Góc nhìn

TPHCM: Một mảnh đất bán cho nhiều người, cách nào để không mắc bẫy lừa đảo?

DNVN - Lâu nay, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật đã dùng thủ đoạn lừa bán một mảnh đất cho nhiều người. Cách nào để tránh rơi vào cạm bẫy của những đối tượng lừa đảo này?

Trường hợp mới đây vào tháng 8/2020, bà Thủy (tên nhân vật đã thay đổi) đặt cọc 3 tỉ đồng mua một mảnh đất của bà Phạm Thị Tố Quyên (thường trú tại khu phố 4, P. Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân, TP.HCM) tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP. HCM. Trước khi đưa tiền đặt cọc, bà Thủy đã rất cẩn thận kiểm tra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Phạm Thị Tố Quyên và xem thực tế vị trí lô đất.

Trong thời gian chờ sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Thủy phát hiện lô đất trên đã bị bà Quyên bán cho nhiều người cũng bằng hình thức ghi giấy tay. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, bà Thủy đề nghị dừng việc giao dịch và yêu cầu bà Quyên trả lại số tiền đặt cọc.

Ngày 17/11/2020, hai bên đã ký kết văn bản thỏa thuận thống nhất về việc hủy giao dịch mua bán đất. Theo đó, bà Thủy có trách nhiệm trả lại giấy tờ có liên quan đến thửa đất. Đồng thời, bà Quyên có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đặt cọc 3 tỷ đồng, hạn chót đến ngày 03/3/2021 phải hoàn trả số tiền trên.

nnnn

Một mảnh đất bán được bán cho nhiều người.

Đến hạn cam kết trả tiền, bà Quyên liên tục trốn tránh bằng cách không nghe điện thoại, rời khỏi địa phương. Không chỉ có vậy, theo phản ánh của bà Thủy, mới đây bà Quyên còn đã thuê giang hồ đe dọa để buộc bà Thủy nhận lại 2 tỷ đồng thay vì 3 tỷ đồng và sau đó phải dừng việc đòi nợ.

Cũng liên quan đến thửa đất tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP. HCM do bà Quyên đang đứng tên sở hữu còn có một nạn nhân khác là ông Vinh (tên nhân vật đã thay đổi). Qua quảng cáo ông Vinh được môi giới giới thiệu mua thửa đất nói trên. Đồng ý mua đất và để tạo niềm tin với người bán là bà Quyên, ông Vinh đồng ý thanh toán số tiền 380 triệu đồng.

Sau đó, giống như bà Thủy, ông Vinh phát hiện tại thửa đất này bà Quyên đã bán cho nhiều người khác bằng các giấy tờ viết tay nên yêu cầu dừng giao dịch. Sau nhiều lần hứa hẹn giải quyết, đến nay bà Quyên vẫn trốn tránh, không trả lại số tiền 380 triệu đồng đã nhận của ông Vinh.

nnn


Để tránh bị rơi vào những trường hợp bị lừa đảo như trên, Luật sư Phan Văn Việt (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết: “Chỉ nên trao tiền đặt cọc sau khi hai bên thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng tại tổ chức công chứng là cách để người mua giảm thiểu rủi ro khi thực hiện giao dịch đất đai”.

 

Cũng theo Luật sư Phan Văn Việt, khi gặp đối tượng dùng thủ đoạn lừa bán một sổ đỏ cho nhiều người để chiếm đoạt tiền cọc, cách xử lý tốt nhất là người bị lừa tố cáo hành vi vi phạm pháp luật này đến cơ quan công an, đề nghị điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự bên bán. Nếu cơ quan điều tra xác minh được hành vi lừa đảo là có thật, chắc chắn hành vi lừa đảo sẽ chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên, nạn nhân có lấy lại được tiền không thì lại là chuyện khác.

Linh Khánh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo