Bán mía được trả bằng... đường
Hàng chục ngàn tấn mía của nông dân tại tỉnh Gia Lai được đại lý thu mua rồi nhập về cho Nhà máy đường Bình Định (huyện Tây Sơn, Bình Định) nhưng hầu hết không được thanh toán bằng tiền mặt mà được nhà máy trả bằng... phiếu đường.
Ông Thiều Xuân Chung - chủ nhiệm HTX Xuân Chung (thôn 4, xã An Thành, huyện Đắk Pơ) - ngao ngán: “Suốt mấy tuần nay người dân gọi điện thoại đòi nợ liên tục nhưng nhà máy lại nợ tiền của tôi nên chẳng biết phải làm gì ngoài ăn rồi ngồi đợi!”.
Theo ông Chung, từ đầu vụ đến nay HTX đã nhập cho Nhà máy đường Bình Định trên 3.000 tấn mía, nhưng hầu hết không được nhà máy đường trả bằng tiền mặt mà bằng... phiếu đường.
“Mỗi lần nhập mía xuống, nhà máy lại xuất cho chúng tôi một phiếu đường tương đương với số mía đã nhập với lý do nhà máy hiện đang khó khăn về tài chính. Tuy nhiên mức giá đường mà nhà máy bán cho chúng tôi cũng cao hơn giá thực tế mà chúng tôi bán được cho thương lái.” - ông Chung nói.
Theo ông Chung, mức giá đường mà các chủ mía được thanh toán là 11.100 đồng/kg. Số đường quá lớn nên nông dân không thể vận chuyển về nhà mà phải bán lại cho đầu mối thu mua tại cổng nhà máy đường.
Để liên hệ với các đầu mối này, Nhà máy đường Bình Định lại tiếp tục đứng ra làm trung gian và khi đường đến tay được các đầu mối thì mức giá chỉ còn... 10.900 đồng/kg. Nhiều chủ đại lý nhập mía cho Nhà máy đường Bình Định cũng cho biết đã được lãnh đạo nhà máy thông báo về tình hình khó khăn hiện nay của đơn vị này.
Người trồng mía đã làm ăn với Nhà máy đường Bình Định lâu dài nên rất chia sẻ, các đại lý đã đồng ý nhận phiếu đường thay vì tiền mặt để hỗ trợ công ty thời điểm khó khăn.
Tuy nhiên với cách thu mua nguyên liệu và mức đường hoàn trả cho nông dân như hiện tại thì nhà máy đang khiến người dân thiệt thòi quá nhiều.
“Một mùa mía chúng tôi nhập hàng ngàn tấn vào nhà máy, quy ra tiền lên tới hàng tỉ đồng. Nhưng không được nhận tiền mà lại nhận bằng phiếu đường, việc bán một số lượng đường như thế đối với nông dân là không thể nên phải thông qua nhà máy làm trung gian. Tuy nhiên, mỗi ký đường bán ra chúng tôi bị thiệt 200 đồng, với số mía nhiều thì số tiền đó không hề nhỏ.” - một đại lý nhập mía nói.
Chủ một đại lý khác cho biết thậm chí việc nông dân muốn đưa đường về nhà để bán thì bị Nhà máy đường Bình Định áp mức giá đường xuất kho cao hơn 2-3 giá so với giá bán phiếu đường tại chỗ.
Tình hình thu mua mía nguyên liệu của Nhà máy đường Bình Định đang gặp khó khiến hàng chục ngàn tấn mía tại tỉnh Gia Lai dồn ứ.
Các đại lý cho biết số mía hiện tại của nông dân không thể nhập cho nhà máy khác bởi không nằm trong vùng nguyên liệu của các công ty, nếu nhập vào đơn vị khác thì sẽ phải chịu mức giá rất thấp hoặc các khoản chi phí khác cao ngất ngưởng.
Thế nhưng khi trả lời chúng tôi về bức xúc của nông dân trồng mía, ông Phan Lâm Tường - phó tổng giám đốc Công ty CP Đường Bình Định - cho biết: “Hiện tại chúng tôi không thể cung cấp được gì”.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
22% trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025 có nguy cơ chậm trả nợ gốc
'Bệ phóng' AI giúp doanh nghiệp tài chính ngân hàng tăng tốc
Ngành công thương Hà Nội duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ
Giá vàng ngày 11/1/2025: SJC chính thức vượt mốc 86 triệu đồng
Chống lãng phí đất đai - Bài 1: Bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang
Giá ngoại tệ ngày 11/1/2025: USD tăng mạnh, Index gần chạm mốc 110
Cột tin quảng cáo