Tin tức - Sự kiện

Bánh chưng vứt sọt rác, người Việt tranh ăn tiệc buffet

Xôi, gà vứt sọt rác thế nhưng cảnh tượng tranh nhau tiệc buffet, ùa vào chiếm bàn lấy đồ ăn, 'như người sắp chết đói'...

Bánh chưng, xôi gà bỏ sọt rác

Chị Nguyễn Thị Hà, công nhân vệ sinh thuộc Công ty môi trường số 4 (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong ngày mùng 6 tháng Giêng (Âm lịch), chị phải hót, dọn khoảng 3 xe rác… chỉ riêng từ khu vực phố Tây Sơn tới hết công viên Gò Đống Đa.
 
Chị bảo: “Trong xe tôi đang đẩy còn 4 cái bánh chưng nữa, nhưng tôi chẳng chăn nuôi gì nên cứ để nguyên trong túi đổ đi thôi”.
 
Chị Nguyễn Thị Hà với xe rác có 4 cái bánh chưng vứt bỏ. (Ảnh: Dân Việt)
 
chị Hà kể: "Ngày mùng 3 Tết vừa rồi, tôi còn nhặt được nguyên một con gà chưa luộc. Thấy vẫn chưa ôi nên tôi mang về ăn. Càng ngày càng thấy người ta lãng phí…”, chị Hà chép miệng.
 
Không chỉ trong nội thành, anh Nguyễn Xuân Cường, công nhân vệ sinh thuộc xí nghiệp môi trường đô thị Từ Liêm (Hà Nội) dọn rác khu vực xóm Đình (Đại Mỗ, Từ Liêm) chia sẻ: “Từ mùng 5 Tết trở đi đã thấy người dân vứt bánh chưng. Nhưng cao điểm nhất là từ mùng 10 tới rằm tháng Giêng. Bánh chưng mốc xanh mốc đỏ. Có nhà vứt 2 - 3 cái”.
 
Theo anh Cường, đội của anh có khoảng 200 công nhân, trung bình mỗi xe có khoảng 4-5 chiếc bánh. Như vậy, sau Tết, có cả ngàn chiếc bánh bị bỏ đi, nhiều đến nỗi lợn ăn không xuể.
 
Cũng là người bỏ nửa cái bánh chưng rán và khoảng nửa cân giò ép, chị Vũ Thị Hương (phố Hồ Đắc Di, Hà Nội) phân trần: “Giò ép ông ngoại gói cho, nhưng mấy ngày Tết không động đến, để trong tủ lạnh mà vẫn bị ôi, mốc nên đành phải bỏ. Còn bánh chưng cứ rán bỏ lăn lóc không ai ăn”.
 
Chị bảo: “Tết nhất chuẩn bị nhiều đồ ăn, nhưng giò, bánh chưng là hương vị Tết, không có không được. Giờ không ăn hết đổ đi cũng áy náy lắm…”.
 
Tranh nhau ăn buffet
 
Ngày 24/10 vừa qua, một cửa hàng sushi mới khai trương trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) thông báo mở cửa tự do, mời khách ăn miễn phí. Vì thế, hàng nghìn người đã đổ về đây.
 
Cảnh tượng không đẹp mắt tại nhà hàng buffet
 
Càng gần giờ ăn, số người đến càng đông, đông đến mức tràn xuống cả lòng đường, gây tắc đường. Một số người ào lên chen lấn, xô đẩy chỉ mong giành được phần ăn cho mình. Thậm chí, một số khách sẵn sàng nhảy vào bếp lấy thức ăn trong đó, rồi đứng ăn luôn, không cần phục vụ.
 
Nhiều người lấy cả khay đồ ăn nhưng chỉ ăn một miếng rồi bỏ, trong khi nhân viên cửa hàng phải ra chợ mua gấp để phục vụ khách.
 
Hành động chen lấn, xô đẩy của những người tham gia sự kiện được cho là thiếu văn hóa và rất đáng xấu hổ. Khách quốc tế được phen hốt hoảng, sợ hãi họ bình luận về nó như một thứ văn hóa riêng của người Việt.
 
Trước đó, năm 2012, một clip được cho là quay tại một nhà hàng trên quận 3, TP.HCM trong chương trình giảm giá "Buffet size khủng giá 100.000 đồng" được đăng tải lên mạng đã tạo nên cơn sốt trong cộng đồng.
 
Không chỉ gây sốc bởi kiểu giành giật các món ăn trên bàn tiệc buffet, những thực khách trong đoạn clip còn khiến cư dân mạng phải choáng váng vì tiếng gào thét, la ó như để tăng thêm "hương vị" phản cảm cho bữa tiệc này.
 
Mỗi khi nhân viên của nhà hàng đặt những món ngon lên như tôm, hàu thì cảnh tượng lại càng hỗn độn, các thực khách xô đẩy nhau để bốc đồ cho bằng được.
 
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đây là cảnh thường gặp ở các bữa tiệc buffet ở Việt Nam.
 
Không chỉ trong ăn uống, cảnh tượng tranh giành, dẫm đạp còn diễn ra tại nhiều chương trình khác. Họ trở nên điên cuồng chỉ vì một vài món nợ cỏn con, giành nhau từ chiếc áo mưa, giẫm đạp mua hàng giảm giá... thậm chí sẵn sàng bỏ mặc người bị nạn để nhảy vào hôi của.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo