Thị trường

Bài học đắt giá do phát triển nóng

Tại một số địa phương trên địa bàn Gia Lai như Chư Sê, Chư Pưh… hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng ngàn hộ nông dân.

Gần gấp 3 lần con số quy hoạch
Gia Lai từ lâu được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu của cả nước. Cây hồ tiêu đã giúp đổi đời bao nhiêu nông dân thoát nghèo, thậm chí trở thành nhiều tỷ phú, triệu phú chân đất, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Trong những năm 2014 đến 2016, giá hồ tiêu trên thị trường lên đỉnh điểm, với giá dao động trên dưới 200 triệu đồng cho mỗi tấn hạt. Trong khi đó, giá cà phê chỉ ở mức khoảng 35 triệu đồng/tấn hạt, chênh lệch giá giữa 2 loại nông sản này lên đến gần 6 lần; còn giá mủ cao su và một số loại nông sản khác rơi vào tình cảnh rớt thê thảm…

Hàng ngàn hộ dân tại Tây Nguyên điêu đứng vì tiêu chết.

Chính từ sự hấp dẫn đó, tại Gia Lai và gần như cả khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên cũng như một số địa phương miền Đông Nam bộ từ đó bắt đầu phát triển trồng tiêu một cách ào ạt, vượt kiểm soát so với quy mô, quy hoạch chung của từng địa phương đối với loại cây này.

Trước thực trạng đó, tại Gia Lai, để định hướng phát triển cây hồ tiêu một cách ổn định, từ lâu địa phương này đã xây dựng kế hoạch phát triển cây tiêu theo hướng bền vững. Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Gia Lai có diện tích cây hồ tiêu vào khoảng 6.000ha. Song đến năm 2017, diện tích hồ tiêu của Gia Lai đã gần gấp 3 lần con số quy hoạch, với hơn 16.300ha. Có thời điểm, người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu, trồng tiêu trên cả những diện tích có chất đất thổ nhưỡng không phù hợp với loại cây này…

Cũng trong thời gian này, giá hồ tiêu trên thị trường liên tục rớt giá. Điều đáng quan ngại là rủi ro đã được cơ quan chức năng địa phương, cũng như truyền thông cảnh báo nhưng nhiều người dân đã bất chấp.

Hệ lụy khó tránh khỏi

Thực tế cho thấy tại một số địa phương trên địa bàn Gia Lai như Chư Sê, Chư Pưh… hồ tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng ngàn hộ nông dân.

 

Từ năm 2015 đến nay, tổng diện tích hồ tiêu chết trên địa bàn 2 huyện Chư Pưh và Chư Sê khoảng 1.017 ha. Trong đó, huyện Chư Pưh 854ha (chết do già cỗi 212,5ha, sâu bệnh hơn 319ha và chết do hạn hán, bão lũ 321ha). Riêng Chư Sê có tỷ lệ diện tích cây hồ tiêu chết ít hơn với 163,2 ha, trong đó, chết do già cỗi 67 ha, sâu bệnh hơn 93 ha, chết do hạn hán 2,7ha.

Theo nhận định của chính quyền các địa phương, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiêu chết là do biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài, vườn không có bóng mát dẫn đến suy giảm sinh trưởng; kết hợp với các loại nấm và tuyến trùng tấn công không thể phục hồi. Cạnh đó, tại nhiều vườn cây canh tác lâu năm, người dân lạm dụng phân hóa học để tăng năng suất dẫn đến đất bị chai hóa và kháng thuốc.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê, theo quy hoạch toàn huyện có 3.500ha trồng tiêu, tuy nhiên hiện nay đã lên đến 3.750ha. Trong đó, có khoảng 100ha hồ tiêu trồng trên đất không phù hợp, đất trũng, đất ngập nước hoặc vùng đất không có nước tưới. Thực tế, có tới 400ha bị chết do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nắng hạn kéo dài, sâu bệnh, già cỗi. Những xã có diện tích hồ tiêu bị chết nhiều là xã Hbông, Ia Blang, thị trấn Chư Sê... Hiện nay, chính quyền huyện Chư Sê đang tổ chức rà soát, tổng hợp diện tích hồ tiêu bị chết, và con số này đang ngày càng nhiều lên…

Trước tình hình đó, lãnh đạo chính quyền tỉnh Gia Lai đã vào cuộc, chỉ đạo các ngành chức năng tổng hợp số liệu và có giải pháp hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất. UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương rà soát lại diện tích già cỗi, hạn hán, phân bón giả để khắc phục đất và tái canh cây hồ tiêu.

Đồng thời, phân loại nguyên nhân để chuyển đổi cây trồng, gắn liền với các DN tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng người dân tự phát trồng ồ ạt. Những diện tích hồ tiêu còn lại, cần tuyên truyền cho người dân nhận biết triệu chứng sâu bệnh, bón phân đúng liều, đúng thời vụ; áp công nghệ tưới nước tiết kiệm; xây dựng quy trình trồng cây hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGap.

 

Cùng với đó, trồng xen canh các loại cây phù hợp, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa có độ che phủ tốt, không cạnh tranh dinh dưỡng cũng như lây bệnh chéo; xác định cây hồ tiêu đầu dòng theo dõi, đánh giá chất lượng và nhân giống… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động bán phân bón giả và cây giống trôi nổi trên địa bàn.

Nên đọc
Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo