Pháp luật

Bài 2: Nguy cơ từ việc xử phạt “nhất bên trọng, nhất bên khinh” rất đáng khả nghi…?

(DNVN) - Kỳ trước, Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam đã đăng tải bài: Nghệ An: Doanh nghiệp “sống chết mặc bay” phản ánh về thái độ thờ ơ, vô cảm của của các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Nghệ An trước thiệt hại nặng nề không đáng có của những doanh nghiệp bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản và nghi ngờ về sự minh bạch; về trách nhiệm, phương pháp và hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan chức năng của địa phương trong lĩnh vực này.

LTS: Kỳ này, chúng tôi tiếp tục khẳng định, dư luận đồng tình về việc xử lí nghiêm khắc sai phạm trong khai thác khoáng sản và không ai dung túng cho sai phạm!. Nhưng, dư luận đặt câu hỏi rằng, cơ quan quản lí nhà nước về khoáng sản ở đây có thực sự vì mục đích lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản không? Vì sao Sở TNMT lại tham mưu cho tỉnh ra những quyết định xử phạt “nhất bên trọng, nhất bên khinh” như vậy? Và, nguy cơ của những quyết định khó hiểu này sẽ ra sao?

Bài viết này xin thông tin một số nội dung liên quan để bạn đọc rộng đường dư luận.

Những quyết định xử phạt rất đáng khả nghi (?)

Quyết định  xử phạt hành chính của một số doanh nghiệp khai thác đá trắng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, ngoài hình thức phạt tiền thì có 7 doanh nghiệp còn chịu hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản thời hạn 6 tháng; đồng nghĩa với việc 7 doanh nghiệp này phải dừng toàn bộ hoạt động, chuyển hết  thiết bị, máy móc  ra khỏi khai trường; thiệt hại vô cùng nặng nề như chúng tôi đã phản ánh ở các kỳ trước.

Thiết bị khai thác của các doanh nghiệp do Bộ TNMT cấp phép đã được tập kết.

Thế nhưng, cũng tại khu vực khai thác này, hàng chục doanh nghiệp khác cùng một lỗi vi phạm thì chỉ bị phạt tiền mà không chịu hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép. Nhiều chủ doanh nghiệp phản ánh với chúng tôi rằng, lỗi vi phạm  khai thác không đúng với thiết kế thì đơn vị nào cũng “dính” và diễn ra từ lâu.

Nếu lỗi vi phạm này mà bị tước quyền sử dụng giấy phép thì hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn đều chung số phận. Vậy mà, chỉ có 7 doanh nghiệp bị xử phạt mạnh tay, tước quyền sử dụng giấy phép; đình chỉ hoạt động cả những điểm không vi phạm; còn các doanh nghiệp khác, cùng lỗi vi phạm thì chính quyền lại nhẹ tay.

Đáng chú ý và đáng khả nghi là: 7 doanh nghiệp bị xử phạt mạnh tay, tước quyền sử dụng giấy phép đều do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép; ngược lại, hàng chục doanh nghiệp  khác được xử phạt nhẹ tay (không tước giấy phép) là do tỉnh cấp giấy phép. Tại sao lại có sự bất bình đẳng, “nhất bên trọng, nhất bên khinh” như vậy?.

Thực tế này khiến dư luận nghi ngờ rằng, phải chăng một số quan chức Sở TNMT Nghệ An đã  được các doanh nghiệp (do địa phương cấp phép) “chăm sóc” chu đáo từ khi làm thủ tục  cấp phép nên được “ưu ái”, nhẹ tay, châm chước các sai phạm?.

Dư luận cũng khả nghi rằng, biết đâu, Sở TNMT cố tình tham mưu cho UBND tỉnh nhằm “triệt hạ” các đối thủ cạnh tranh (các doanh nghiệp Bộ cấp phép) tạo ưu thế thị trường cho các doanh nghiệp được tỉnh cấp phép? Và biết đâu, Sở TNMT cố tình “dằn mặt” để các doanh nghiệp được Bộ cấp phép đến “gõ cửa” mới xong?.

 

Nguy cơ xảy ra sự cố mỏ càng cao

Ngay trên cùng địa bàn các xã Châu Hồng và Hợp Tiến, PV Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam và Doanh nghiệp & Hội nhập ghi nhận được một số doanh nghiệp hoạt động theo giấy phép của Bộ TNMT cấp đều đã chấp hành Quyết định xử phạt của UBND tỉnh, đưa máy móc, thiết bị ra khỏi điểm khai thác về nơi tập kết.

Trong khi một số doanh nghiệp “hàng xóm” (do tỉnh cấp phép) vẫn đang tiếp tục khai thác đá. Do các quyết định xử phạt “Nhất bên trọng, nhất bên khinh” như vậy nên nguy cơ sự cố mỏ mất an toàn sản xuất của chính các doanh nghiệp đang hoạt động là rất cao, khó lường.

Khảo sát thực tế ở khu vực này nhóm  PV ghi nhận được những điểm bị dừng khai thác đá rất cần biện pháp gia cố, đưa khai trường vào trạng thái an toàn để ngăn ngừa sự cố phát sinh.

Thế nhưng do đã bị dừng toàn bộ hoạt động nên doanh nghiệp có muốn cũng không thể tiến hành các thao tác kỹ thuật để sửa, mặc dù nhiều điểm sai phạm việc khắc phục không mất nhiều thời gian. Ngay bên cạnh, các doanh nghiệp không bị đình chỉ vẫn tiến hành khai thác, nếu sự cố xảy ra trên khu vực đang bị đình chỉ, gây thiệt hại cho cả hai phía thì ai chịu trách nhiệm?. Hậu quả của việc “mạnh tay” với sai phạm lại dẫn tới nguy cơ mất an toàn cao hơn.

 

Trao đổi với nhóm PV, nhiều chủ doanh nghiệp và chính lãnh đạo UBND huyện sở tại cũng đồng tình với việc xử phạt của UBND tỉnh và mong muốn các sai phạm này nhanh chóng được khắc phục để sớm đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại. 

Quan điểm chung ở đây là doanh nghiệp có sai phạm thì phải được xử phạt hành chính nghiêm khắc; có yêu cầu cụ thể về hướng khắc phục, thời gian khắc phục, dưới sự giám sát, nghiệm thu cụ thể, rõ ràng của cơ quan chức năng. Không nhất thiết phải dừng hoạt động của doanh nghiệp một cách khiên cưỡng, khó đạt mục tiêu như ban đầu đặt ra, gây hậu quả nghiêm trọng cho tất cả các bên liên quan.

Thật đáng tiếc, đã gần 2 tháng trôi qua kể từ khi hàng loạt doanh nghiệp bị dừng hoạt động, vẫn chưa có cơ quan chức năng nào chỉ đạo cụ thể, rốt ráo việc khắc phục và cũng chưa biết khi nào doanh nghiệp mới được khắc phục?

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Nên đọc


Minh Cao – Thái Hà
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo