Bài toán giữ giá tour
Giá cao bởi tiền mất giá
Dạo gần đây, trang Facebook của bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Công ty Du lịch Ánh Dương, tràn ngập hình ảnh của bà cùng các đồng sự tại khắp các khu nghỉ dưỡng ở Bình Thuận, Nha Trang... Bạn bè vào bình luận rằng làm du lịch quá thảnh thơi, được vi vu khắp các khu nghỉ dưỡng xinh đẹp. Tuy nhiên, với bà Thu, đằng sau những hình ảnh vui vẻ đó là những ngày dài rong ruổi hết chỗ này đến chỗ kia kêu gọi các khách sạn cùng chung tay giảm giá tour cho khách du lịch Nga - đối tượng khách chính của công ty.
Đồng rúp đang mất giá mạnh khiến giá tour ngày càng đắt đỏ, một số chuyến bay thuê bao đưa khách đến đã phải hủy do không thể gom đủ khách. Vì thế, giảm giá tour là công việc ưu tiên hàng đầu hiện nay. “Hồi cuối năm ngoái, cứ 30 rúp thì ăn 1 đô la Mỹ, nay đến 43 rúp mới ăn được 1 đô la, làm cho giá tour đi Việt Nam trở nên đắt đỏ. Thu nhập của người dân Nga cũng thấp hơn nên không giảm giá là không thể bán tour”, bà nói.
Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết khủng hoảng chính trị ở Ukraine khiến đồng rúp mất giá 20%. Lượng khách Nga đến Việt Nam giảm mạnh và Vietnam Airlines phải đưa đường bay Nga vào diện theo dõi.
Chủ tịch một công ty du lịch lớn ở TPHCM cũng có cùng nhận xét. Ông cho rằng thị trường Nga đã không còn dễ làm như những năm trước. Một số doanh nghiệp đã phải bỏ hoặc giảm khai thác thị trường này bởi lợi nhuận thu được ngày càng giảm, giảm “sát đáy” theo cách nói của ông, thậm chí không có lời. Vài năm trở lại đây, để lấy được khách ở thị trường Nga, doanh nghiệp Việt Nam phải giảm giá rất mạnh mới có thể cạnh tranh được với Pegas Touristik - một công ty lớn có thế mạnh về đội máy bay, mạng lưới đại lý gom khách phủ sóng rộng rãi trên khắp nước Nga. Nay đồng rúp mất giá, việc giảm giá tour lại phải làm mạnh hơn nữa mới có khách nên rất ít công ty có thể kham nổi. “Có công ty tại Nga đang chào bán tour trọn gói khoảng 12 ngày ở khách sạn 3 sao giá chỉ còn hơn 21 triệu đồng. Với giá này thì công ty trong nước không thể bán được dù chỉ là giá khuyến mãi trong vài tháng”, ông nói.
Tương tự Nga, một số doanh nghiệp khai thác thị trường Indonesia cho biết cũng đang gặp khó do đồng rupiah của nước này mất giá so với đồng đô la Mỹ. Trước đây, cứ khoảng 1 triệu rupiah mua được 100 đô la Mỹ, nhưng đến nay phải 1,2 triệu rupiah mới mua được. Do giá tour đến Việt Nam thường được tính bằng đô la Mỹ nên người dân Indonesia phải chi trả nhiều hơn mới có thể mua tour.
Trên đây chỉ là hai ví dụ về một số thị trường bị ảnh hưởng khi đồng tiền của những nước này mất giá khiến nhiều dịch vụ, trong đó tour đi nước ngoài trở nên đắt đỏ. Trong tình hình này, giá dịch vụ ăn uống, vận chuyển, vé tham quan... lại tiếp tục tăng trong thời gian qua đã bồi thêm cho doanh nghiệp du lịch những gánh nặng chi phí, khiến bài toán giảm giá tour để thu hút khách ngày càng khó dù đã cắt giảm chi phí, giảm lợi nhuận.
Theo một số doanh nghiệp, hiện giá tour đến Việt Nam cao hơn một số nước lân cận khoảng 30-40% và khoảng cách này sẽ khó có thể rút ngắn trong thời gian tới.
Cần những cái bắt tay
Để giải được bài toán giữ giá tour, vấn đề tạo chuỗi cung ứng dịch vụ khép kín từ nhà hàng, khách sạn, vận chuyển (mặt đất, hàng không), điểm tham quan, công ty du lịch... cũng như việc bắt tay giữa doanh nghiệp với các địa phương để tạo giá cạnh tranh lại được đặt ra như là một giải pháp tốt nhất.
Ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Du lịch Viking, cho biết những thuận lợi từ hàng không, khách sạn... đã giúp công ty “trụ được” với thị trường Indonesia. Hiện nay, Vietnam Airlines đang có mức giá rất tốt cho đường bay nối TPHCM, Hà Nội với thủ đô Jakarta. Giá vé khứ hồi từ Jakarta đến TPHCM chỉ có 230 đô la Mỹ, nếu muốn ra Hà Nội thì chỉ khoảng 300 đô la Mỹ, thấp hơn gần 200 đô la Mỹ so với một số đường bay có thời gian bay tương tự. Một số khách sạn 3 sao của các công ty nhỏ và vừa cũng đang chào bán giá phòng chỉ từ 30-35 đô la Mỹ, gần như thấp hơn hoặc ngang bằng với một số điểm du lịch tại các nước lân cận. “Chỉ một mình công ty du lịch giảm giá là không đủ để tạo giá tour hấp dẫn. Nếu cả chuỗi cung ứng dịch vụ đều hưởng ứng thì chúng ta mới có thể cạnh tranh được”, ông nói.
Tuy nhiên, việc tạo nên chuỗi cung ứng dịch vụ, hoạt động nhịp nhàng với thị trường là điểm yếu của du lịch Việt Nam. Chẳng hạn, hiện nhiều công ty vận tải vẫn không giảm giá xe so với hồi đầu năm dù xăng đã có chín lần giảm giá. Với vé tham quan, thắng cảnh, di tích, nhiều địa phương thay vì giảm giá để kéo khách đến trong tình hình sụt giảm khách thì lại tăng giá để bù nguồn thu nên công ty du lịch có muốn giảm giá tour cũng khó.
Theo ông Nguyễn Minh Quyền, Phó giám đốc Trung tâm Lữ hành Bến Thành Tourist, rất nhiều điểm tham quan như Huế, Hội An, Hạ Long... tăng giá vé tham quan, có nơi tăng từ 50 đến hơn 100%. Với ngành công nghiệp du lịch, nên xem doanh thu từ phí tham quan thắng cảnh là nguồn phụ, cái chính phải đến từ hàng loạt dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, mua sắm... Khách có đến thì mới đem lại doanh thu, việc tăng giá vé tham quan trong thời điểm hiện tại chỉ làm giảm khách, gây thất thu lớn. “Mỗi dịch vụ là một mắt xích để tạo nên giá tour, chỉ cần một mắt xích bị gãy là vòng tròn giá tour sẽ bị ảnh hưởng”, ông Quyền nói.
Sau một thời gian làm việc với hàng loạt khu nghỉ dưỡng ở khắp nơi như Bình Thuận, Khánh Hòa... bà Thu, Chủ tịch Công ty Du lịch Ánh Dương, cho biết có một số nơi đồng ý giảm giá để cùng giảm giá tour nhưng công ty nào cũng lo ngại nếu giảm giá nhiều thì sẽ mất tiền lời mà còn phải đóng thuế cùng nhiều khoản chi phí khác. Mối lo này không chỉ là của riêng các khu nghỉ dưỡng mà cũng là nỗi lo chung của các doanh nghiệp du lịch như bà.
“Chúng tôi có nghe đến việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong ngành du lịch. Nếu được giảm thuế, chúng tôi sẽ tiếp tục giảm giá tour cho khách. Trong tình hình này, cần lắm những cái bắt tay từ cả doanh nghiệp lẫn Nhà nước”, bà Thu nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam