Góc nhìn

Bình luận: Đến lúc cưỡng chế Agribank, kẻo như “ném đá ao bèo”

DNVN - Bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật đã tuyên buộc Ngân hàng Agribank phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án - trả lại tài sản và bồi thường cho cá nhân, doanh nghiệp. Nhưng Agribank trây ỳ, vẫn không tự nguyện thi hành án. Lẽ nào hiệu lực của bản án…như “ném đá ao bèo”?

Nghệ An: Bán dầu Diesel bẩn, lẫn nước lã...các xe tiền tỉ hư hỏng nặng, quản lý thị trường làm gì? / Hồi âm: Cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra vụ dầu Diesel bẩn, lẫn nước lã ở Nghệ An, thêm nhiều nghi vấn mới

Ông Phạm Hoàng Thắng (Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Máy nông nghiệp Hoàng Thắng (viết tắt là doanh nghiệp Hoàng Thắng) là nguyên đơn khởi kiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng thế chấp, tín dụng và bồi thường thiệt hại”. Rốt cuộc, ông Phạm Hoàng Thắng đã thắng kiện Ngân hàng Agribank. Bản án của tòa án có hiệu lực ngày 15/4/2021 đã tuyên đổi với Agribank: “Trả lại cho ông Phạm Hoàng Thắng 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ); Agribank phải bồi thường cho ông Phạm Hoàng Thắng số tiền 200.000.000 đồng. Trường hợp Agribank chậm trả thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả lãi suất phát sinh do chậm trả được xác định theo khoản 2, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015”. Ngày 24/05/2021, Chi cục Thi hành án dân sự quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã ra Quyết định thi hành án - buộc Agribank phải thi hành phán quyết đã có hiệu lực của tòa án.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực đến nay đã hơn 6 tháng, Agribank vẫn không tự nguyện thi hành án, để đến nỗi cơ quan Thi hành án phải 2 lần làm giấy mời đại diện Agribank đến trụ sở cơ quan Thi hành án “giục giã” chấp hành án, nhưng đại diện Agribank không có mặt để chấp pháp?

Ông Phạm Hoàng Thắng nhận Giải thưởng sáng chế KH&CN, nay đang "khốn khổ" trên nẻo đường công lý.
Tại trụ sở cơ quan thi hành án, ông Phạm Hoàng Thắng đã chính thức đề nghị áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với Agribank, khi đại diện Agribank được mời đến chấp pháp nhưng đã không đến (lần 2).
Vụ việc này, cơ quan báo chí cũng đã tốn rất nhiều “giấy mực” để lên tiếng về việc Agribank chấp pháp không nghiêm. Và nữa, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng kiến nghị “chung tay” bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Hoàng Thắng (hội viên). Ông Phạm Hoàng Thắng bức xúc vì Agribank tiếp tục trây ỳ, vô cảm, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp là có lý lẽ! Nên hiểu, nguyên tắc của Hiến pháp rằng: "Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành".
Với ý nghĩa đó, luật pháp khuyến khích đương sự (Agribank) tự nguyện thi hành án; nếu người phải thi hành án (Agribank) không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án. Xin nói thêm, để đảm bảo thi hành án, cơ quan thi hành án có quyền phong tỏa tài khoản tại Agribank.
Cần khẳng định rằng, chậm trễ thi hành án ngày nào, thì ông Phạm Hoàng Thắng và doanh nghiệp Hoàng Thắng sẽ mất đi quyền về tài sản (tiền và sổ đỏ) của những ngày ấy; đồng thời mất đi quyền (việc) hưởng lợi hợp pháp từ những tài sản đó; đặc biệt là mất đi cơ hội kinh doanh…Đó là những thiệt hại khó đếm xuể.
Ở góc nhìn khác, nếu bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà không được thi hành nghiêm – cũng đồng nghĩa với hình ảnh pháp quyền “lung lay”. Không những thế, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chấp pháp; làm ảnh hưởng đến sự uy nghiêm của hệ thống pháp quyền.
Trong đại dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực tìm giải pháp tối ưu nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp…vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế. Vậy, không lý gì mà Ngân hàng Agribank Việt Nam đứng ngoài cuộc, chí ít cũng từ việc chấp pháp cho nghiêm. Xin nhắc lại câu hỏi: Lẽ nào hiệu lực của bản án…như “ném đá ao bèo”?
Đỗ Lê Tảo
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm