Ban hành Quy chế thi THPT quốc gia 2018
Theo đó, có một số quy định thay đổi được áp dụng ngay từ kỳ thi năm nay.
Về việc chấm điểm bài thi tự luận, chấm thi theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả các bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên 1,0 điểm theo thang điểm 10 và có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.
Đối với thí sinh tự do, khi dự thi phải có thêm: Giấy xác nhận của trường phổ thông nơi thí sinh học lớp 12 hoặc nơi thí sinh đăng ký dự thi về xếp loại học lực đối với những học sinh xếp loại kém về học lực; Bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở hoặc Trung cấp (bản sao được chứng thực từ bản chính, bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu); giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận.
Riêng đối với thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp không có học bạ THPT hoặc học bạ giáo dục thường xuyên cấp THPT, khi đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên phải học và được công nhận đã hoàn thành các môn văn hóa THPT theo quy định.
Việc hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật được áp dụng đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.
Thông tư cũng quy định việc thành lập đoàn cán bộ, giảng viên tham gia phối hợp tổ chức thi tại các hội đồng thi ở các địa phương theo điều động của Bộ GD&ĐT. Kinh phí cho cán bộ, giảng viên các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng được Bộ GD&ĐT điều động về địa phương tham gia tổ chức thi do địa phương chi trả theo quy định hiện hành.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ 15/4/2018.
* Ngày 11/3, tại ĐH Bách khoa Hà Nội đã diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2018 với sự tham gia của khoảng 80 trường đại học, cao đẳng, trường nghề, trung tâm ngoại ngữ và đơn vị tư vấn du học...
Hoạt động này nằm trong chuỗi 17 chương trình và Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp được tổ chức trên cả nước, từ tháng 1 đến hết tháng 3/2018. Thông qua chương trình, học sinh có cơ hội tiếp cận thông tin, hiểu rõ các quy định về kỳ thi THPT, những kiến thức cần thiết để chuẩn bị lựa chọn ngành nghề đăng ký vào đại học, cao đẳng hoặc lựa chọn học nghề, chọn công việc tương lai phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện gia đình.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định: Phương thức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng ổn định trong ba năm tới và sẽ có định hướng dài hơi cho giai đoạn tiếp theo. Bộ GD&ĐT xác định rõ chủ trương công khai, minh bạch thông tin, dữ liệu liên quan đến công tác thi, tuyển sinh nói riêng và công tác đào tạo nói chung.
Hiện Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng nhiều phần mềm quản lý dữ liệu để các cơ sở đào tạo kê khai, giúp thí sinh nhận diện rõ được thương hiệu, uy tín đích thực của từng trường nhằm chọn trường, chọn ngành học phù hợp.
Tại Ngày hội, Ban tư vấn gồm 20 chuyên gia đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước và các trường đại học đã cung cấp các thông tin mới nhất liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng, trường nghề năm 2018, giải tỏa thắc mắc của học sinh và phụ huynh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo