Góc nhìn

Lâm vào khốn đốn khi bảo lãnh cho người khác vay tiền

Bà Nguyễn Thị Trình (Q.12, TP.HCM) cho biết: “Những tưởng đứng ra bảo lãnh vay ngân hàng có thể giúp cho đứa em có vốn làm ăn, không ngờ tôi lại lâm vào khốn đốn”.

Theo trình bày, cuối năm 2016, bà Trình đã thế chấp căn nhà của gia đình, bảo lãnh cho người em là ông Phạm Văn Thủ vay tiền tại ngân hàng Sacombank lấy tiền làm ăn. Sau đó, ông Thủ đứng ra vay hơn 1,7 tỉ đồng của một số người khác để chuyển vào tài khoản vay của bà nhằm tất toán hợp đồng. Hoàn tất thủ tục tất toán, ông Thủ đề nghị bà tiếp tục thế chấp căn nhà lấy tiền cho ông vay nhưng gia đình bà không đồng ý. Vì sự cố này, ông Thủ không có tiền trả lại cho chủ nợ.

Điều trớ trêu là một thời gian sau, bà Trình lại bị chủ nợ của ông Thủ kiện đòi trả lại hơn 1,7 tỉ đồng đã vay. Phía này cho rằng, đây là số tiền bà Trình mượn của họ chứ không phải ông Thủ mượn nên bà Trình phải trả.


Bà Nguyễn Thị Trình

Trình cho hay: “Từ đầu đến cuối, tôi đã khẳng định mình không vay mượn số tiền này, phía nguyên đơn cũng không chứng minh được tôi vay nhưng cả mấy bản án của tòa đều tuyên xử bất lợi cho tôi khiến tôi rất bức xúc.

Theo bản án sơ thẩm ngày 8-1-2020 của TAND Quận 12 (TP.HCM), nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh được mình cho bà Trình hay ông Thủ vay tiền nhưng trên thực tế, nguyên đơn đã nộp tiền vào tài khoản của bị đơn là bà Trình để tất toán số tiền mà bị đơn vay ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng đã lập thủ tục tất toán các khoản vay cho bà Trình. Như vậy, có chứng cứ cho thấy, bà Trình đã chiếm hữu, sử dụng tài sản của nguyên đơn không có căn cứ pháp luật.

Mặt khác, phía ngân hàng dù đã làm thủ tục tất toán cho bà Trình nhưng đến thời điểm xét xử vụ án, phía ngân hàng vẫn chưa giao lại giấy tờ nhà cho bà Trình nên quy trình tất toán khoản vay chưa kết thúc. Do vậy, phía ngân hàng phải liên đới cùng với bà Trình, trả lại hơn 1,7 tỉ đồng cho nguyên đơn.

Đồng thời, tòa cũng tuyên xử, do nguyên đơn nộp tiền vào tài khoản của bà Trình nên bà Trình được hưởng lợi về tài sản là số tiền lãi nên phải trả tiền lãi cho phía nguyên đơn từ ngày 12-9-2019 đến ngày 8-1-2020 là hơn 56 triệu đồng. Cạnh đó, khi nguyên đơn yêu cầu thi hành án mà phía bà Trình và ngân hàng không thi hành thì bà Trình và ngân hàng phải chịu thêm tiền lãi tương ứng với thời gian và số tiền chưa thi hành án. Riêng khoản vay của bà Trình với ngân hàng thì sẽ được giải quyết bằng bản án khác khi có tranh chấp.

Ngày 24-6-2020, xử phúc thẩm, TAND TP HCM đã tuyên y án sơ thẩm. Đồng thời tòa xác định, bà Trình là người phải chịu khoản lãi suất tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

Vụ án này kết thúc chưa được bao lâu, thì đến ngày 14-1-2021, bà Trình lại tiếp tục hầu tòa vì phía ngân hàng tiến hành khởi kiện yêu cầu bà trả khoản nợ đã vay như đã đề cập tại bản án trước.

Phía ngân hàng cho rằng, bà Trình đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên ngân hàng đã chuyển toàn bộ khoản nợ thành nợ quá hạn. Ngân hàng yêu cầu bà phải trả một lúc số tiền gốc là trên 1,6 tỉ đồng cùng tiền lãi là trên 450 triệu đồng tính đến ngày tòa đưa vụ án ra xét xử.

Theo nhận định của TAND quận 12, dù trước đó, phía ngân hàng có tiếp nhận hơn 1,7 tỉ đồng nộp vào tài khoản của bà Trình để tất toán khoản vay của bà này nhưng việc tất toán khoản vay không được sự đồng ý của bà Trình. Bà Trình cũng không ủy quyền cho bất cứ ai để tất toán. Như vậy, ngân hàng làm không đúng quy định. Cạnh đó, ngân hàng cũng chưa trả lại giấy tờ nhà cho bà Trình nên quy trình tất toán chưa hoàn thành. Mặt khác, ngân hàng cũng không chấp nhận việc ông Thủ đứng ra nhận khoản nợ này thay cho bà Trình nên có cơ sở xác định bà Trình đã vay nợ và chưa hoàn thành việc trả nợ.

Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía ngân hàng, buộc bà Trình phải trả nợ gốc và lại cho ngân hàng là trên 2,1 tỉ đồng. Xử phúc thẩm mới đây, TAND TP HCM cũng đã tuyên y án sơ thẩm.

Bà Trình cho hay, tòa xử cả hai vụ án trên đều không nhìn nhận đúng bản chất thực tế diễn ra, khiến bà thiệt đơn, thiệt kép.

Thực chất, ông Thủ chính là người mượn tiền (trên 1,7 tỉ đồng) để đi tất toán khoản vay, đồng thời ông này cũng nhiều lần thừa nhận việc này nhưng tòa không ghi nhận là không chính xác. Từ việc này, tòa tuyên ngân hàng và phía bà phải có trách nhiệm trả lại tiền khiến cho quyền lợi của bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lý ra trong việc này, ông Thủ mới là người phải trả nợ cho chủ nợ của ông Thủ. Còn việc vay mượn của bà và phía ngân hàng đã kết thúc ngay từ khi chủ nợ của ông Thủ nộp tiền để tất toán khoản vay của bà.

Thứ nữa, theo bà Trình, trong suốt vụ việc nêu trên, bà Trình không hề chiếm giữ số tiền 1,7 tỉ đồng mà tất cả đều nằm trong ngân hàng. Như vậy, tòa nói bà hưởng lợi từ khoản tiền chiếm giữ này là không đúng. Từ nhận định sai lầm này, các bản án tuyên chồng chéo nhau, vừa bắt bà trả lãi (trên 56 triệu đồng) cho người đã cho ông Thủ vay tiền, vừa bắt bà phải trả lãi (trên 450 triệu đồng) cho ngân hàng thì không khác nào bắt bà chịu cảnh “một cổ hai tròng”.

Chưa kể, tòa còn tuyên bà phải trả lãi nếu chậm thi hành án cho chủ nợ của ông Thủ thì lại càng vô lý. Vì số tiền này (trên 1,7 tỷ đồng) ngân hàng đang chiếm giữ, bà không có quyền trả lại cho chủ nợ của ông Thủ. Bên có chức năng, nghĩa vụ trả là phía ngân hàng. Tòa tuyên như vậy, nếu ngân hàng càng ngâm lâu thì bà càng bị phạt lãi là hết sức vô lý. Trên thực tế, qua một thời gian khiếu nại của người được thi hành án, phía ngân hàng đã giải ngân số tiền này. Trong khi đó, bà Trình lại chịu lãi bên thi hành án của khoản ngân hàng chậm thi hành án (hơn 200 triệu). Như vậy, việc tòa tuyên bà phải trả lãi chậm thi hành án là một sự oan ức rất lớn.

“Các bản án đã không bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho tôi, khiến tôi bị nhiều thiệt hại. Hiện tôi đang làm hồ sơ để đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm lại cả hai vụ án. Không dưng bị ách giữa đàng này khiến gia đình tôi suy sụp. Tôi tin rằng những cấp có thẩm quyền sẽ soi xét kỹ càng để trả lại niềm tin cho gia đình”, bà Trình trình bày.

Minh Quân

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo