâm áp thấp nhiệt đới
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến 6h ngày 4/6, Biên phòng tỉnh thành ven biển đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu hướng dẫn cho hơn 51.560 tàu với trên 248.000 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp để chủ động phòng tránh. Một tàu mất liên lạc vào ngày 3/6 đã kết nối được với kiểm ngư.
Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản thông tin ba tàu với hơn 40 lao động đến 6h sáng nay vẫn nằm ở tâm áp thấp nhiệt đới. “Đề nghị Cục Kiểm ngư nhanh chóng liên lạc, hướng dẫn ba tàu này ra khỏi tâm áp thấp nhiệt đới. Việc tàu thuyền nằm ở tâm áp thấp nhiệt đới là cực kỳ nguy hiểm”, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai, chỉ đạo.
Để đối phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, ngày 3/6 các tỉnh thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã ban hành lệnh cấm biển. Hơn 2.000 khánh du lịch được yêu cầu ở lại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để đảm bảo an toàn. Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai cũng đã yêu cầu chính quyền huyện đảo tạo điều kiện cho du khách tránh bão.
Áp thấp nhiệt đới được hình thành từ một vùng thấp trên biển Đông ngày 1/6. Nếu mạnh lên thành bão, đây sẽ là cơn bão thứ ba trên biển Đông trong năm nay. Hai cơn bão đầu đều xuất hiện rất sớm, từ tháng 1-2.
Do ảnh hưởng của áp cao lục địa tăng cường kết hợp với hội tụ gió trên cao, đêm nay và sáng mai 5/6, vùng núi phía Bắc có mưa to và rải rác có giông. Trong cơn giông, người dân cần đề phòng tố lốc và gió giật mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo