Bám sát mục tiêu đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội
(giaoducthoidai) Theo báo cáo tại hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT (2010 - 2012) được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố sáng ngày 17/7 tại Hà Nội, trong 3 năm qua, đề án tập trung vào xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất; chương trình đào tạo, tài liệu dạy nghề; đào tạo giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).
Đề án cũng bao gồm mục tiêu đào tạo bồi dưỡng cho 1,1 triệu lượt cán bộ, công chức xã. Với lộ trình trên, giai đoạn vừa qua, đề án đã thực hiện hỗ trợ dạy nghề cho 1.088.393 lao động nông thôn, đạt 77,74% kế hoạch và bằng 16,64% kế hoạch 11 năm thực hiện Đề án. Đào tạo và bồi dưỡng 203.593 lượt cán bộ công chức xã, đạt 67,86% kế hoạch và bằng 18,5% kế hoạch 11 năm của Đề án.
Ban chỉ đạo T.Ư trực tiếp chỉ đạo 11 tỉnh điểm, 12 xã điểm hoàn thành 4 nhóm mô hình thí điểm dạy nghề nông nghiệp, dạy nghề tiểu thủ công nghiệp làng nghề, dạy nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp, dạy nghề cho ngư dân đánh bắt trên biển. Đã tổng kết, đánh giá và rút ra quy trình thực hiện, điều kiện tổ chức thực hiện và triển khai nhân rộng.
Một số địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp về đầu tư, tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vốn sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới điển hình như: Bắc Giang với sản phẩm Gà đồi Yên Thế; Bắc Cạn với cây Dong riềng và các sản phẩm miến dong; Hà Nam, Hậu Giang với quy trình nuôi lợn trên nền sinh học; Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Thái Nguyên, Nghệ An, Đồng Tháp… với việc thu hút doanh nghiệp về nông thôn; Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định… với việc dạy nghề máy trưởng, thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ…
Tuy nhiên đến nay, còn 19 địa phương vẫn chỉ trông chờ vào ngân sách trung ương, tại nhiều địa phương tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề còn rất thấp, ví dụ như Yên Bái 16%, Ninh Bình 56%... Một số bất cập khác được chỉ ra trong quá trình thực hiện, như chưa có quy định cụ thể về mục tiêu có việc làm sau học nghề, chưa có chính sách cho vay vốn để phát triển sản xuất sau khi học nghề, chưa có sự phối hợp giữa đề án 1956 với các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề khác nên vẫn còn sự chồng chéo, gây lãng phí…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: Với 78% lao động có việc làm, 44% thoát nghèo từ việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là con số chấp nhận được trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, việc đào tạo nghề triển khai còn chậm, thiếu đồng bộ, một số nơi dạy nghề còn chạy theo số lượng, chất lượng thấp, hướng nghiệp chưa phù hợp với khả năng người dân. Vì vậy trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương khi triển khai cần khắc phục những khó khăn hiện nay trong đào tạo nghề, tập trung bám sát mục tiêu đào tạo nghề theo yêu cầu xã hội…
Anh Quang
End of content
Không có tin nào tiếp theo