Bạc Liêu bác thông tin "đốt tiền... luộc trứng"
Bạc Liêu bác thông tin chi 2.000 tỷ đồng cho Festival Đờn ca tài tử nhưng không cung cấp con số cụ thể vì "chưa thống kê hết từ các tiểu ban".
Tại cuộc họp báo sáng 8/5, bà Cao Xuân Thu Vân - Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu - bác bỏ thông tin "chi 2.000 tỷ đồng cho Festival Đờn ca tài tử" mà dư luận đang quan tâm. Bà này khẳng định trong 26 hạng mục, công trình đã và đang thực hiện chỉ có 2 công trình phục vụ trực tiếp cho Festival Đờn ca tài tử là Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu ("3 nón lá") và Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Nguyên nhân chỉ định thầu 2 công trình này vì xây dựng quá gấp gút, sợ không kịp tiến độ nên xin ý kiến các bộ ngành trung ương và được đồng ý mới dám làm.
"3 nón lá không hoàn thành kịp Festival nên tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng đến năm 2016. Những công trình còn lại nếu không có Festival tỉnh cũng đầu tư vì đã lập dự án từ nhiều năm trước với mục đích sử dụng lâu dài nhằm phục vụ nhân dân", bà Vân nói.
Trả lời câu hỏi tổng chi phí cho các sự kiện tại Festival, người phát ngôn UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết chưa thống kê được vì còn phải tổng hợp từ các tiểu ban. Theo bà Vân, chi phí này chủ yếu sử dụng vốn kêu gọi xã hội hóa, khoảng vài chục tỷ đồng.
Hôm 7/5, bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I – Bạc Liêu 2014 cũng khẳng định là không có việc “chi hơn 2.000 tỷ đồng cho Festival Đờn ca tài tử”.
Theo bà Nam, Tỉnh ủy có chỉ đạo tập trung 26 hạng mục, công trình đã thực hiện trước đó để chào mừng sự kiện này, trong đó có 10 hạng mục, công trình của doanh nghiệp tư nhân đầu tư như: khu du lịch sinh thái Hồ Nam, khu du lịch Nhà Mát, cụm nhà công tử Bạc Liêu...
“Trong 16 hạng mục, công trình còn lại thì có hai hạng mục chỉnh trang đô thị nên không tính. Còn lại 14 công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thì chỉ có hai công trình phục vụ Festival đờn ca tài tử gồm: Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu - vốn đầu tư 222 tỉ đồng và dự án khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu với tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỉ đồng” - bà Nam nói.
Bà Nam cũng cho rằng các công trình khác như Trung tâm hội chợ triển lãm, các công trình phục vụ dân sinh như kè sông Bạc Liêu, tuyến đường vành đai ngoài, kè Nhà Mát... “đâu chỉ phục vụ festival mà còn phục vụ lâu dài”.
Với việc dư luận băn khoăn về công trình Trung tâm triển lãm văn học nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu sẽ không được khai thác hiệu quả và có cần thiết phải xây một nhà hát hoành tráng, bà Lê Thị Ái Nam giải thích: “Ngoài phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của dân, còn kết nối tour tuyến du lịch, kết hợp hội thảo, hội nghị”.
Bà cho biết dự án đã xong phần thô với tổng vốn khoảng 90 tỉ đồng. Công trình nón lá thứ nhất sẽ dùng để phục vụ việc bảo tồn, triển lãm văn hóa nghệ thuật phục vụ người dân, công trình nón lá thứ hai là nhà biểu diễn với sức chứa khoảng 800 người, nón lá thứ ba phục vụ hội nghị.
Trước đó, thông tin “Hơn 2.000 tỷ đồng chi cho Festival đờn ca tài tử” ở Bạc Liêu đã khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Theo thông tin đó, Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu (cụm công trình "3 nón lá") đầu tư đến 222 tỉ đồng không được sử dụng giờ nào trong Festival do xây dựng dở dang.
Quảng trường Hùng Vương trị giá 118 tỉ đồng; cột cờ quảng trường 383 triệu đồng; hệ thống đèn pha cao áp 3,7 tỉ đồng; hệ thống màn hình thông tin bằng đèn LED 3,4 tỉ đồng; hệ thống cây xanh khu vực quảng trường 4,5 tỉ đồng; sân phun nước nghệ thuật âm sàn và biểu tượng ba dân tộc 6,7 tỉ đồng; cây đờn kìm cách điệu 20 tỉ đồng…
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo