Góc nhìn

Bài 2: Người trong cuộc "minh oan" cho Công ty Thành Phát

DNVN - Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam có bài phản ánh: "Doanh nghiệp lương thiện đang sống dở, chết dở kêu cứu vì bị nghi oan". Thấu hiểu những oan ức của Công ty Thành Phát, hàng chục ngư dân, tiểu thương đã lên tiếng "minh oan" để trả lại uy tín cho công ty này, đồng thời sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng làm rõ sự việc.

An Giang: Thu giữ số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ / Nghệ An: Bắt Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Châu vì sai phạm liên quan tới đất đai

Bài 1: Doanh nghiệp lương thiện đang sống dở, chết dở kêu cứu vì bị nghi oan

Ngư dân lên tiếng

Liên lạc, trao đổi với những ngư dân Hà Tĩnh thường qua lại, làm ăn tại cảng Hòn La, PV nhận được lá đơn viết tay của 30 ngư dân gửi đến các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình. Nội dung đơn cho rằng, thông tin Công ty Thành Phát bảo kê, cưỡng đoạt tài sản là sai sự thật và mong muốn cơ quan chức năng làm rõ trả lại danh dự cho Công ty TNHH Kinh doanh thương mại dịch vụ Thành Phát (gọi tắt là Công ty Thành Phát) và Giám đốc Phan Sinh Thành. Họ cũng khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra nhóm người đang lợi dụng danh nghĩa ngư dân Hà Tĩnh để vu oan cho công ty.

Trao đổi với PV, chị Trần Thị Thuận (thôn 1, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi làm vài tháng ở đó, và hiểu đó là những thông tin vu khống thôi. Họ (nhóm người tổ chức vu khống – PV) “trâu buộc ghét trâu ăn”, thấy anh Thành có chỗ ra bán dầu, bán máy được nên họ ghen ăn tức ở. Tôi có 11 con tàu khai thác hải sản ở cảng Hòn La, nước ngọt anh Thành cho cập bến không lấy tiền, chỉ bán dầu với mấy thứ hàng tạp hóa thiết yếu cho ngư dân. Trước đó, tôi cũng đi nhiều cảng, họ thu tiền bảo kê nên tôi không làm, sau mới về làm với anh Thành (Giám đốc Thành Phát – PV). Còn thông tin anh Thành cấm tàu thuyền không cho vào là không có. Ở cảng Hòn La, anh Thành để cho tàu nào thích vào thì vào, còn giá cả đã có thỏa thuận trước đó hết rồi, mọi người đều nhất trí cao".

Dụng cụ đánh bắt hải sản của ngư dân nằm chất đống trên tàu chờ ngày hoạt động

Dụng cụ đánh bắt hải sản của ngư dân nằm chất đống trên tàu chờ ngày hoạt động.

Ông Trần Văn Cường (thôn Bắc Hà, xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Thông tin cho rằng anh Thành bảo kê là không đúng sự thật, nói như vậy có tội họ lắm. Tôi có 4 – 5 tàu lúc đi đánh bắt, lúc mua hải sản làm ăn ở vùng biển này, được anh Thành làm dịch vụ cung cấp dầu, nước đầy đủ với giá hiện hành… Đợt dịch mới đây, chúng tôi không được về nhà thường xuyên như trước thì được anh Thành hỗ trợ chỗ ăn, chỗ ngủ nhưng không lấy một đồng nào. Còn giá cả thu mua, chúng tôi với anh Thành đã có thỏa thuận, ký kết đàng hoàng. Lúc trước giá 30 ngàn đồng/1kg, nhưng từ khi anh Thành bị bắt chỉ còn 10 ngàn đồng/1kg và đến giờ không còn ai mua nữa. Tàu bè nằm im mấy tháng nay rồi không làm ăn được gì hết. Mong các cơ quan chức năng làm rõ để ngư dân chúng tôi tiếp tục làm ăn”.

Những người đàn ông lạ mặt, bí ẩn

Trong quá trình thu thập thông tin, chị Đặng Thị Nhiệu (thôn Bắc Hà, xã Kỳ Hà, TX Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) nói: “Việc anh Thành cưỡng ép giá là không có. Nhưng vừa rồi, vào đầu tháng 6, lúc đó chúng tôi làm sò mới được 2 ngày là có 2 người đàn ông lạ mặt, chạy xe máy tìm tôi tự xưng tên là Hoàng Cường và một người nữa dụ dỗ làm đơn tố cáo anh Thành, tôi nói không biết, nhưng họ đã bày cho làm đơn. Sau này, chồng tôi biết và nói, khi mình làm ăn ở đó được anh Thành hỗ trợ nước ngọt, đá lạnh, nay mình làm đơn tố cáo là thất đức. Sau đó tôi điện thoại cho người có tên Hoàng Cường xin lại đơn”.

Chị Nhiệu kể tiếp: “Tôi ở nhà không biết sự viêc ở cảng. Chồng tôi nói, việc giao dịch tại cảng, tất cả dịch vụ cũng như mua bán hải sản đều được thống nhất thỏa thuận trong một cuộc họp trước khi làm. Tại cuộc họp hôm đó, mọi ý kiến của ngư dân đưa ra là anh Thành đồng ý hết. Sau này tôi mới nghĩ, chỉ những ai "chơi xấu" anh Thành mới làm như vậy. Có một số nhà khác (phía ngoài Kỳ Anh – PV), nghe những người lạ mặt dụ dỗ nên chắc cũng làm đơn tố cáo anh Thành, vì nghe những người lạ mặt giới thiệu là công an, sau này mới biết đã bị lừa”.

 

Anh Nguyễn Xuân Cường (thôn Bắc Hà, xã Kỳ Hà, TX. Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) cũng cho biết: “Cách đây vài tháng, có một người đàn ông đến hỏi này nọ, nhủ tôi làm đơn tố cáo anh Thành, nhưng tôi không làm. Thực tế, tôi thấy làm ăn với ông Thành được giúp đỡ nhiều. Sau này tôi hỏi người đàn ông làm việc gì, người đàn ông nói làm công an. Họ cứ gặng hỏi về anh Thành thì tôi cũng nói việc thật, anh giúp đỡ tôi rất nhiều...”.

Từ những thông tin (nêu trên), câu hỏi đặt ra là: Có hay không việc một nhóm người nào đó đang lợi dụng danh nghĩa công an và·của những ngư dân Hà Tĩnh để viết đơn tố cáo, nhằm cáo buộc anh Phan Sinh Thành vào tội bảo kê, cưỡng đoạt tài sản nhằm triệt đường làm ăn của công ty?

Cơ quan chức năng nói gì?

Để có thêm thông tin đa chiều, khách quan phóng viên đã trực tiếp thu thập thông tin ở nhiều cơ quan chức năng trên địa bàn.

Tại UBND xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, trao đổi với PV, anh Trần Quốc Đoàn (Trưởng công an xã Quảng Đông) cho biết: “Từ tháng 1/2020, tôi về làm việc ở đây không tiếp nhận đơn thư nào phản ánh của người dân về hoạt động mua bán bất hợp pháp hoặc xẩy ra xô xát, đánh đập, bảo kê xuất hiện ở cảng Hòn La. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh ở đây kể từ thời điểm trước lúc xẩy ra vụ việc cố ý gây thương tích vào ngày 11/8 trở về trước đều diễn ra bình thường”.

 

Tiếp tục, PV có buổi làm việc với Đồn Biên phòng Roòn (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình), ông Nguyễn Thanh Hải - Đồn trưởng cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ chính trị giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, bờ biển, thời gian qua Đồn biên phòng Roòn đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Trên biển, mọi hoạt động của tàu thuyền đều được kiểm soát, ngư dân tuân thủ thực hiện tốt các quy định...”.

Kể từ ngày sự việc anh Thành xảy ra, các tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh nằm bất động không biết ngày nào sẽ được ra khơi, bám biển

Kể từ ngày sự việc anh Thành xảy ra, các tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh nằm bất động, không biết ngày nào sẽ được tiếp tục ra khơi, bám biển.

Trả lời câu hỏi của PV về tình hình an ninh trật tự trên biển, cũng như hoạt động kinh doanh tại cảng Hòn La ông Dương Đăng Quý – Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Roòn cho biết: “Trong vài năm qua, Đồn Biên phòng Roòn không hề nhận được đơn thư, phản ánh nào của ngư dân hoạt động tại vùng biển này và khu vực cảng Hòn La liên quan đến việc bị bảo kê, cưỡng ép giá…Liên quan đến việc các tàu ngư dân tập trung về cập cảng Hòn La kể từ đầu tháng 6 đến nay là thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch tại Thông báo số 82/ TB – UBND ngày 10/6/2021. Theo tinh thần văn bản này, UBND huyện Quảng Trạch giao Đồn Biên phòng Roòn tiếp tục phối hợp với các địa phương liên quan thực hiện kiểm soát tàu thuyền đi từ tỉnh Hà tĩnh (địa phương phát hiện dịch Covi-19 tại thời điểm đó – PV) cập bến, cảng biển trên địa bàn huyện; rà soát, theo dõi, nắm bắt tình hình, hướng dẫn tàu thuyền ngư dân cập bến tập trung về Cảng Hòn La để tạo thuận lợi kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, tránh làm ảnh hưởng hoạt động đánh bắt, kinh doanh, buôn bán của ngư dân và phải đảm bảo an ninh trật tự.

Điều này có thể thấy, việc các tàu bè từ Hà Tĩnh đến cập bến tại Cảng Hòn La là làm đúng theo thông báo của UBND huyện Quảng Trạch chứ không phải anh Phan Sinh thành ép buộc các tàu về cập bến tại đó.

 

Phó đồn trưởng Dương Đăng Quý thông tin thêm: Ngay sau khi xẩy ra vụ việc cố ý gây thương tích trên vùng biển Hòn La vào ngày 11/8, Đồn Biên phòng Roòn đã kịp thời có mặt tham gia giải quyết, đưa người bị thương đi cấp cứu và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an tiếp tục điều tra theo quy định.

Liên quan đến chiếc “tàu lạ” tham gia vào vụ việc đáng tiếc được đề cập ở bài 1, Phó đồn trưởng Quý khẳng định: “Tàu cá mang số hiệu QB-22322-TS lần đầu tiên có mặt trên vùng biển này. Họ, những người có mặt trên tàu chưa từng thấy xuất hiện làm ăn, hay đánh bắt hải sản tại vùng biển Hòn La”.
Nhóm PV miền Trung
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm