Ba tháng triển khai gói 30.000 tỷ: Còn nhiều vướng mắc
Nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng e rằng tiến độ giải ngân không đáp ứng được nguyện vọng của xã hội.
Sau 3 tháng triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, tính đến cuối tháng 8/2013, có 299 khách hàng là cá nhân được cam kết cho vay, với tổng số tiền 93,6 tỷ đồng; 3 doanh nghiệp được xác nhận cho vay số tiền 708 tỷ đồng. Mặc dù những vướng mắc trong thực tế đã được các cơ quan chức năng xác nhận và tìm giải pháp tháo gỡ, song nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ ngành, địa phương, tiến độ giải ngân vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội.
Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, vướng mắc về thủ tục, quy định xác nhận về tình trạng nhà ở và nơi ở tạm trú, thường trú, đặc biệt là việc thế chấp tài sản cho vay là những trở ngại lớn nhất trong việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Hầu hết các ngân hàng chấp nhận việc nhận căn hộ mua của khách hàng làm tài sản thế chấp. Tuy nhiên khi làm thủ tục, một số văn phòng công chứng không công chứng là tài sản hình thành từ vốn vay.
Ông Trần Lục Lang, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV nhận định: “Hiện nay còn vướng ở bên Bộ Tư pháp, công chứng hợp đồng. Chúng tôi phải ký hợp đồng tay 3 giữa chủ đầu tư, người vay và ngân hàng. Bộ Tư pháp đồng ý giao các phòng công chứng công chứng hợp đồng này sẽ đẩy nhanh được tiến độ. Còn phần hướng dẫn của Bộ Xây dựng đối với các cá nhân được xác nhận của chính quyền địa phương, thực hiện được việc kí hợp đồng, người mua phải chịu trách nhiệm pháp lý về mặt đối tượng, còn ngân hàng chỉ chịu trách nhiệm thẩm định về khả năng trả nợ, xác định thời hạn cho vay, số tiền cho vay và phân kỳ trả nợ”.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: những quy định xử lý rủi ro vẫn là vướng mắc lớn nhất để ngân hàng xem xét cho khách hàng cá nhân vay tiền. Chẳng hạn, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp đầy đủ sổ đỏ. Tuy nhiên, các dự án nhà thu nhập thấp mới được hình thành từ 2-3 năm nay, một số ít mới hoàn thành bàn giao, việc giải quyết thủ tục làm sổ đỏ còn có độ trễ.
Thực tế, các dự án nhà ở xã hội ở các địa phương như Hải Phòng, Cần Thơ, các tỉnh miền Tây Nam Bộ…đều chưa có sổ đỏ, nên theo ông Thành, không thể yêu cầu sổ đỏ làm điều kiện tiên quyết. Nếu không có sổ đỏ, ngân hàng lại yêu cầu nếu khách hàng không trả được nợ, chủ đầu tư phải mua lại căn hộ đó. Trong khi hiện tại chưa có văn bản nào quy định như vậy. Hơn nữa, khi giải quyết việc chủ đầu tư mua lại sẽ phát sinh rất nhiều thủ tục mua bán phức tạp.
“Chúng tôi có đề xuất với các ngân hàng là chúng ta ký hợp đồng tay ba, trong đó chủ đầu tư cam kết trách nhiệm thu hồi lại căn hộ đó nếu như khách hàng không trả nợ đủ cho ngân hàng và có trách nhiệm trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng, theo 1 thời gian do 2 bên cùng thống nhất. Tuy nhiên, đề nghị của chúng tôi đến nay chưa ngân hàng nào đồng ý, nên khách hàng vẫn đang đợi ở cửa ngân hàng, chưa được kết nối. Còn ngân hàng cho những đối tượng nào vay, chúng tôi cũng không được biết danh sách cụ thể.” - ông Nguyễn Ngọc Thành nói.
Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đưa danh sách 59 dự án để các ngân hàng xem xét cho vay. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 doanh nghiệp được ngân hàng chấp nhận cho vay tiền, đã giải ngân cho 1 doanh nghiệp. Hầu hết các dự án đang trong quá trình làm thủ tục xây mới hoặc chuyển đổi sang nhà ở xã hội nên ngân hàng chưa có đủ cơ sở để thẩm định và quyết định cho vay, hoặc chưa có khối lượng hoàn thành để giải ngân.
Về tiến độ giải ngân còn chậm, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: Ngân hàng cũng chỉ là một mắt xích trong việc triển khai chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở của Chính phủ. Trong khi đó, tại một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng lại khẳng định: việc giải ngân gói 30.000 tỷ không được nóng vội, dễ dẫn đến không đúng đối tượng.
Sau 3 tháng triển khai, tổng số tiền, các ngân hàng cam kết cho vay đối với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp chưa đến 1.000 tỷ đồng. Nếu vẫn theo tiến độ này, liệu 4 tháng cuối năm có thể giải ngân được 4.000 tỷ đồng để đạt mục tiêu 5 nghìn tỷ?.
Nếu không có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cơ quan chức năng, các địa phương và ngân hàng thương mại để giải quyết các “nút thắt” này, người thu nhập thấp sẽ không còn niềm tin được vay tiền mua nhà từ gói tín dụng hỗ trợ của Chính phủ./.
Theo VOV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo