Lâm Đồng: Ban quản lý các Khu công nghiệp vượt quyền UBND tỉnh
Lâm Đồng cảnh báo tình trạng giả mạo thông tin lãnh đạo tỉnh để lừa đảo / Doanh nghiệp, doanh nhân Lâm Đồng được Thủ tướng tặng bằng khen
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin, mới đây, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã có kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất, thu, nộp tiền cho thuê lại đất và sử dụng kinh phí tại Khu Công nghiệp (KCN) Lộc Sơn và KCN Phú Hội, trong giai đoạn từ năm 2015-2020.
Một góc Khu công nghiệp Lộc Sơn - nơi Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. (Ảnh: Internet)
Qua đó, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế của Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng, như: Không kiểm tra và xử lý đối với hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng tại 5/26 dự án được kiểm tra; Thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, đôn đốc nên chưa kịp thời tham mưu các cấp có thẩm quyền, đề nghị UBND tỉnh thu hồi diện tích hơn 10,2ha đất vi phạm tại 8 dự án chậm đưa đất vào sử dụng từ 36 đến 135 tháng.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng và Công ty Phát triển hạ tầng KCN Lộc Sơn – Phú Hội đã để xảy ra việc Công ty TNHH Hu Cha Vina (KCN Lộc Sơn) đang được hưởng nhiều ưu đãi đầu tư (được miễn tiền thuê đất, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp) nhưng không đưa đất vào sử dụng theo hợp đồng thuê đất đã ký kết, không trực tiếp sản xuất, kinh doanh theo mục tiêu đầu tư ban đầu, mà cho doanh nghiệp khác thuê sử dụng.
Cụ thể, theo hợp đồng cho thuê nhà xưởng giữa Công ty Hu Cha Vina và Công ty Kanaan, từ tháng 4/2020 đến tháng 10/2021, Công ty Hu Cha Vina đã thu lợi hơn 19 tỷ đồng, gần bằng tổng số tiền thuê lại đất, phí sử dụng hạ tầng thu được trong 6 năm (2015-2020) của tất cả các dự án trong 2 KCN Lộc Sơn và Phú Hội cộng lại.
Không dừng lại ở đó, qua kiểm tra tại KCN Phú Hội, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng còn phát hiện sai phạm nghiêm trọng của Ban Quản lý các KCN khi ban hành quyết định vượt quyền UBND tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, để “hợp thức hoá” cho sai phạm tại 3 dự án có vị trí đất được bố trí không phù hợp giữa ngành nghề sản xuất kinh doanh với quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy định tại Quyết định 15 của UBND tỉnh Lâm Đồng về phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN Phú Hội. Ngày 1/10/2019, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định 57, phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết sử dụng đất (quy hoạch ngành, nghề - lần 4), để điều chỉnh, bổ sung nhóm ngành nghề mới “khác” vào tất cả các khu quy hoạch ngành nghề đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.
Điều đáng nói là sau đó, căn cứ vào quyết định không bảo đảm các quy định của pháp luật này, Ban Quản lý các KCN tỉnh Lâm Đồng tiếp tục cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) và bố trí đất cho một số dự án đầu tư mới tại KCN Phú Hội có vị trí không phù hợp với ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo Quyết định 15 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, để xảy ra những tồn tại, hạn chế trên, nguyên nhân là do Ban Quản lý các KCN, Công ty Phát triển hạ tầng KCN chưa thực hiện đúng và hết trách nhiệm, nhiệm vụ theo quy định. Đơn vị chưa chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật liên quan đến tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý Nhà nước, tổ chức đầu tư hạ tầng tại các KCN.
Bên cạnh đó, chưa có giải pháp để yêu cầu, xử lý các nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ, mục đích đầu tư đã đăng ký; chưa phát hiện giải quyết kịp thời các sai phạm về thi công không phép, sai giấy phép được cấp; chưa xử lý, tham mưu biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với tình trạng bố trí đất không phù hợp quy hoạch ngành nghề sản xuất, kinh doanh; chưa chủ động kiểm tra đôn đốc và xử lý, tham mưu xử lý đối với sai phạm trong việc không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng tại các KCN.
Từ đó, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các KCN thu hồi quyết định 57 về phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết sử dụng đất KCN Phú Hội do không bảo đảm các quy định của pháp luật. Chấm dứt việc cấp Giấy CNĐKĐT, bố trí đất cho các dự án không đúng quy định về quản lý chi tiết xây dựng do tỉnh đã phê duyệt.
Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, UBND huyện Đức Trọng và Công ty Phát triển hạ tầng KCN kiểm tra, rà soát các trường hợp đã bố trí đất không phù hợp vị trí quy hoạch ngành nghề để có biện pháp xử lý; tham mưu xử lý theo thẩm quyền nhằm chấm dứt tình trạng đơn thư phản ánh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong KCN ổn định sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2020. (Ảnh: BQL)
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Ban Quản lý các KCN phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp tiến hành rà soát, làm việc với 4 chủ đầu tư trong việc thực hiện dự án đầu tư, sử dụng đất, tài sản theo nội dung Giấy CNĐKĐT được cấp và các quy định của pháp luật liên quan, gồm: Công ty cổ phần Vinasolar Bảo Lộc, Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, Công ty TNHH Vườn hạnh phúc Đà Lạt, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại TCB.
Nếu đủ căn cứ các dự án này lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh để thu lợi thì kiên quyết thu hồi Giấy CNĐKĐT vì sử dụng đất không đúng mục đích, không triển khai sản xuất, kinh doanh theo tiến độ, mục tiêu đã cấp trong Giấy CNĐKĐT.
Ngoài ra, đối với các đơn vị có phát sinh doanh thu từ hoạt động đầu tư ngoài Giấy CNĐKĐT được cấp (như bán điện mặt trời, cho thuê nhà xưởng), cần ra soát, xem xét lại các điều kiện, nội dung ưu đãi đầu tư về thu tiền cho thuê lại đất, các loại thuế, phí sử dụng hạ tầng, để xử lý. Trường hợp không thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư cần xem xét thu hồi các khoản ưu đãi theo quy định. Tham mưu các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với việc sản xuất, kinh doanh không đúng mục tiêu đầu tư theo Giấy CNĐKĐT.
Đồng thời, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN (có thời gian công tác trong kỳ thanh tra) và các bộ phận chức năng, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, hạn chế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo