Tin tức - Sự kiện

Bài thuốc độc đáo: chữa gãy xương bằng thổi hơi trầu và đọc thần chú

Gãy xương thì bó bột, với những người già thì dù có bó bột xương cũng rất khó liền. Bài thuốc này thật sự quí giá dù nó chưa thể giải thích được bằng khoa học.

 

(laodong) Trong dân gian hiện nay vẫn còn lưu giữ rất nhiều những bài thuốc mà có lẽ chẳng một bác sĩ Tây y ở thế kỷ 21 nào thừa nhận. Thế nhưng, dù có thừa nhận hay không, có muốn tin hay không thì thực tế, những bài thuốc kỳ lạ ấy đã có công dụng với hàng nghìn người.

Mẹ con cụ Bùi Thị Quyết, Bùi Thị Hòa với bài thuốc chữa gãy xương chỉ bằng thổi hơi trầu và những câu thần chú là một ví dụ sinh động. Hơn hai mươi năm nay, mẹ con bà đã mang bài thuốc gia truyền để làm phúc cho thiên hạ, bởi với họ, điều kỳ lạ ấy đơn giản là “lộc của giời”.

Người bệnh liền xương mà không cần thuốc

Nhà cụ Bùi Thị Quyết (xóm Mỏ Ngô, xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) không nằm gần đường cái quan, không có bạt ngàn thuốc nam, cũng chẳng có ai là bác sĩ cả. Thế nhưng nhiều năm qua, người Mường ở Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã quen với việc hễ gãy xương là tìm đến nhà nhờ cụ thổi hơi trầu, đọc thần chú để chữa trị.

Chỉ riêng xã Hợp Thành thôi cũng không thể kể hết những người đã liền xương nhờ bài thuốc của cụ. Bà Bùi Thị Ký là người cùng xóm Mỏ Ngô, cách đây đã lâu bà từng bị gãy cổ tay trái, con cháu đưa bà đến bệnh viện để các bác sĩ băng bó tay cho bà. Nhưng các bác sĩ cũng bảo, ở cái tuổi đã quá lão hóa thế này rồi thì xương của bà chẳng có nhiều hy vọng để liền lại được đâu. Bà Ký về nhà với cái tay trái sưng u lên, đau nhức không thể nào ngủ được. Bà bước thấp bước cao đến nhà cụ Quyết nhờ cụ thổi trầu, thế mà chỉ sau 3 ngày, cái tay sưng phồng của cụ đã xẹp hẳn, cơn đau cũng dịu đi nhiều phần.

Ông Bùi Văn Sơn là người cùng xã Hợp Thành, ông đến gặp cụ Quyết với cái xương sườn bị rạn do bò húc. Thế mà chỉ đến nhà cụ ba bận, ông đã lại dong bò ra bãi như bình thường. Tiếng lành đồn xa, từ ngày ấy, không chỉ người Hợp Thành, mà bà con khắp các xã trong huyện Kỳ Sơn, rồi khắp nhiều nơi trên cả nước đều tìm đến cụ mỗi lúc gặp rắc rối về xương; nhiều người ở xa, gãy xương nặng còn đưa cả xe con đến rước cụ đi chữa bệnh.

Có một ca gãy xương rất nặng mà cụ Quyết không thể quên được, ấy là trường hợp của anh Trần Văn Thành ở Hà Đông (Hà Nội). Anh Thành đến nhà cụ trên chiếc cáng, lúc ấy anh Thành đang trong trạng thái hôn mê nặng. Anh bị tai nạn gãy xương bả vai và xương đùi. “Bắt” được những đoạn xương gãy của anh Thành rồi, cụ động viên gia đình: “Cứ ở lại đây với mế, một mùa trăng thôi là xương của cháu sẽ liền lại như bình thường.” Thế là đều đặn, cứ ba ngày một lần, cụ Quyết kính cẩn đỡ đĩa trầu trên ban thờ xuống, bỏm bẻm nhai rồi thổi phù phù vào những khúc xương bị gãy của anh Thành. 

Mỗi “liều thuốc” của cụ là một miếng trầu, và cứ ba ngày lại thổi ba lần như thế. Anh Thành thấy đỡ đau từng ngày, chưa hết một mùa trăng anh đã cảm thấy rất rõ rằng, những đoạn xương gãy khục từng làm anh đau đớn đã bắt đầu liền. Sau đúng một mùa trăng, anh Thành đi lại khắp trong nhà, ngoài ngõ nhà cụ Quyết, vừa đi vừa sờ nắn cái xương đùi, cái xương bả vai như thể được ban tặng một phép màu. Nắm bàn tay nhăn nheo của cụ Quyết, anh Thành rưng rưng: “Không gặp được mế, chắc con chẳng còn được sống đến ngày hôm nay”.

Cụ bà Quách Thị Con ở xã Dân Hạ (huyện Kỳ Sơn) có lẽ là bệnh nhân đặc biệt nhất của phương thuốc lạ kỳ này. Bởi cụ Con sinh năm 1916, đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Mới hai tháng trước, cụ Con trượt ngã ở cái góc giếng bên chái nhà. Xương người già giòn như… khúc mía, cụ bị nứt xương cụt, đau đớn vô cùng, suốt mấy ngày dài, cụ chỉ có thể nằm nghiêng. Các con cháu cụ tìm đến nhà bà Đinh Thị Hòa (là con gái của cụ Quyết - người duy nhất trong gia đình học được phương pháp chữa bệnh đặc biệt này), nhờ bà sang thổi trầu giúp cụ Con. Sau 2 cữ trầu, cụ Con đã bớt đau thấy rõ, các con cháu không còn thấy cụ rên rẩm như năm hôm trước nữa.

Bài thuốc bí truyền đến từ rừng xanh núi đỏ

Chúng tôi đem cái cách chữa bệnh kỳ lạ, tưởng như… hoang đường của mẹ con cụ Quyết hỏi bà trạm trưởng trạm y tế Hợp Thành – bà Nguyễn Thị Nhung. Bà Nhung dè dặt: Với khả năng của tôi, tôi không dám và cũng không thể lý giải được bản chất việc thổi trầu, đọc thần chú của cụ Quyết là thế nào. Phương pháp của cụ có hiệu quả ra sao, hiệu quả vì đâu thì có lẽ phải nhờ các nhà khoa học vào cuộc. Thế nhưng có một điều mà tôi chắc chắn là từ trước đến nay, chúng tôi chưa từng nghe nói cụ Quyết chữa bệnh lừa đảo, gây mất an ninh trật tự địa phương hay vì tiền nong gì, cụ chữa bệnh không đòi hỏi trả công, ai thành tâm dăm ba nghìn cũng được, mà không có cũng chẳng sao. Và một điều chắc chắn nữa là, đã có rất nhiều người bị gãy xương, rạn xương, dù nặng hay nhẹ đều khỏi nhờ phương pháp chữa trị của cụ.

Ông Nguyễn Bá Bờm là người xã Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn), ông cũng đã được cụ thổi trầu, đọc thần chú như thế. Cái lần ông Bờm đi lấy gỗ trên rừng, ông bị cả một thân gỗ đè lên người, một bên mông của ông vừa bị gãy, vừa giập nát. Các con khiêng ông đến xóm Mỏ Ngô nhà cụ Quyết, ông thấy cụ chỉ lấy trầu nhai rồi thổi vào vết thương của mình, ông chán nản nghĩ: “Thế này thì khỏi làm sao được”? Thế mà chỉ một tuần sau ông đã không thấy nhức, da thịt cũng đã lành. Sau một tháng ông Bờm đi lại được, khi ông đi kiểm tra ở viện, kết quả chụp X-quang của ông là xương hông đã được nối liền.

Về phương thuốc bí truyền của gia đình mình, cụ Quyết kể rằng mẹ chồng cụ - cụ Quách Thị Ền - là con gái bản Dao ở mãi miền núi cao, còn cao hơn cả Hòa Bình, còn sâu, xa hơn cả cái xã cuối cùng của huyện Đà Bắc trong tỉnh cụ. Cụ Ền từ khi về làm dâu đất Kỳ Sơn là đã bắt đầu chữa các bệnh về xương cho bà con trong vùng. Khi cụ Quyết về làm dâu, cụ được các bô lão trong bản kể lại rằng thời chiến tranh, mẹ chồng cụ còn có khả năng thổi được cả những… mảnh đạn ra khỏi cơ thể người bị thương!


 
 
Bà Hòa đang đọc thần chú trước khi thổi trầu cho bệnh nhân.
 
 
Suốt những năm làm dâu cụ Ền, chưa bao giờ cụ Quyết thấy mẹ chồng nói đến việc truyền dạy lại bài thuốc kỳ lạ cho ai. Chỉ đến khi đã ở tuổi cổ lai hy, cụ Ền mới truyền lại cho cô con dâu Bùi Thị Quyết, khi đó cụ Quyết đã 60 tuổi. Chính cụ Quyết cũng rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao trong hơn mười người con, cả dâu, rể, trai, gái, cụ không truyền lại cho ai khác mà lại chọn cụ. Mãi sau này cụ Quyết mới biết là không ai nhập tâm được những câu thần chú dài dòng, phức tạp mà cụ Ền truyền lại. Chỉ riêng cụ Quyết - nàng dâu thứ 5 - là khắc cốt ghi tâm những câu thần chú ấy ngay từ lần đầu tiên được dạy. Cụ Ền bảo: “Còn phải do duyên giời nữa con ạ, không phải ai muốn học là cũng học được đâu”. Thế là từ bấy, cụ Quyết nối tiếp công việc của mẹ chồng.

Cụ Quyết cũng có rất nhiều con, thế nhưng mấy năm nay chỉ có cô con gái Đinh Thị Hòa là học được bài thuốc gia truyền đó. Hôm bà Hòa sang thổi thuốc cho cụ Con, chúng tôi cũng có mặt. Bà lên ban thờ, đặt đĩa trầu cau lên thắp nhang rồi lầm rầm khấn khứa. Đĩa trầu ấy, bà bỏ vào cái túi nylon mang sang nhà cụ Con, cầm miếng trầu với đầy đủ cau, trầu, vỏ, vôi trên tay, bà Hòa lại lầm rầm đọc thần chú rồi cho vào miệng nhai. Vừa nhai bà vừa thổi vào chỗ xương đau của cụ Con. Tất cả chỉ mất chưa đầy năm phút.


Bà Hòa thổi trầu vào chỗ xương rạn và xương đau cho cụ Quách Thị Con.
 
 
Chẳng ai nói ra bí quyết gia truyền bao giờ, song bà Hòa cũng chia sẻ với chúng tôi rằng, với mỗi loại bệnh về xương, bà lại đọc thần chú để cầu xin một vị thần khác nhau. Khi chúng tôi nêu giả thiết, liệu trầu cau có tác dụng gì trong việc nối liền xương hay không? Bà Hòa cười: “Nó chỉ như là chất dẫn thôi, còn quan trọng nhất vẫn là những câu thần chú và năng lượng của mình dồn vào đó. Mỗi lần niệm chú xong là thấy năng lượng trong người mình vơi đi khá nhiều. Những lúc mà mệt là không thổi được đâu, như mẹ tôi ốm mấy hôm nay không chữa cho ai được”.

Bà Hòa chia sẻ: “Tôi là giáo viên, cũng “duy vật biện chứng” như rất nhiều người. Ngay cả đến lúc này, đang bắt đầu kế thừa bài thuốc bí truyền của gia đình, tôi cũng không hiểu được là xương người bệnh liền được do đâu”. Ngồi bên cạnh “truyền nhân”, cụ Quyết cười móm mém: “Mẹ chồng tôi, ngoài việc truyền lại bài thuốc là những câu thần chú, bà còn dặn rằng trời cho nhà mình cái lộc là bài thuốc đó, nhưng không được lấy cái lộc ấy để lấy tiền của thiên hạ bỏ vào túi mình. Chỉ riêng việc đòi người bệnh phải trả cho mình bao nhiêu tiền thôi cũng đã là thất đức rồi. Mà nếu có làm thế thì cái lộc giời cho cũng chẳng lâu bền được”.
 
 
Nguyên Minh

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo