Quốc tế

Bangladesh: chìm tàu chở hơn 130 người tị nạn

Cảnh sát Bangladesh ngày 31-10 thông báo gần 130 hành khách là người Hồi giáo Rohingya mất tích khi chiếc tàu chở người tị nạn Rohingya (Myanmar) chìm ở khu vực biên giới trên biển giữa Myanmar và Bangladesh.

Rất nhiều người Rohingya đã rời bỏ Myanmar và tìm đường đến nước láng giềng Bangladesh sau những bất ổn gần đây.

Trả lời AFP, Thanh tra cảnh sát Mohammad Farhad phụ trách mũi đông nam Bangladesh cho biết chỉ sáu người sống sót sau vụ chìm tàu. Theo lời một nhân chứng, trên thuyền lúc đó có khoảng 135 hành khách nhưng tới sáng chủ nhật 28-10 chỉ 6 người được tàu đánh cá vớt lên.

Tuy nhiên, hiện tại thông tin về số lượng hành khách và thời điểm tàu gặp nạn đang có sự mâu thuẫn. Dự án Arakan - một tổ chức chuyên hỗ trợ người Hồi giáo Rohingya đặt tại Bangkok (Thái Lan) - cho biết có 133 hành khách trên tàu và tai nạn xảy ra vào rạng sáng 30-10.

Ít nhất 89 người đã thiệt mạng và hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa trong làn sóng bất ổn mới tại bang Rakhine ở miền tây Myanmar. Bạo lực giữa người Rohingya và người dân Rakhine bùng phát từ hồi tháng 6.

Hãng AFP đưa tin ít nhất 89 người đã thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác bị buộc phải rời bỏ nhà cửa sau khi những cuộc xung đột mới giữa tín đồ Hồi giáo và Phật giáo tại bang miền tây Rakhine, Myanmar nổ ra gần đây.

Bangladesh đã cung cấp thuyền cho những người Hồi giáo Rohingya chạy sang Malaysia. Hành động này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc, nhưng Bangladesh cho rằng nước này cũng đang phải chịu gánh nặng về người tị nạn với khoảng 300.000 người Rohingya tại đây.

 

Các cuộc xung đột mới tại Myanmar khiến hàng chục nghìn người Hồi giáo Rohingya phải rời bỏ nhà cửa để chạy sang Bangladesh

 

Các cuộc xung đột mới tại Myanmar khiến hàng chục nghìn người Hồi giáo Rohingya phải rời bỏ nhà cửa để chạy sang Bangladesh

Liên quan đến tình hình tại bang Rakhine, website tổng thống Myanmar ngày 31-10 đăng thông báo nhận định các vụ bạo lực đẫm máu ở miền tây Myanmar có nguy cơ phát triển thành khủng bố có vũ trang. Thông báo cho biết khoảng 180 khẩu súng tự chế đã bị thu giữ trong cuộc xung đột mới đây tại bang Rakhine. Một số người bị bắt giữ vì tình nghi sản xuất vũ khí. Do vậy “những vụ đụng độ bình thường giữa hai cộng đồng có khả năng chuyển từ bất ổn thông thường sang hành động khủng bố”.

Chính phủ cho biết các tổ chức địa phương và quốc tế có liên quan đến vụ xung đột, nhưng không nêu rõ thông tin cũng như vai trò của họ.



Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo