Bảng giá ‘đất vàng’ TP.HCM chênh với thị trường 1 tỷ đồng mỗi m2
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên – Môi trường về việc Đề xuất sửa đổi Luật Đất đai 2013 về giá đất.
Theo HoREA, nhiều quy định và cơ chế xác định giá đất, thẩm định giá đất khi vận hành thực tế đã cho thấy chưa thực sự đảm bảo nguyên tắc "Giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”.
Bảng giá đất đang rất lạc hậu
Trong văn bản này, HoREA chỉ ra sự lạc hậu của bảng giá đất tại TP. HCM. Hiện giá đất quy định trong bảng giá đất của TP.HCM chỉ bằng 30-50% giá đất thị trường. Đặc biệt, mức giá cao nhất trong bảng giá đất của TP.HCM đang tạo khoảng cách quá xa so với thực tế. Kết quả công tác thẩm định "giá đất cụ thể" cũng chưa thể đảm bảo được nguyên tắc "Giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường".
HoREA dẫn Nghị định 104 quy định giá đất tối đa tại TP.HCM (liệt vào nhóm đô thị đặc biệt) là 162 triệu đồng mỗi m2. Bảng giá đất TP.HCM quy định 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) áp dụng mức cao nhất không vượt quá 30%, tương đương 210,6 triệu đồng một m2 nhưng vẫn thấp hơn thực tế một tỷ đồng mỗi m2.
Kể cả nếu cộng thêm hệ số biến động 2,1 cho 3 tuyến đường này, mức kịch trần giá đất cũng chỉ dừng lại ở ngưỡng 442,26 triệu đồng mỗi m2. Như vậy, dù có áp khung cao nhất, ưu tiên định mức cao nhất và cộng thêm hệ số biến động, giá đất của 3 tuyến đường sầm uất và đẹp nhất khu trung tâm Sài Gòn vẫn thấp hơn thực tế rất nhiều.
Tại các địa phương đã xảy ra tình trạng bảng giá đất thấp mà nguyên nhân chủ yếu là do "Khung giá đất" thấp. Ngoài ra, Nghị định 44 của Chính phủ quy định "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định mức giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất”.
Tuy nhiên, nghị định này không được quy định mức giá đất thấp hơn mức giá tối thiểu của cùng loại đất trong khung giá đất, nên không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Trong khi đó, Nghị định 104 quy định giá đất tối đa tại TP.HCM (liệt vào nhóm đô thị đặc biệt) là 162 triệu đồng mỗi m2. Bảng giá đất TP.HCM quy định 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) áp dụng mức cao nhất không vượt quá 30%, tương đương 210,6 triệu đồng một m2, và đang thấp hơn thực tế 1 tỷ đồng mỗi m2.
Kể cả nếu cộng thêm hệ số biến động 2,1 cho 3 tuyến đường này, mức kịch trần giá đất cũng chỉ dừng lại ở ngưỡng 442,26 triệu đồng mỗi m2. Như vậy, dù có áp khung cao nhất, ưu tiên định mức cao nhất và cộng thêm hệ số biến động, giá đất của 3 tuyến đường sầm uất và đẹp nhất khu trung tâm Sài Gòn vẫn thấp hơn thực tế rất nhiều.
HoREA cho hay, việc tổ chức thực hiện công tác định giá đất cụ thể trong nhiều trường hợp còn chậm, kéo dài từ 1-3 năm. Công tác này chưa đáp ứng kịp thời tiến độ tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường, mà nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế và quy trình hành chính trong khâu tổ chức thực hiện.
Định giá đất còn thiếu minh bạch
Trong văn bản này, HoREA nói quy trình định giá đất thủ công hiện nay khá lủng củng. Sở Tài nguyên Môi trường lập kế hoạch định giá đất cụ thể và tổ chức thực hiện việc xác định giá đất cụ thể. Sở Tài chính làm thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh để thẩm định phương án giá đất.
Cơ chế này đã dẫn đến quy trình hành chính xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất thiếu tính minh bạch, thiếu tính liên thông, có sơ hở tạo ra cơ chế "xin cho", nhũng nhiễu. Từ đó, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.
Thêm vào đó, tiền sử dụng đất hiện nay vẫn là ẩn số, là gánh nặng của chủ đầu tư dự án và cả người mua nhà, và cũng là tác nhân gây cản trở cho nỗ lực kéo giảm giá nhà về mức hợp lý.
HoREA còn cho rằng kết quả định giá cũng có sự chênh lệch rất lớn. Đặc biệt đối với các loại đất có giá trị thương mại cao như đất ở, đất thương mại, dịch vụ tại khu vực đô thị hoặc các khu vực đang được đầu tư. Dẫn đến công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất thiếu tính chính xác, thiếu độ tin cậy, dễ dẫn đến vận dụng tùy tiện và phát sinh tiêu cực.
Việc điều tra, khảo sát giá đất phổ biến trên thị trường cũng gặp khó khăn. Nếu áp dụng phương pháp so sánh trực tiếp thì phải căn cứ vào giá giao dịch thực tế. Thế nhưng phần lớn giá giao dịch thực tế đã bị khai thấp so với giá giao dịch thực để không phải nộp nhiều thuế thu nhập cá nhân. Bởi lẽ, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, bên chuyển nhượng bất động sản phải nộp 2% giá trị hợp đồng, bất kể chuyển nhượng bất động sản có lãi, hòa vốn, hoặc lỗ đều phải nộp thuế.
Chính vì những bất cập này, HoREA kiến nghị bỏ quy định ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần và giao thẩm quyền này cho cấp tỉnh chịu trách nhiệm ban hành giá đất cụ thể nhằm đưa loại hàng hóa đặc biệt này về vùng giá phù hợp với diễn biến trên thị trường và phù hợp với thực tế tình hình của địa phương.
HoREA cho rằng, tài chính đất đai là vấn đề rất lớn, rất quan trọng trong pháp luật đất đai, trong đó có vấn đề xác định giá đất. Nguồn thu từ đất chiếm khoảng trên dưới 10% ngân sách địa phương là nguồn thu rất quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhưng hiện nay, trong quá trình thực thi pháp luật đất đai, có hiện tượng nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất đai còn bị thất thu trong hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển công năng sử dụng của công trình xây dựng gắn liền với đất, nhất là chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở.
"Nguồn thu ngân sách từ đất đai chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo thành nguồn thu lâu dài, bền vững cho ngân sách nhà nước. Hoạt động thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp còn nhiều bất cập", văn bản của HoREA nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng