Bạc Liêu: Có cán bộ “quên” kê khai tài sản, tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp
Một huyện có 17 cán bộ “quên” kê khai tài sản
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2018 (báo cáo số 184) do Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung ký cho biết, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 57 cơ quan và 4.845 người phải kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó, có 4.826 người đã kê khai, còn 19 người không kê khai.
Đáng chú ý, UBND huyện Phước Long có đến 17 không kê khai nhưng không có lý do. “UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Phước Long tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định, báo cáo trước ngày 7/5/2018. Tuy nhiên, đến nay huyện Phước Long vẫn chưa có văn bản báo cáo”, báo cáo 184 thông tin.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, qua công tác kê khai tài sản cho thấy, một vài đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm, chú trọng công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; số liệu báo cáo chưa chính xác, việc công khai còn mang tính hình thức.
“Đến nay chưa thực hiện việc xác minh tài sản thu nhập của các đối tượng kê khai nên chưa phát hiện trường hợp không trung thực trong minh bạch tài sản, thu nhập”, báo cáo 184 nêu rõ.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh chưa có vụ việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng thuộc phạm vi quản lý, phụ trách. Tỉnh cũng chưa phát hiện trường hợp cán bộ, công chức, viên chức nào nhận quà và nộp lại quà tặng đã nhận.
Nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng
Báo cáo 184 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành Thanh tra đã triển khai 24 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 2 cuộc đột xuất tại 26 đơn vị. Qua đó, phát hiện 5 đơn vị vi phạm, với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi hơn 1,3 tỷ đồng; kiến nghị chấn chỉnh hơn 400 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 5 cá nhân.
Ngoài ra, Thanh tra các Sở, Ban ngành cũng đã tổ chức 189 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành tại 768 tổ chức, cá nhân. Qua đó, phát hiện 421 tổ chức, cá nhân vi phạm; xử phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu không khởi tố điều tra vụ án mới về tham nhũng. Tuy nhiên, đang tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ 2 tin báo có liên quan đến tham nhũng. Đồng thời, Cơ quan điều tra Công an huyện Đông Hải đang điều tra làm rõ 1 vụ.
Trong đó, vụ có dấu hiệu “Tham ô tài sản” xảy ra tại trường Trung cấp VHNT Bạc Liêu, thiệt hại tài sản hơn 1 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 290 triệu đồng; vụ có dấu hiệu “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ban quản lý Xây dựng dân dụng và Công nghiệp tỉnh Bạc Liêu, với đối tượng là Lê Bá Cường, thiệt hại tài sản khoảng 700 triệu đồng, đã thu hồi 700 triệu đồng.
Vụ “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra vào năm 2014 tại UBND thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải), với đối tượng là Huỳnh Văn Tỏ. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can vào ngày 1/4/2018 và đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, chờ kết quả giám định bổ sung.
Báo cáo cũng cho biết, TAND 2 cấp tỉnh Bạc Liêu thụ lý giải quyết 4 vụ, với 8 bị cáo liên quan đến tội danh tham nhũng.
Cụ thể, vụ “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ban quản lý dự án Xây dựng dân dụng và Công nghiệp tỉnh Bạc Liêu, với bị cáo Bạch Thu Loan, số tiền tham ô hơn 1,3 tỷ đồng, đã khắc phục 10 triệu đồng, xử phạt 16 năm tù.
Vụ “Lạm quyền trong thi hành công vụ” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân chi nhánh Bạc Liêu, với các bị cáo: Quách Lạc, Nguyễn Thanh Hậu và Trần Thanh Hoa. Tháng 10/2017, TAND tỉnh đã trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung, với lý do cần điều tra truy tố các bị cáo về tội “Tham ô tài sản”.
Vụ “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu) với các bị cáo: Lê Trung Kiên, Ngô Văn Tá và Bùi Mạnh Hòa. Tháng 3/2018, TAND tỉnh đã trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Vụ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” xảy ra tại trường THPT Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), với bị cáo Châu Cẩm Phiến. Tháng 2/2018, TAND huyện Hồng Dân đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo 3 tháng 28 ngày tù giam.
Hình phạt tham nhũng chưa nghiêm khắc
Từ những vụ việc trên, UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp phòng ngừa tham nhũng và công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh một số vụ án liên quan đến tham nhũng đã có tác dụng răn đe và hạn chế tham nhũng.
“Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn đối với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng sách nhiễu, gây phiền hà ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị. Trong đó, quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, ngân hàng, tài chính ngân sách, vốn và tài sản tại một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước là những lĩnh vực dễ xảy tham nhũng”, UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định.
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng tuy trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đã được nâng lên, nhưng hành vi tham nhũng hiện nay tinh vi, phức tạp nên quá trình thanh, kiểm tra chưa phát hiện hoặc đối tượng có hành vi tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội.
“Chính sách pháp luật liên quan phòng, chống tham nhũng nói riêng chưa được hoàn thiện, thiếu đồng bộ; chính sách hình sự hóa hành vi tham nhũng còn thiếu kiên quyết; các hình thức kỷ luật và hệ thống hình phạt đối với hành vi tham nhũng chưa nghiêm khắc, chưa tương xứng với mức độ nguy hại cho xã hội,… là những nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên