Tin tức - Sự kiện

Bãi biển Phú Quốc thả nổi việc cứu hộ, cứu nạn

Các bãi biển Phú Quốc (Kiên Giang) trải dài khắp đảo, mỗi ngày có hàng ngàn du khách tắm biển nhưng chưa có đội cứu nạn chuyên nghiệp nên hầu như năm nào cũng có chết đuối.

Các bãi tắm ở Phú Quốc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho du khách, nhưng địa phương đang loay hoay chuyện lập đội cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp - Ảnh: P.Nguyên

Chính quyền lúng túng, loay hoay trong việc này, còn doanh nghiệp kinh doanh khách sạn người lo người không...

Doanh nghiệp tự lo

 Việc khảo sát các bãi tắm, bãi biển trên địa bàn cũng chưa có đơn vị nào làm, hầu hết doanh nghiệp tự tìm hiểu những khả năng có thể xảy ra tai nạn cho du khách và tự cảnh báo

Ông NGUYỄN PHƯỚC NGHĨA (phó trưởng Phòng Văn hóa và thông tin huyện Phú Quốc)

Hầu như năm nào tại các bãi biển Phú Quốc cũng có người chết đuối. Những tháng gần đây có đến bốn trường hợp bị nạn, trong đó có cả người cứu nạn. Cụ thể, ngày 16-6, du khách N.M.D. (51 tuổi, đến từ Hà Nội) tắm tại bãi biển Bà Kèo bị sóng cuốn trôi.

Anh N.T.H. (33 tuổi) - một bảo vệ của khách sạn gần đó - bơi ra cứu nạn nhân cũng bị thiệt mạng. Hơn 8g ngày 22-6, chị N.K.T. (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) tắm ở khu vực bãi biển Bà Kèo cũng bị sóng biển cuốn trôi, đến sáng hôm sau lực lượng cứu hộ mới phát hiện thi thể chị T. bị sóng đánh dạt vào bờ...

Thực tế cho thấy du khách đến ở tại các khách sạn ven bãi biển Bà Kèo thường xuống biển tắm bất cứ lúc nào. Không ít trường hợp đã được bảo vệ khách sạn ngăn cản khi thấy sóng to gió lớn nhưng vẫn lén xuống biển tắm hoặc lội đi tắm ở những bãi tắm của nhà nghỉ khác gần đó.

Phần lớn khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở đây đều tự lập tổ cứu nạn với một vài người hoặc trưng dụng bảo vệ làm luôn nhiệm vụ cứu nạn. Lực lượng này không được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ cứu nạn, sơ cấp cứu.

Chị Nguyễn Thị Huệ, trưởng phòng hành chính khách sạn Sài Gòn - Phú Quốc, cho biết khách sạn đã lập đội cứu nạn cứu hộ riêng từ năm 2000.

“Đội gồm bảy người thay phiên ba ca túc trực bãi biển từ 6g-19g mỗi ngày. Sau thời gian này, chúng tôi cắm cờ báo hiệu không cho khách xuống tắm. Trên bờ trang bị đầy đủ phao dây, áo phao, phao tròn, hằng ngày cập nhật thời tiết để theo dõi” - anh Trần Hoàng Khai, đội trưởng cứu nạn của khách sạn, cho biết.

Không được như khách sạn vừa nêu, tại nhiều khách sạn khác, việc cứu nạn khá lỏng lẻo khi để xảy ra tai nạn đối với du khách. Lực lượng cứu nạn tại các khách sạn này mỏng, không có chuyên môn, chủ yếu chỉ là người biết bơi trông coi bãi tắm.

Chị Đặng Thị Ngọc Quyên, nhân viên khách sạn Ngàn Sao, cho biết tổ bảo vệ bãi biển có ba người, mỗi ca chỉ có một người làm việc, tất cả đều biết bơi nhưng chưa qua đào tạo chuyên môn về cứu hộ, cứu nạn, chỉ biết sơ cứu ban đầu.

“Khách sạn cần lớp đào tạo bài bản cho nhân viên cứu hộ nhưng ở địa phương không mở lớp, không cấp giấy chứng nhận” - chị Quyên nói.

Chính quyền lúng túng

Ông Nguyễn Phước Nghĩa, phó trưởng Phòng Văn hóa và thông tin huyện Phú Quốc, thừa nhận tại các bãi biển hiện nay chưa có đội cứu hộ chuyên nghiệp tại chỗ, du khách phải tự ý thức và tuân theo hướng dẫn của nhân viên các khách sạn, cờ phao báo hiệu của họ.

“Huyện có bàn về việc thành lập đội cứu hộ nhưng hiện vẫn chưa có lối ra vì đội này trực thuộc ai, kinh phí thế nào, cơ sở vật chất ra sao và cả con người nữa” - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho biết huyện có đội cảnh sát PCCC có chức năng cứu hộ, cứu nạn nhưng lực lượng này không thể túc trực tại bãi biển.

Trước thực trạng năm nào cũng có du khách chết đuối, ông Nghĩa cho biết phòng đã tham mưu cho UBND huyện ra văn bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ ven biển đảm bảo an toàn cho khách, tổ chức đội, tổ cứu hộ, cứu nạn trực thuộc đơn vị mình, đồng thời thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành này.

Tuy nhiên, một số cơ sở vẫn không quan tâm đến công tác cứu hộ, cứu nạn.

45 khách sạn, nhà nghỉ ven biển hiện nay rất cần được đào tạo bài bản về công tác cứu hộ, cứu nạn nhưng theo ông Nghĩa, đến thời điểm này tại địa phương chưa tổ chức bất kỳ lớp đào tạo chuyên môn nào cho doanh nghiệp.

“Huyện đã kiến nghị cấp trên mở lớp này từ nhiều năm nay nhưng không được vì cấp tỉnh không đủ thẩm quyền để cấp chứng chỉ cứu hộ, cứu nạn trên biển” - ông Nghĩa cho biết.

Cũng theo ông Nghĩa, mới đây huyện đã thống nhất được với một số trường nghiệp vụ, Tổng cục TDTT để tổ chức lớp cứu hộ, cứu nạn trên biển, dự kiến khai giảng ngày 22-9

Còn thượng tá Nguyễn Thanh Nhanh, trưởng Công an huyện Phú Quốc, cho biết các dự án khu nhà nghỉ, khách sạn được cấp phép không bao gồm bãi biển nên bãi biển thuộc sự quản lý của Nhà nước.

“Chính vì vậy mà thời gian qua có nhiều vụ chết đuối xảy ra nhưng không thể truy cứu trách nhiệm được ai, chỉ xem như tai nạn” - ông Nhanh nhấn mạnh.

Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo