Ban hành danh sách kênh “sạch” và kênh xấu độc trên Youtube
Báo cáo được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn gửi tới Quốc hội theo yêu cầu của Tổng thư ký Quốc hội để phục vụ kỳ họp thứ 5 đang diễn ra. Lãnh đạo Bộ Thông tin – Truyền thông dành dung lượng đáng kể trong báo cáo để trình bày về nhiệm vụ kiểm soát thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội mà Quốc hội đã giao trong nghị quyết sau phiên chất vấn nửa năm trước.
Ban hành “white list”, “black list” vào đầu tháng 5/2018
Bộ trưởng Tuấn cho biết, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ Thông tin – Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh việc trao đổi, hợp tác với Facebook, Google nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên hai mạng xã hội Facebook và Youtube.
Thời gian qua, Bộ đã làm việc với Google chặn, hạ được 6 kênh xấu độc trên Youtube, 6 trò chơi khỏi Google Play do vi phạm pháp luật Việt Nam. Bộ này cũng đang tiến tới quản lý nội dung theo danh sách kênh sạch (white list) và kênh xấu độc (black list) trên Youtube, để cơ quan quản lý sẽ kiểm soát được nhiều hơn nội dung do cá nhân, tổ chức Việt Nam sản xuất và đăng tải trên Youtube hàng ngày, hạn chế các nội dung vi phạm ảnh hưởng đến người sử dụng ở Việt Nam.
Từ đó, các đại lý quảng cáo và các doanh nghiệp có nhãn hàng quảng cáo ở Việt Nam sử dụng khi đăng phát quảng cáo sẽ giúp bảo đảm sự an toàn về nội dung trong hoạt động quảng cáo trực tuyến trên hệ thống Youtube tại Việt Nam.
Việc lập danh sách “white list”, “black list” cũng để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo chảy vào những kênh Youtube xấu độc đang gián tiếp nuôi dưỡng các lực lượng chống phá, thế lực thù địch.
Bộ Thông tin – Truyề thông dự kiến công bố danh sách các kênh có nội dung sạch và các kênh có nội dung xấu độc trên Youtube nhằm mục đích cung cấp thông tin cho cộng đồng để người sử dụng Internet và các doanh nghiệp tham khảo, phòng tránh. Dự kiến danh sách này sẽ được ban hành vào đầu tháng 5/2018.
Đối với Facebook, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, cơ quan quản lý thường xuyên, liên tục yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ nhiều đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Facebook cũng đã hợp tác với Bộ về việc xác thực cho các fanpage chính thống của các cơ quan, tổ chức cá nhân, góp phần xác định rõ những thông tin sạch và chính xác trên môi trường mạng xã hội.
Ngoài ra, nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý Internet và thông tin trên mạng, trong năm 2018, Bộ Thông tin – Truyền thông cũng xây dựng và trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định số 27 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Xếp hạng 200 trang báo điện tử từ nước ngoài có lượng truy cập lớn
Về nhiệm vụ “xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thông tin, Bộ đang chỉ đạo xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử này.
Về nhiệm vụ “Xây dựng bộ công cụ thu thập, phân tích và quản lý thông tin vi phạm; công cụ phân tích, xếp hạng, đánh giá website theo lượng truy cập để làm cơ sở xây dựng, triển khai các chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên Internet phù hợp”, lãnh đạo Bộ Thông tin – Truyền thông trình bày việc đã rà soát, tìm kiếm, thu thập và phân tích dữ liệu trên mạng theo các nội dung cụ thể, chuyên biệt làm cơ sở để Bộ yêu cầu Google, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam trên hạ tầng dịch vụ của họ.
Từ năm 2017, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử của Bộ đã thực hiện dự án “Đầu tư trang thiết bị, công cụ, phần mềm đánh giá xếp hạng trang thông tin điện tử và nội dung thông tin trên Internet phục vụ công tác quản lý nhà nước”.
Theo đó, dự án được đầu tư trang thiết bị, phần mềm và trung tâm dữ liệu cho phép thực hiện việc đo lường, đánh giá xếp hạng khoảng 200 trang mạng báo chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội trực tuyến… do cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam cấp phép, quản lý (tên miền .vn hoặc .com.vn) bao gồm các trang báo, tạp chí điện tử; trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội… của Việt Nam nhưng có máy chủ đặt tại nước ngoài và một số trang nước ngoài có lượng người truy cập cao tại Việt Nam.
Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc đo lường định lượng khán giả trên Internet (tối thiểu 2,000 người sử dụng) tại Hà Nội và TPHCM trên các hạ tầng nghiên cứu khác nhau.
Dự án nhằm thiết lập công cụ trong việc đánh giá, quản lý nội dung thông tin (đối với các hệ thống trang mạng được nhà nước Việt Nam cấp phép hoạt động) để nâng cao hiệu quả, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các yếu tố nội dung sai định hướng của Đảng, nhà nước Việt Nam. Xây dựng được cơ sở dữ liệu, thống kê được lượng người dùng trên Internet, phục vụ công tác báo cáo, xếp hạng và đánh giá các trang thông tin trên mạng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất