Bản lĩnh người lính - doanh nhân
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng bao giờ cũng vậy, ngày 30.4 lịch sử luôn là một thời điểm đầy cảm xúc trên mảnh đất hình chữ S. Nhất là đối với những con người mà “đời lính” của họ đã không dừng lại ở cột mốc 30.4.1975 mà được nối dài trong một sứ mệnh khác, doanh nhân - người lính thời bình. Cựu chiến binh, TGĐ Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) Nguyễn Xuân Đình đã chia sẻ về những trải nghiệm của ông ở cả hai phần đời người lính - doanh nhân.
Sau 6 năm đi bộ đội, năm 1978 ông Nguyễn Xuân Đình buộc phải rời chiến trường vì bị thương. Trở về, ông vừa làm vừa học tập, tích lũy kiến thức ở nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, xây dựng, chính trị. 37 năm qua, trải qua nhiều vị trí, nhiều đơn vị nhưng ông luôn nhắc nhớ mình phải giữ vững và phát huy tinh thần quyết thắng, lòng dũng cảm, sự nhạy bén, linh hoạt và khả năng vượt khó được rèn luyện từ môi trường quân ngũ.
“Sự dấn thân không chỉ bởi riêng mình”
Một cuộc nghiên cứu nhỏ về những doanh nhân từng gia nhập quân ngũ là họ luôn thành công từ góc độ cá nhân đến công việc. Ông có thể lý giải về điều này từ trải nghiệm của bản thân?
Tôi cho rằng phẩm chất, năng lực cần có của doanh nhân Việt Nam ngày nay cũng giống như phẩm chất, năng lực cần có của một sĩ quan quân đội, đó là: trí, dũng nhân. Do đó, với những doanh nhân đã từng được rèn rũa trong môi trường quân đội sẽ có những thuận lợi nhất định khi tham gia vào thương trường.
Còn ở góc độ cá nhân, những năm tháng gắn bó với đời lính, được rèn luyện về khả năng chiến thắng bản thân, kiên trì vượt khó; bình tĩnh, bản lĩnh để nhận định tình hình, tìm cách vượt qua và đặc biệt là không bao giờ bỏ cuộc… đã giúp tôi rất nhiều trong vai trò của một doanh nhân hôm nay.
Bên cạnh đó, những doanh nhân từng mặc áo lính luôn có một nguồn năng lượng đặc biệt từ những kỷ niệm, khoảnh khắc không thể quên về nghĩa tình đồng đội. Đối với tôi, đó là những cái ôm siết, ánh mắt đau đớn của đồng đội khi tôi bị kẻ thù bắn xuyên đùi và ngất lịm đi trên tay họ; đó là khi chúng tôi phải gạt nước mắt tiễn đưa người đồng đội hôm qua còn chia nhau củ khoai, miếng sắn mà sáng nay đã đột ngột hi sinh…
6 năm tham gia chiến trường, tôi đã rất nhiều lần chứng kiến đồng đội bị chôn vùi dưới bom đạn. Mỗi lần vuốt mắt tiễn đưa đồng đội là một lần tôi tự khắc sâu lời hứa sẽ sống, chiến đấu và làm việc thay cho cả những người không may đã ngã xuống để đất nước có niềm vui chiến thắng… Đó chính là những động lực giúp tôi quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trong kinh doanh để thực hiện trọn vẹn lời hứa và cũng là để trả nợ ân tình với những người đồng đội đã ngã xuống năm xưa. Vì thế, trong hơn 30 năm qua, bản thân tôi đã từng trải qua những giờ phút cực kỳ khắc nghiệt trên thương trường, không ít lần cảm thấy áp lực nặng nề hay làm việc không kể giới hạn ngày đêm. Nhưng tôi tự nhủ, dù mệt mỏi, chuân truyên cũng không thể bỏ cuộc vì sự dấn thân này đâu chỉ bởi riêng mình.
Câu chuyện của “trăm người cùng hướng”
Có người ví những khó khăn, thách thức trong kinh doanh như “những trận B52 hiện đại” và giai đoạn khủng hoảng vừa qua có thể được xem là “trận B52” khốc liệt nhất đối với cộng đồng DN. Điều gì giúp D2D vẫn tiếp tục vững tiến và không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh này, thưa ông?
Có thể nói, sự kiên định đi theo phương châm tiến chậm mà chắc, làm ít mà “chất”, khả năng tài chính đến đâu thì làm đến đó đã giúp D2D may mắn đứng ngoài vòng xoáy đổ vỡ của thị trường. Ngay từ khi mới khởi nghiệp, chúng tôi xác định lấy phát triển bền vững làm mục tiêu hàng đầu để đảm bảo cho con đường lâu dài, không ôm đồm nhiều dự án và đầu tư dàn trải. Do đó, ở mỗi giai đoạn D2D chỉ tập trung đầu tư vào 1 - 2 dự án khả thi. Và trong vòng 10 năm trở lại đây, chúng tôi chỉ làm 05 dự án trọng tâm là KCN Nhơn Trạch 2, Khu dân cư đường 5 và đường 5 nối dài, Chung cư A1, Khu căn hộ cao cấp Amber Court, Khu phố chợ và Chợ mới Long Thành. Với chiến lược đầu tư theo trọng điểm, dựa trên thực lực và ít lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng, hiện D2D đang có nguồn thu ổn định, lâu dài từ nhiều dự án cũng như khá chủ động về nguồn tài chính và luôn trong tư thế sẵn sàng tái đầu tư vào các dự án mới khả thi.
Cũng trong một môi trường chung như các DN khác, vậy điều gì khiến ông và D2D kiềm chế được để không chạy theo những xu thế ngắn hạn?
Điều đó bắt nguồn từ trách nhiệm phải khai thác nguồn lực của nhà nước, đồng vốn của cổ đông một cách hiệu quả nhất. Nếu không, có lẽ chúng tôi cũng sẽ bị “thôi miên” trước những mục tiêu ngắn hạn. Là một công ty cổ phần có vốn Nhà nước chi phối, chúng tôi đặt lên hàng đầu những mục đích chung, không nhìn lợi nhuận tách rời mục tiêu xã hội, luôn nỗ lực đảm bảo được đời sống của CBNV, quyền lợi của cổ đông, khách hàng và sự phát triển chung của cộng đồng.
Đảm nhận vai trò thuyền trưởng D2D trong bối cảnh kinh tế suy thoái, thị trường trầm lắng nhưng có vẻ như ông khá “mát tay” khi nuôi dưỡng thương hiệu này ngày càng phát triển mạnh mẽ?
Cũng như mọi DN khác, D2D là câu chuyện của cả tập thể, thành hay bại không phụ thuộc vào một cá nhân. Ở vị trí một CEO, tôi may mắn có được một tập thể tốt, đoàn kết trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, cùng nhau đối diện khó khăn, thách thức và cùng đón nhận thành công. Nói cách khác, năng lượng đặc biệt giúp D2D vượt khó, thành công là ở sức mạnh của trăm người như một, trăm người một tên, một hướng. Đúng như lời bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” vui nhộn nhưng đầy ý nghĩa đối với cả những người lính trong mặt trận kinh tế hôm nay: “…Đã lên xe không còn tên riêng nữa… Đã xung trận cả năm người như một…”. Tôi tin rằng, ai rồi cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc và mạnh mẽ khi được đứng trong một tập thể như thế. Và tôi mong, D2D vẫn mãi là “cỗ xe tăng” có những “chiến binh” yêu đời, lạc quan, đoàn kết và cùng chí hướng.
“Thương trường không phải là cuộc đấu sinh tử”
Xã hội hiện nay thường nhắc tới cụm từ “Thương trường là chiến trường”, ông có thể chia sẻ quan điểm về vấn đề này, thưa ông?
Tôi cho rằng quan niệm này chưa hoàn toàn chính xác bởi cạnh tranh trên thị trường không nhất thiết phải là những cuộc đấu trực diện. Tại sao lại cứ phải là kẻ thắng, người bại mà không phải là mọi người cùng chiến thắng? Giới doanh nhân ngày nay đều chung tâm niệm rằng, hội nhập sẽ thành công với tất cả mọi DN nếu các DN không chọn phương thức đối đầu. Cách mà các DN Việt Nam hãy lựa chọn là đối tác cùng làm ăn và chia sẻ lợi ích trên tinh thần Win – Win. Đó cũng là một thước đo bản lĩnh của doanh nhân – người lính thời bình.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ chiến thuật thì có thể ví kinh doanh cũng giống như một trận đánh, “biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Doanh nhân phải đọc được “trận đánh” thì mới có được cả chiến dịch thành công. Mỗi doanh nhân sẽ có một chiến thuật riêng nhưng để thích ứng được với sự thay đổi bất thường trong nền kinh tế thì cần phải có nhiều phương án linh hoạt.
Vậy ông và D2D đã thành công với chiến thuật gì, thưa ông?
Tôi cho rằng chiến thuật chỉ là vấn đề của tính toán, kỹ năng và phương pháp. Còn để có được những chiến thuật tốt thì bất kỳ DN nào cũng không thể thiếu được điều quan trọng nhất là chữ tâm, tâm sẽ tạo tầm, tạo thế. Thành công tuyệt đối không thể xây dựng bằng lối đi tắt và những xảo ngôn. Nếu kinh doanh theo kiểu “ăn xổi” thì sự thành công chỉ nhất thời, không thể lâu bền, như nhặt được một ngọn cỏ nhưng mất đi một rừng cây. Sự khôn ngoan nhất chính là làm sao dung hoà được lợi ích của DN và các nhóm lợi ích liên quan, luôn giữ chữ tín, sự trung thực như giữ sinh mạng của DN.
Kiên định với tâm niệm đó, trong suốt 23 năm vừa qua D2D luôn nỗ lực trong từng bước đi, từng dự án để thực hiện trọn vẹn cam kết với khách hàng, cổ đông, địa phương và người dân. Vì vậy, tài sản lớn nhất mà chúng tôi đang có không phải là những Khu dân cư, KCN đẹp đẽ, hoành tráng mà chính là niềm tin, sự ghi nhận và trân trọng của cộng đồng, xã hội.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Thanh niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo